www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Dằng dặc niềm riêng

Chẳng thể ngờ bên trong con người tinh thần gang thép ấy, là bao dằn vặt của phận làm chồng, làm cha không trọn. Chức quyền to mấy cũng lu mờ trước con người kẻ sĩ nơi ông…

 

1. “Nhà tôi huyện giải tỏa, mở rộng khuôn viên khu tưởng niệm cụ Huỳnh. Nhà ông già tôi cùng năm nhà khác cũng bị dời đi, đất rộng ra chừng 3ha đó…”, ông Huỳnh Thoàn choàng dậy từ võng ồ lên chào và trả lời. Tôi thở phào, sau khi đánh tiếng hỏi cớ sao mùa mưa mà chú lại làm nhà.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng năm kia được truy tặng Huân chương Sao Vàng. Năm nay tòa soạn báo Tiếng Dân ở Huế chính thức được sửa sau khi bị bỏ bê từ 1975 đến nay, được công nhận di tích quốc gia. Ngày 1/10, lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh của cụ sẽ được trung ương tổ chức…

Ông Thoàn cười: “Tôi vừa đi hội thảo quốc gia về cụ ở Hà Nội về, có người nói hay lắm”. Có ai biện giải kỹ càng lúc đó cụ không là cộng sản nhưng rồi cũng được trọng dụng tử tế không?, “Có ông ở Mặt trận trung ương nói chỗ này, tóm lại là tầm nhìn và cái tâm lớn của Cụ Hồ với hiền tài…”.

Cụ Huỳnh Toản, cha của ông Thoàn đã vãng lai miền cực lạc ba tháng rồi. Cụ Toản gọi cụ Huỳnh là ông nội chú. Cụ Huỳnh không có con trai, nên trong chúc thư để lại, cụ giao cho ông Toản coi sóc từ đường cũng chính là nhà của cụ, bây giờ là nhà lưu niệm cụ Huỳnh.

Ky niem 140 nam ngay sinh quyen Chu tich nuoc Huynh Thuc Khang (1/10/1876-1/10/2016): Dang dac niem rieng - Anh 1

Ông Thoàn, người đang giữ nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng

Trời đã qua chiều, tôi định nói lời chia tay ông Thoàn, thì thấy mẹ ông là bà Nguyễn Thị Lộc. “Cháu đi mô?”, giọng bà khỏe làm tôi sững người, “Bà 94 tuổi rồi, bà cười, bà đi được, ăn được mà…”. “Hồi Pháp bà đã học xong yếu lược, cái bằng đó chừ không biết mất đi mô, tiếng Pháp cũng quên hết rồi, chỉ có ông Toản là nhớ rành”, bà cười.

Chồng bà nổi tiếng ở làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước này vì hay chữ. Bà có gặp cụ Huỳnh không?, “Răng không, ông giỏi lắm, tốt lắm”. Bà bật khóc thành tiếng, rồi suốt câu chuyện cứ sụt sùi. “Ông về đây lần đầu, ghé qua nhà thăm rồi đi liền. Lần trước đó nữa, hồi còn báo Tiếng Dân, lúc mới về làm dâu, bà ra Huế thăm chồng vì ông Toản cưới xong còn đi học, ở với ông ngoài Huế. Bà còn nhớ ông đứng xa, chỉ tay ra đằng kia chỗ mấy anh em làm báo, nói thay đi, chữ nớ sai rồi! Ông tinh mắt lắm”.

Đám cưới bà cụ có về dự không?, “Tòa báo bận lắm, ông chỉ gửi tiền về lo hết đám cưới, cho bà đôi bông tai, đôi nớ bà cho lại vợ thằng Thoàn. Lần sau, cuối năm 1946, ông về được bốn ngày".

Vợ ông nói vợ chồng thằng Toản nghèo, mình có ruộng chia cho nó để bán kiếm cái chi buôn mà sống. Ông gạt liền, nói với ông Toản không nghe cháu, cứ làm ruộng, nương tựa nhau mà sống, của cải hôm nay là của mình, nhưng ngày mai là của thiên hạ. Rồi ông nói với vợ đừng tiếc của, mua gà vịt mời bà con đến đây tụ họp, tôi về lần này có khi là lần cuối…

Bà nhớ bữa đó, thằng Thoàn mới được mấy tháng tuổi, ông bồng trên tay, đút cho miếng gan gà, bà vợ la hắn xí xi rứa mà ông cho ăn gan gà cái chi? Ông nói thương con cháu lắm, tôi 15 năm bỏ gánh gia đình, vợ có chồng mà góa, con có cha mà côi! Ông tội lắm cháu ơi…”. Bà chụm hai tay lên ôm mặt, nước mắt len qua kẽ tay.

Ky niem 140 nam ngay sinh quyen Chu tich nuoc Huynh Thuc Khang (1/10/1876-1/10/2016): Dang dac niem rieng - Anh 2

Bà Lộc: “Ông tội lắm, giỏi lắm…”

“Tuổi già giọt lệ như sương”. Nếu phải rơi nước mắt khi mình sắp bách niên rồi, thì hẳn phải là điều khắc cốt ghi tâm, khiến lòng dạ nghĩ tới là xốn xang. Nhìn bà mà tôi nhớ, trong chúc thư tôi đọc được, ruộng đất, nhà cửa cha ông để lại, cụ nói rạch ròi, nhưng rồi đến một đoạn, làm tôi ngẩn ngơ.

Cụ làm báo Tiếng Dân lừng lẫy; biện luận chính trường thời làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ khiến Pháp cũng ngán; hợp lực với cụ Phan Chu Trinh kêu gọi duy tân mà tư tưởng còn mãi sáng và đúng đến bây giờ; cãi nhau kịch liệt về cái tệ của Nho giáo và cái bệnh vong bản của dân mình; xử vụ Ôn Như Hầu thuở chính quyền cách mạng còn non trẻ khiến quốc dân đảng xanh mặt… Tóm lại là chân dung một ông Nho học tính khí tâm can như hai nét “ngang ngay, sổ thẳng”.

Nhưng ai ngờ bên trong con người khăn đóng áo dài, luận thuyết như gươm đao, tinh thần như gang thép ấy, dậy lên bao nỗi u hoài phận đàn ông không trọn đạo nhà, hết lòng tương kính và ơn vợ: “Mà tôi, lúc nhỏ vâng nghiêm mạng đi du học đến lớn, sau đỗ đạt lại bôn tẩu việc nước, kén tằm lại buộc mấy mình, không biết đến gia đình là cái gì. Trăm việc gia đình, toàn giao cho vợ tôi chủ trương. Trải trên 45 năm, vợ tôi ngậm đắng nuốt cay, sớm tần chiều tảo, cha mẹ có cho phần của riêng, lục mang về giúp việc gia chánh. Gia chánh trải đã bao phen dâu bể, một tay cầm vững tiên nghiệp đã không sa sút, lại có tạo thêm một ít, nhà tranh lợp ngói, mồ mả xây vôi, cái gì cũng chỉnh đốn có điều tự, đều là vợ tôi thay gánh khó nhọc cho tôi, thân thuộc trong ngoài và hàng xóm thảy công nhận”.

Bà Lộc ngó vô bàn thờ, nói trong tiếng nấc: “Bà nhớ ông Toản kể, hồi ở Huế, mỗi ngày phải vấn cho ông đúng 23 điếu thuốc. Ngày nào cũng thế, nhưng ông lại nói đừng bắt chước nghe, cái ni không lợi mô”…

2. Tôi đã lên núi Thiên Ấn, Quảng Ngãi, nơi cụ yên nghỉ, cứ vấn vương, là sao cụ lại yên nghỉ nơi đây, khi đường về quê có xa đâu? Hay là mấy ông Nho học cỡ cụ, vốn rành dịch lý, chọn chỗ nằm để phúc đức cho cháu con mai hậu?

Bà Lộc lắc đầu: “Không phải đâu, lần về nhà cuối cùng đó, ông nói với ông Toản tau là dân Việt Nam, chết đâu chôn đó, đừng xê dịch chi cho mệt! Nghe ông mất, ông Toản cùng ông Đổng Triết trong làng đi vô, đi bộ bốn ngày mới tới, vì ban ngày không dám đi sợ Pháp bắn. Tới chỗ chợ Chùa ở huyện Nghĩa Hành, nơi ông làm việc thì người ta liệm rồi…”. Đức vì dân, không ham chức quyền, lợi lộc ở cụ, chuyện đó thiên hạ quá tường minh.

Chọn chỗ chết, không theo Nho, chẳng bận tâm chút quyền của lãnh đạo, cũng thoát khỏi cái thói thường dân gian là về quê cha đất tổ. Hành xử kiểu này, rõ là người thấu đạt lẽ trời đất đã đành, mà còn là tiếng nói chung thẩm đến kiệt cùng xếp mình như ngang với bao phận đời manh lệ. Nếu không phải là kẻ sĩ, thì còn là chi nữa!

Ông Thoàn góp chuyện: “Tôi nghe ông già kể, là khi vô Quảng Ngãi lo tang cụ, có thầy chùa trụ trì trên Thiên Ấn thuật lại đêm đó, sư thầy mơ thấy ông đi kinh lý, thăm chùa, nói chuyện đạo pháp. Sáng hôm sau, nghe tin cụ mất, sư thầy bèn xuống núi, cùng hội đồng bô lão của địa phương, xin được đưa lên núi để tang và hương khói. Chính quyền, cụ thể là ông Phạm Văn Đồng chấp nhận. Sau này, tôi nghe tin một người ở Quảng Ngãi có bức ảnh khiêng quan tài cụ qua sông Trà Khúc. Tôi kể cho chủ tịch huyện là anh Hường Minh, anh nói liền, phải tìm cho ra, tiền cỡ nào cũng mua. Tôi vào xem, ảnh mờ lắm, cũng chẳng có chi xác thực, nên thôi...”.

Tôi vẩn vơ trong sân nhà lưu niệm, ngó ngôi nhà mà tuổi theo ông Thoàn đã hơn 170 năm, 70% từ khung nhà đến vườn tược còn nguyên, cả hàng chè tàu mà đá vun gốc rêu xanh bao bận phủ lên, vẫn là thuở cha của cụ tạo dựng. “Đấy, hai cây nhãn cũng thời đó…”, giọng ông Thoàn như lạc trong ký ức xa thẳm mà tự hào.

Ky niem 140 nam ngay sinh quyen Chu tich nuoc Huynh Thuc Khang (1/10/1876-1/10/2016): Dang dac niem rieng - Anh 3

Hàng chè tàu và cây nhãn hơn 100 tuổi

Từ cổng vào, cây phía trái to lớn, nhưng ông nói đó là nhánh, ráng giữ, vì bom phạt ngang gốc, chứ cây bên phải là nguyên vẹn, gốc to bằng một vòng ôm, tán u sầm. “Nó không ngọt lắm anh, dù tôi đã chăm kỹ…”.

Cây già, người trẻ rồi cũng già, chỉ còn hương cây bay xa. Người đã thiên cổ nhưng tiếng tăm còn dậy đất trời. Cây, đá, nhà, những chứng nhân thuở con người ấy chào đời rồi ra đi vì nước, một đời tận tụy với cần lao, với đại nghĩa, danh phận không màng, chỉ có lòng người và cây cỏ so ngắm mà tạc vào sử xanh.

Một đời cụ như thơ Thi tù tùng thoại của cụ: “Nửa cánh cửa tre bàn lấp bụi/ Một vuông vườn quế cỏ thành cồn”. Tôi hỏi ông Thoàn lâu nay, lãnh đạo trung ương về đây, có ai hỏi thăm chú không, “Có hai, ba người chi đó anh…”, ông trả lời an nhiên.

Tôi hỏi, vì nhớ đôi ba lần theo khách trung ương viếng nơi này, liếc qua góc vườn, hay thấy ông Thoàn đứng lặng lẽ như người xa lạ, chẳng ai hỏi han, trong khi ngôi nhà này đêm ngày ông lo giữ. Khi khách chuẩn bị đi, tôi bèn kêu một vị ở tỉnh, rằng hãy nói cho người ta biết đây là từ đường gia tộc, có người coi sóc hẳn hoi chứ không phải của Nhà nước, đến nhà người ta thì phải chào chủ nhà.

Và có người nói với tôi trong nỗi buồn bực rằng, vô viếng cụ, nhưng nên lưu ý là trong khuôn viên đó có mộ cha và mẹ cụ, phải nói cho khách biết, nên thắp cho thân sinh cụ nén nhang. Có họ mới có cụ chứ. Tư liệu về cụ còn nhiều lắm, nhưng nhà lưu niệm chật quá, giá mà có thêm một khu nữa để trưng bày…

Lần này, khuôn viên sẽ rộng hơn, và mong thay ngôi nhà chữ đinh không đóng khung nữa, gió và cây sẽ nhiều hơn, như ưu tư cụ từng rằng, cứ quẩn quanh chữ nho thì làm sao dân ta khỏe và trí tốt hơn được.

Bước ra cổng, đúng lúc học trò ra về, nhớ cụ từng viết thơ Khuyên con đi học: “Giàu sang lợi lộc đừng tham/ Chông gai cay đắng cũng cam một bề”. Đi học để “làm cho hết nghĩa vụ một người đối với nhân quần xã hội”. “Nếu mới cắp sách đến trường mà trong não đã mơ tưởng đến chức kia hàm nọ, thấy người ta xuống ngựa lên xe, mà cũng ước ao cho được cửa cao nhà rộng, thì cái bã hư vinh, cái mồi phú quý ấy chắc không sao nhắc ta lên cái địa vị làm một người chân chính ở đời được. Vậy ai muốn khỏi cái tiếng hư vinh thì cần phải “học để làm người” (Tiếng Dân, 17/5/1930).

                                                     Trung Việt- Báo Phụ Nữ TP.HCM