Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội huyện Tiên Phước
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, quyết tâm thực hiện thành công huyện nông thôn mới năm 2022 và cơ bản đạt các tiêu chí huyện anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới giai đoạn 2020-2025
Tiên Phước là huyện miền núi trung du thuần nông nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tiềm lực hạn chế. Thực hiện Chương trình số 14-CTr/HU ngày 05/12/2016 của Huyện ủy Tiên Phước về thực hiện Kết luận số 37-KL/TU ngày 19/7/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tiếp tục thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư giai đoạn 2016-2020; những năm qua, huyện Tiên Phước đã từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá; giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp tăng bình quân 6,04%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 30,05%/năm và thương mại - dịch vụ tăng 29,47%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm.
Để thu hút đầu tư, huyện đã chú trọng thực hiện công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch bao gồm: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, Quy hoạch vùng huyện, Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tiên Kỳ và khu vực vùng phụ cận, Quy hoạch chi tiết xây dựng các Khu đô thị, Cụm công nghiệp và triển khai đầu tư các hạng mục cơ bản đảm bảo theo quy hoạch đáp ứng chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ cũng là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư hiệu quả. Huyện đã cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện, đường đô thị, đường liên xã, đầu tư nâng cấp các tuyến đường thuộc huyện quản lý. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp 251 km; trong đó có 11 km đường Quốc lộ, 2 km đường tỉnh, 56 km đường huyện, 49 km đường xã, 133 km đường dân sinh và 24 cầu với tổng kinh phí 740 tỷ đồng. Đến nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện đã bê tông hóa 100% tuyến Quốc lộ và các tuyến đường tỉnh; nhựa hóa, bê tông hóa 73% đường huyện, 75% đường xã, 58% đường dân sinh góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của Nhân dân.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa cũng là một lợi thế của huyện. Thời gian qua, huyện đã rà soát, quy hoạch lại các vùng nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng địa phương và hình thành 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm các vùng sản xuất tập trung liên xã Tiên Châu - Tiên Hà, Hang Dơi - Ồ Ồ - Vực Vin, xã Tiên An; Suối Ba Cây, xã Tiên Lãnh; Liên xã Tiên Hiệp - Tiên Ngọc và Suối Dưa, xã Tiên Lập. Đẩy mạnh triển khai các dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với hình thành các vùng nguyên liệu tại chỗ nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Đồng thời tập trung thu hút các dự án lớn về nông nghiệp với quy mô trang trại lớn, thân thiện với môi trường vào đầu tư trên địa bàn huyện. Chủ động, tích cực đầu tư hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng; giai đoạn 2016-2020 đã nâng cấp, sửa chữa, xây mới 41 hồ, đập và 46 công trình kênh mương với tổng kinh phí 84 tỷ đồng. Nhờ đó, diện tích chủ động nước tưới trên cây lúa tăng từ 39,3% (năm 2015) lên 50,2% (năm 2020); diện tích tưới kinh tế vườn tăng từ 2% (năm 2015) lên 20% (năm 2020).
Hạ tầng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được đầu tư bài bản. Huyện đã hoàn thành quy hoạch, xây dựng và mở rộng các cụm công nghiệp (Cụm Công nghiệp Tài Đa - Tiên Phong, Cụm công nghiệp 7B -Tiên Cảnh) với tổng diện tích 104 ha; đang triển khai quy hoạch Cụm công nghiệp Rừng Cấm - Tiên Hiệp và một số cụm công nghiệp khác. Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, đầu tư vào các cụm công nghiệp. Xí nghiệp may mặc của Công ty TNHH Tuấn Đạt, Nhà máy chế biến lâm sản Phú Hào và sản xuất nguyên liệu giấy Bình An Phú,… đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội và thu ngân sách. Một số dự án như: Nhà máy sản xuất gia công hàng may mặc của Công ty TNHH Sportech Garment, Nhà máy sản xuất gia công hàng may mặc TJ Sportswear Việt Nam của Công ty China Profit Enterprises Limited, Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ công nghệ của Công ty TNHH MTV Sản xuất gỗ mộc Sông Tiên, Nhà máy May xuất khẩu Tiên Phước - Quảng Nam của Công ty TNHH sợi dệt nhuộm May Phúc An, Nhà máy sản xuất Đế - Lót giày Phước Kỳ Nam của Công ty cổ phần Phước Kỳ Nam, Dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Rừng Cấm và dự án Nhà máy sản xuất viên củi nén tại Cụm công nghiệp Rừng Cấm, Tiên Hiệp,… đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng và đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của huyện trong những năm tới. Các hạ tầng về thương mại - dịch vụ, điện, phát triển đô thị, văn hóa, giáo dục, y tế,… cũng từng bước được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, huyện chủ động, kịp thời thể chế hóa các chính sách, pháp luật phù hợp thực tế, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận với đất đai, cơ chế, chính sách của Nhà nước một cách thuận lợi. Đồng thời, triển khai quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Giai đoạn 2020 - 2025, huyện phấn đấu đạt mục tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất hằng năm các ngành kinh tế: Nông - lâm nghiệp 7%, công nghiệp - xây dựng 20%, thương mại - dịch vụ 16%; thu nhập bình quân đầu người đạt 59,6 triệu đồng/người/năm (năm 2025); đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Tiên Kỳ đạt chuẩn văn minh đô thị, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trên 30 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu;…
Để tiếp tục thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới và đạt các tiêu chí huyện Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới giai đoạn 2020-2025, trong thời gian tới huyện tập trung triển khai thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tích cực cụ thể hóa các chính sách về ưu đãi khuyến khích đầu tư trên từng lĩnh vực đã được ban hành để áp dụng vào tình hình thực tế của huyện. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, Ngành của tỉnh đề xuất, mời gọi, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường vào các cụm công nghiệp như chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày da,… Đồng thời đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, hệ thống chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hai là, tiếp tục thực hiện công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, ... rà soát điều chỉnh cho phù hợp và kịp thời để thực hiện. Công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư; rà soát, kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ba là, tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy hợp tác thu hút đầu tư.
Bốn là, tập trung thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác xúc tiến đầu tư. Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối chấp hành và thực hiện các chủ trương, giải pháp trong việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên các mặt: thái độ, phong cách, phẩm chất, tính minh bạch trong thực thi công vụ. Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tình trạng nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư. Đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy trình, quy định ở cơ quan, đơn vị để cán bộ được phân công không gây cản trở đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Năm là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nói chung và thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng; thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, trong đó chú trọng trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư…, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của chính sách, pháp luật về đầu tư và về doanh nghiệp. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và áp dụng các cơ chế, chính sách mới theo quy định. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh, thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, diễn đàn đầu tư, khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh của huyện để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển thương mại và du lịch thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng nhằm cung cấp thông tin kịp thời, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách ưu đãi, danh mục dự án ưu tiên đầu tư; quy hoạch, chương trình, đề án; quy trình thủ tục giải quyết đăng ký kinh doanh, thẩm định dự án đầu tư, thông qua cổng thông tin điện tử và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh cải thiện hình ảnh, môi trường đầu tư, tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc tiếp thị địa phương xây dựng hình ảnh thân thiện, an toàn hiệu quả cho các nhà đầu tư khi đến và tìm hiểu cơ hội tại Tiên Phước.
Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước