Đổi thay trên vùng đất Sơn - Cẩm - Hà
Ngày mai (2.12.2015), tại huyện Tiên Phước (Quảng Nam) sẽ diễn ra lễ Tưởng niệm 60 năm Ngày đồng bào, đồng chí hy sinh trong vụ thảm sát Sơn - Cẩm - Hà. Đây là vụ thảm sát dã man nhất do bọn Quốc dân Đảng gây ra ở Quảng Nam trong thế kỷ 20. Chiến tranh đã để lại mảnh đất này nỗi đau xé lòng, nhưng quân và dân nơi đây đã kiên cường vượt lên đau thương, mất mát; chung sức góp phần giải phóng đất nước và xây dựng lại quê hương.
Nén lại nỗi đau xé lòng
Điều dễ nhận thấy bây giờ khi trở lại các xã: Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà (huyện Tiên Phước), vùng đất Sơn - Cẩm - Hà năm xưa, là đường sá đi lại thuận lợi hơn nhiều. Tuyến đường từ thị trấn Tiên Kỳ về trung tâm cụm xã Sơn - Cẩm - Hà, ngày nào lởm chởm đá, giờ được thảm nhựa, xe chạy êm ru. Hai bên đường, nhà cửa mọc lên khang trang bên những đồi keo ngút ngàn, xanh thẳm. Nhìn cảnh bình yên của làng quê hôm nay, du khách khó ai hình dung được đây từng là vùng đất bị chiến tranh tàn phá ác liệt. Thế nhưng, với người dân địa phương, để có sự bình yên và mầu xanh như bây giờ, đã có biết bao nhiêu người ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đã 60 năm trôi qua, nhưng dư âm vụ thảm sát đẫm máu do bọn phản động Quốc dân Đảng gây ra còn hằn sâu trong tâm khảm người dân nơi đây.
Tháng 2-1955, bọn phản động Quốc dân Đảng tổ chức mít-tinh chính thức tuyên bố ly khai chính quyền Ngô Đình Diệm và thành lập Chính phủ phản động tại Sơn - Cẩm - Hà. Chúng lập nên cái gọi là “Chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ” và đưa Nguyễn Đình Thiệp, Tỉnh ủy viên Quốc dân Đảng lên làm Tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Bọn chúng thực hiện chính sách hai mặt: Vừa hô hào kêu gọi những người cộng sản ra hợp tác với chúng để chống Diệm, vừa bí mật bắt cóc cán bộ, đảng viên và những người cảm tình với cách mạng đem đi thủ tiêu. Sự tàn ác của quân thù vô cùng ngang nhiên, trắng trợn. Từ tháng 2 đến tháng 9-1955, đã có hơn 400 cán bộ, đảng viên và nhân dân bị sát hại. Gần như đêm nào cũng có cảnh đầu rơi, máu chảy; riêng vụ thảm sát vào đêm 2-12-1955, có hơn 200 cán bộ, nhân dân bị chôn sống tại: Hầm Heo, Đồng Trại (Tiên Cẩm), Gò Vàng (Tiên Sơn)...
Thời gian đã lùi xa, dấu tích các vụ thảm sát có thể không còn nữa, nhưng Bia căm thù thì vẫn sừng sững giữa đất trời, lên án hành động giết người dã man của Quốc dân Đảng. Những hy sinh, mất mát, đau thương trong vụ thảm sát Sơn - Cẩm - Hà đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của quân và dân Tiên Phước. Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, các lực lượng vũ trang huyện Tiên Phước đã mở Chiến dịch Vượt sông Tranh giải phóng các xã: Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, xây dựng căn cứ địa cách mạng; đồng thời mở Chiến dịch Vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, tạo bàn đạp vững chắc và tạo thế thuận lợi để cách mạng tiến công xuống đồng bằng. Vào ngày 10-3-1975, cùng với Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, quân và dân Tiên Phước đã vùng lên, phối hợp với các lực lượng vũ trang giải phóng Tiên Phước mở màn Chiến dịch giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Dồn sức, chung tay xây dựng lại quê hương
Sau ngày hòa bình lập lại, nhân dân Sơn - Cẩm - Hà gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn: Nhà cửa, ruộng vườn bị chiến tranh tàn phá nặng nề; đường sá đi lại cách trở, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần quyết tâm “lợp lại màu xanh” cho quê hương, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Sơn - Cẩm - Hà đã ra sức khai hoang phục hóa, làm thủy lợi và đẩy mạnh sản xuất để ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn Nguyễn Thị Hoa nhớ lại: Sau năm 1975, người dân từ các nơi trở về nhìn thấy cảnh quê nhà xác xơ, không còn mầu xanh và tất cả phải xây dựng lại từ đầu. Lúc đó, xã Tiên Sơn vận động người dân tăng gia sản xuất; trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi gắn với trồng rừng. Với hướng đi đó, những năm gần đây, khi đường sá được đầu tư nâng cấp đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân.
Bây giờ, người dân trong xã không chỉ sản xuất lương thực đủ ăn; đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi: bò, dê, lợn thịt và đầu tư trồng keo, quế mà nhiều hộ còn mở cơ sở may mặc, gia công gỗ và phát triển dịch vụ vận tải. Chị Đoàn Thị Thu Thủy ở thôn 1, xã Tiên Sơn cho biết, nhờ nuôi lợn mà những năm gần đây, thu nhập của gia đình chị tăng lên rõ rệt, với tám con heo nái và hơn 70 con heo thịt, mỗi năm, gia đình chị thu lãi cũng được hơn 40 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có khoảng 100 hộ nuôi từ năm con bò trở lên và cũng khoảng chừng ấy hộ chăn nuôi từ 30 con lợn trở lên. Nhờ thế, đời sống người dân nơi đây không ngừng cải thiện, bình quân thu nhập hơn 23 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%.
Còn anh Nguyễn Duy Lai (ở thôn Cẩm Tây, xã Tiên Cẩm) cho biết, với 4 ha đất chuyên trồng keo và 2 ha vườn trồng tiêu, quế và cây ăn quả, trong ba năm qua, mỗi năm, gia đình anh thu bình quân khoảng 100 triệu đồng. Nhờ đó, anh có tiền trang trải cuộc sống, cho con ăn học và xây dựng được nhà ở khang trang. Không chỉ có chị Thủy, anh Lai mà ở vùng đất Sơn - Cẩm - Hà còn có hàng trăm hộ khá lên nhờ chăn nuôi và trồng rừng. Và không dừng lại ở việc nhân rộng các ngành nghề hiện có, vừa qua, ở xã Tiên Hà lại có thêm nghề làm phù chúc, một loại thực phẩm dùng cho những người ăn chay. Từ chỗ có một hộ làm, đến nay, trên địa bàn xã đã có gần chục cơ sở sản xuất phù chúc, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Hường Văn Minh nhận xét, từ khi kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phát triển, nhất là các tuyến đường ĐT614, ĐT615 nối thông suốt giữa ba xã, đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế ở vùng đất Sơn - Cẩm - Hà. Giờ đây, diện mạo vùng quê này đã thay đổi hẳn, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã còn khoảng 13%, riêng Tiên Sơn chỉ còn 5%. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập và chữa bệnh của người dân địa phương.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số người có công, những gia đình có người hy sinh trong vụ thảm sát còn khó khăn. Mong rằng, sắp đến, ngoài hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho phát triển, cấp trên sớm quan tâm, hỗ trợ Tiên Phước xây dựng Khu tưởng niệm nhằm ghi nhận sự hy sinh, cống hiến của quân và dân trong vụ thảm sát Sơn - Cẩm - Hà, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ mai sau.
Tấn Nguyên - Báo Nhân Dân