Tiên Ngọc đi lên từ gian khó
Tiên Ngọc từ xã khó khăn được hỗ trợ bởi Chương trình 135 của Chính phủ, nay đang trên đường xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Xuất phát điểm thấp, nên Đảng bộ và nhân dân xã Tiên Ngọc xác định phải vào cuộc đồng bộ, quyết tâm xây dựng quê hương.
Qua khảo sát, mô hình phát triển kinh tế vườn gắn với trang trại được nhận định là một trong những hướng đi phù hợp với điều kiện địa phương. Đơn cử, anh Lê Minh Tiến (ở thôn 3) đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất cằn cỗi của gia đình.
Có khoảng thời gian gần chục năm ly hương tìm kiếm cơ hội đổi đời, cuối cùng anh Tiến quyết định đưa gia đình trở về quê nhà. Vợ chồng anh Tiến cải tạo mảnh vườn hơn 0,5ha của gia đình, trồng quýt đường nay đã qua mùa thứ hai cho trái ngọt. Anh Tiến nuôi thêm heo sinh sản, bò vỗ béo để tăng thu nhập.
“Trước kia quê nghèo, làm gì cũng khó nên phải đi làm ăn ở miền Nam. Nay về lại thấy nhiều cơ hội phát triển kinh tế nên quyết định lập nghiệp từ mảnh vườn của cha mẹ để lại. Nhờ nỗ lực học hỏi, ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên cuộc sống ngày càng ổn định” - anh Tiến chia sẻ.
Ông Đoàn Kim Trung - Bí thư Chi bộ thôn 3 cho hay, những nghị quyết của Đảng bộ xã Tiên Ngọc, cùng kế hoạch hành động của chi bộ đã hỗ trợ người dân vươn lên làm ăn. Riêng việc giữ gìn và trồng mới thêm cây cau đã đem lại thu nhập tốt cho người dân.
Những năm gần đây, cau được giá, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng. Toàn thôn có 230 hộ thì nay chỉ còn 11 hộ nghèo và cận nghèo, đang được trợ giúp về an sinh để có thể thoát nghèo hoàn toàn, chỉ trừ hộ bảo trợ xã hội.
Ông Lê Phước Tình - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiên Ngọc cho biết, hàng năm Đảng ủy xã xây dựng và ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển kinh tế vườn, trang trại; phân công từng đảng ủy viên phụ trách các chi bộ, hội, đoàn thể nhận trách nhiệm giúp đỡ các hộ dân phát triển kinh tế.
“Để thực hiện thành công nghị quyết, trong kế hoạch “dân vận kéo”, Đảng ủy xã phân công cụ thể hội, đoàn thể phụ trách từng mô hình. Theo đó, mỗi hội, đoàn thể phụ trách 10 - 15 hộ gia đình, bám sát, vận động hội viên tham gia mô hình hiệu quả.
Các đồng chí đảng ủy viên phụ trách theo dõi sát sao, đánh giá từng tháng, từng quý, kịp thời phát hiện cách làm hay để nhân rộng. Đặc biệt, toàn xã đều đặt mục tiêu phấn đấu đưa Tiên Ngọc trở thành xã NTM, lấy chất lượng cuộc sống người dân làm thước đo đánh giá sự thành công của mô hình” - ông Tình cho biết.
Tiên Lãnh tự tin về đích nông thôn mới
Tại xã Tiên Lãnh, thôn 2 được chọn xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu vì nhiều lý do, như lời Trưởng thôn Võ Hồng Ánh, đó là người dân đồng lòng đoàn kết, nền tảng kinh tế vườn đã được xây dựng, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Khi xã làm đường bê tông, người dân góp công góp của, hiến đất hiến cây. Xã kêu gọi phát triển kinh tế, hơn 100 hộ dân chỉnh trang vườn nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao, làng quê ngày càng khởi sắc.
Đáng chú ý, những vườn cau xanh ngút đã trở thành vẻ đẹp riêng có khắp đường làng ngõ xóm xã Tiên Lãnh. Như vườn cau hơn 1.000 cây đã qua 40 năm tuổi của ông Nguyễn Đình Tiên vẫn đang trụ vững cùng thời gian. Nhiều bận giá cau lên xuống thất thường, ông Tiên vẫn giữ lại vườn cau, để rồi không phải thất vọng khi mỗi mùa cau có giá lại thu về hàng trăm triệu đồng.
“Làm cái gì cũng phải bền lòng, chứ chạy theo cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa sẽ thất bại. Vườn cau này đã nuôi sống gia đình tôi, nuôi các con tôi ăn học nên người. Nếu quyết tâm, nỗ lực vun trồng thì đất sẽ không phụ người, chuyện làm giàu trên quê xứ không phải quá khó” - ông Tiên nói.
Mặc dù là xã có điểm xuất phát thấp, xây dựng NTM trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Tiên Lãnh đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
Ông Lê Minh Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Lãnh chia sẻ, sự đồng lòng của nhân dân là điều kiện quan trọng giúp Tiên Lãnh tự tin về đích NTM năm 2022. Đến nay xã đã đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Đường bê tông trục xã, liên xã hơn 9km, hơn 6,6km đường trục thôn và 12km ngõ xóm, đạt hơn 80%.
Nhiều công trình thủy lợi lớn, nhỏ được đầu tư đã nâng diện tích đảm bảo nước tưới đạt 80%. Các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang hơn. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,92%.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam