Đừng biến giáo dục thành thương vụ bạc tỷ
Đại học không phải là con đường duy nhất, thế nhưng với một xã hội chuộng bằng cấp, muốn làm một số công việc đòi hỏi nhất đinh phải có bằng Đại học thì điểm số lúc ấy đóng một vai trò không hề nhỏ. Mỗi chúng ta, ai đã từng trải qua kì thi Đại học sẽ hiểu được tầm quan trọng của từng “0.25” hay “0,5” điểm là như thế nào. Số phận một con người đôi khi chỉ vì “0,25” bé xíu ấy mà bẻ lái.
Năm năm truớc, khi bước vào kì thi Đại học căng thẳng, bạn bè đồng trang lứa của tôi đã lao vào học ngày học đêm để có thể chinh phục được tấm vé bước vào giảng đường. Kết quả, có những đứa hân hoan trong niềm vui thi đậu, nhưng cũng không ít người vì thiếu “0,25” điểm mà đành phải từ bỏ ước mơ học đại học của mình. Nhất là những bạn nam có lệnh đi nhập ngũ trong suốt hai năm trời và rồi có những thứ “vơi dần” để chẳng thể quay lại con đường khoa cử.
Khi tảng băng ngầm mang tên “gian lận điểm thi” năm 2018 nổi lên như một cơn địa chấn thì bao nhiêu bất công cũng theo đó bị phô bày. Những con số như 19 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam, 347 bài thi của 222 thí sinh bị can thiệp điểm,… cũng chỉ là con số nổi, đằng sau đó là những điều khó chấp nhận hơn và có lẽ không phải chỉ năm 2018 mới xảy ra sự việc này. Sau câu chuyện “Gian lận thi cử” là những vấn đề nhức nhối mà mỗi chúng ta cần suy ngẫm, lưu tâm. Một thí sinh được nâng điểm là cướp đi cơ hội của những thí sinh khác. Khi các bạn khác học ngày học đêm để có thể đậu vào những ngôi trường mơ ước thì những thí sinh không học hành, thiếu đạo đức, ý thức lại thản nhiên thông qua quyền lực, đồng tiền của bố mẹ, họ hàng mà ung dung bước vào “cánh cửa” đại học. Những kẻ bất tài nhưng con đường “làm quan” lại rộng mở thì đất nước này, xã hội này rồi sẽ ra sao? Con, cháu họ sau này liệu có đi khác con đường mà họ đang đi?
Đáng nói hơn, tham gia vào việc gian lận này là những Cán bộ, những quan chức ngành giáo dục. Người thầy dạy cho học sinh bài học về kiến thức, đạo đức lại đi hủy hoại sự thanh cao trong nghề nghiệp của mình bằng hành động “phi đạo đức” đó. Dù biết là “vài” con sâu làm rầu nồi canh, nhưng khi bao nhiêu giáo viên hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp giáo dục, vượt ngàn dặm xa đem tới con chữ cho nhiều em học sinh miền núi với đồng lương ít ỏi thì những người này lại làm ảnh hưởng đến công cuộc giáo dục của cả dân tộc.
Được biết, giá mua điểm ở Sơn La là xấp xỉ 1 tỷ/ một trường hợp, vậy từ bao giờ, giáo dục bị biến thành một thị trường mua bán như thế. Từ chuyên viên, trưởng phòng, đến giám đốc sở giáo dục đào tạo,… đều không cưỡng được sức hấp dẫn của “con số đó” mà bán rẻ lương tâm, nhân cách. Và sẽ còn nhiều tỉ đồng nữa chi ra để con em họ có một vị trí công việc, bởi lẽ không có thực lực thì việc bước vào cánh cổng đại học chưa thể quyết định được tất cả.
Những hệ quả của “Gian lận trong thi cử” là vô cùng khôn lường. Xã hội cần phải nghiêm trị để có thể tiêu diệt tận gốc mầm họa này. Từ học sinh, phụ huynh đến giáo viên, các cấp ban ngành không ai vô can trong vấn đề này. Đừng bao biện bằng cách đổ lỗi rằng bố mẹ cháu làm cháu không biết, cấp dưới tôi làm tôi không biết hay tại người này sai khiến hoặc người kia ép buộc. Bởi lẽ không có học sinh bình thường nào lại không nhận thức được việc không làm bài nhưng điểm 9, điểm 10 lại xuất hiện hiển nhiên như thế. Bởi lẽ bên cạnh bản thân người thi thì hơn ai hết, thầy cô, bạn bè những người thường xuyên tiếp xúc sẽ luôn biết được khả năng của những thí sinh “rởm”. Im lặng là bao biện cho kẻ cướp cướp đi cơ hội của những sĩ tử khác, im lặng là để những con sâu phá hủy nền giáo dục mà bao nhiêu người, bao nhiêu đời giáo viên tạo dựng, im lặng là để những phụ huynh có chức có quyền lộng hành với quyền lực của mình mà làm những điều ngang trái.
Niềm tin vào công bằng sẽ bị thay thế bằng nỗi sợ hãi khi đạo đức của con người bị xuống cấp trầm trọng, khi quyền lực, đồng tiền mua được cả điểm số, cả cơ hội vào Đại học. Để xây dựng nên một nền giáo dục, một xã hội trong sạch, vững mạnh, cuộc chiến “Gian lận trong thi cử” cần phải quyết liệt hơn. Không truy lùng, xử lý đến tận cùng hang ổ của “gian lận” thì khó mà tiêu diệt mầm họa đang làm băng hoại nền giáo dục, tương lai đất nước này. Đừng luôn hô hào, báo cáo “Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả điểm thi trên toàn quốc. Đến nay, kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng, được nhân dân ở các địa phương đặc biệt ủng hộ” mà hãy đi sâu vào từng ngõ ngách của nó để hiểu hết và xử lý tận gốc vấn đề.
Nguyễn Thị Yến - Iura, SV Trường ĐH Luật, TP.HCM
Cựu Học Sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, Tiên Phước