Đột phá khẩu
Ngày mai (10.3), Tiên Phước là địa phương mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương. Dịp này, bao câu chuyện lịch sử được gợi nhắc với âm vang hào hùng về cuộc tổng tiến công vào đồn lũy cuối cùng của kẻ thù trong mùa xuân năm 1975.
Lịch sử đã chọn Tiên Phước cùng Buôn Ma Thuột làm đột phá khẩu cho chiến dịch xuân hè 1975. Nhưng thực tế, vai trò đột phá khẩu của Tiên Phước không chỉ trong mùa xuân lịch sử ấy. Những sử liệu còn ghi lại các chiến dịch “Vượt sông Tranh” giải phóng Lãnh – Ngọc, “Vượt sông Tiên” giải phóng Sơn – Cẩm – Hà. Từ các chiến dịch đó, một số đơn vị vũ trang của huyện, tỉnh, quân khu (như Trung đoàn 1, Sư đoàn 2) được thành lập, ghi những dấu ấn có tính bước ngoặt của phong trào cách mạng và lực lượng kháng chiến. Tuy nhiên, mốc son ngày 10.3.1975, với chiến dịch tấn công vào quận lỵ Tiên Phước, giải quyết dứt điểm các đồn lũy của địch, phát động truy quét và tiếp tục phát triển chiến dịch giải phóng Quảng Nam; đó là bài học của tranh thủ thời cơ “một ngày bằng hai mươi năm”.
Trở về sau cuộc chiến, ngoài bao mất mát hy sinh của đồng bào đồng chí đã đầy như nước sông Tiên, trên mảnh đất này còn hiện diện khó khăn chồng chất với bom mìn, ruộng đồng hoang hóa… Từ hoang tàn đổ nát, người Tiên Phước đã mở đột phá khẩu cho cuộc “cách mạng xanh”. Xanh rừng, xanh ruộng đồng và xanh vườn đồi, đó là những hướng đi để chữa lành vết thương cho đất đai, khơi dậy tiềm năng của vùng bán sơn địa. Giờ đây, ai lên ngõ nguồn sông Tiên cũng đều nhận thấy sự thay da đổi thịt rất rõ của vùng quê cách mạng này. Những vườn tiêu, thanh trà, lòn bon; những mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng; những nhà máy sản xuất giấy, nhà máy may, chế biến gỗ; những ngành nghề trầm cảnh, trồng dó bầu, chế biến nấm lim… đã góp phần tạo nên diện mạo mới của làng quê Tiên Phước.
Cùng với cuộc “cách mạng xanh”, những năm gần đây, Tiên Phước đã chú trọng triển khai điện khí hóa và bê tông hóa nông thôn. Hai cuộc cách mạng này đã khiến cho Tiên Phước có được cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế thị trường, khai thông con đường sản xuất hàng hóa, chuyển dịch lao động và cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ.
Câu chuyện lịch sử kháng chiến, câu chuyện làm ăn trong 40 năm hòa bình xây dựng của Tiên Phước, không thể kể hết trong bài báo ngắn. Có điều, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến những “mầm xanh” đang được nuôi dưỡng trên mảnh đất này. Đó là giáo dục, là đào tạo nguồn nhân lực. Từ vùng quê giàu truyền thống hiếu học, tiếp bước cha ông với tên tuổi lừng danh như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước luôn chăm lo gieo hạt mầm tương lai bằng sự nghiệp giáo dục.
Bây giờ toàn huyện đã có 15 trường mầm non, 16 trường tiểu học, 15 trường THCS, 2 trường THPT và 1 trung tâm dạy nghề. Hơn 1.000 cán bộ, giáo viên, 25.000 học sinh, bình quân 3 người dân có 1 người đi học. Toàn huyện đã hoàn thành phổ cập tiểu học, THCS; nhiều trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hàng ngàn con em Tiên Phước giờ đây đang theo học các trường đại học, cao đẳng và hàng chục người đã đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ... Đó là thành quả không hề nhỏ với mảnh đất còn nghèo. Và, thế hệ mới sinh sau ngày giải phóng, hoặc là những cậu bé, cô bé lúc ấy còn chập chững, đã lớn lên cùng quê hương, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt hay tham gia các lĩnh vực đời sống góp sức cho công cuộc phát triển. Hy vọng, một đột phá khẩu mới cho chặng đường phát triển mới sẽ được mở ra với những con người đầy sức trẻ trên quê hương Tiên Phước anh hùng.
Đăng Quang - Báo Quảng Nam