www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Dầm mình xuống hố để cai nghiện

 Từ nghiện ngập, trộm cắp, cờ bạc rượu chè... trở thành người chồng, người cha, đầy bản lĩnh của một gia đình đầm ấm hạnh phúc, ít ai biết Phan Văn Kha đã phải vật vã cai nghiện bằng cách tự dầm mình xuống hố bom đầy nước mỗi khi lên cơn.

 Ác mộng bãi vàng 

Tìm đến nhà Kha (thôn 3 xã Tiên An, Tiên Phước, Quảng Nam), gặp Hà, vợ anh đang lui hui dưới bếp chuẩn bị bữa sáng, rồi gói cơm trưa để chồng kịp đi rẫy. “Phải mất hai giờ đồng hồ đi xe máy mới tới nên phải dậy sớm, về khuya, cơm đùm cơm gói” - người đàn ông 33 tuổi có gương mặt phong trần, giải thích.

Mẹ Kha là vợ hai, rồi bà sớm qua đời. Kha ở với người chị cùng mẹ khác cha, hết lớp 3 bỏ học theo chị lên Tiên Phước làm vàng, lăn lộn bươn chải kiếm sống.

Cậu bé 10 tuổi bắt đầu tiếp xúc với những bạn bè xấu. Những ngày tháng đãi vàng ở vùng đất vàng Hiên, Giằng, Phước Sơn là cơn ác mộng.

Kha kể: Khi đã trở thành con nghiện, người xanh rờn tiều tụy, nhưng ngày nào cũng phải đào đãi để có tiền chích thuốc. Sợ nhất là ngày nào cũng nghe tin bạn bè chết vì chích.

Mơ hồ nuôi ý định cai nghiện, anh trở về quê, nhưng người thân không còn, xóm giềng thì lảng tránh một thằng nghiện như anh. Được dăm hôm Kha xách túi trở lại bãi vàng, tiếp tục làm nô lệ của những cơn nghiện. Chỉ nghĩ làm sao có tiền để hút, chích cho sớm kết thúc cuộc đời khốn khổ, chàng trai 20 tuổi dấn thêm vào trộm cắp, bài bạc.

May mắn mùa vàng năm đó Kha làm trúng, cất được căn nhà che mưa nắng, còn lại tiền bạc đổ hết vào ma tuý, bài bạc. Cái vòng luẩn quẩn không dứt ra được.

 

Vượt qua lỗi lầm, Kha đã có một gia đình hạnh phúc

 

Trầm mình xuống hố bom cai nghiện

Không rõ từ khi nào, cô thôn nữ xinh xắn ở gần nhà Huỳnh Thị Hà lại thầm yêu anh chàng Kha nghiện ngập. Vượt qua nỗi nghi hoặc, tự ti ban đầu, Kha dần hiểu ra rằng đó là tình yêu chân thật. Những lời động viên của cô trở thành động lực lớn nhất để anh trở lại với đời.

 

Thượng tá Nguyễn Văn Cự, Trưởng Công an huyện Tiên Phước, nhận xét: “Trường hợp quyết tâm tự cai nghiện thành công như Phan Văn Kha để quay về làm người lương thiện, chăm chỉ, hạnh phúc bên vợ con như thế này là rất hiếm. Nếu không có nghị lực và bản lĩnh khó có thể làm được như thế. Ngay như người nghiện thuốc lá nếu không quyết tâm cũng rất khó dứt khỏi nó huống chi là ma tuý. Cần đề cao, khuyến khích những nghị lực như thế này làm tấm gương cho lớp trẻ tránh sa ngã”.

Nhưng không ai tin một kẻ từng dấn thân vào ma túy, bài bạc lại có thể trở thành người tốt. Gia đình Hà một mực ngăn cản. 

“Khi ấy em chẳng biết nên làm gì. Chỉ nghĩ nếu em từ bỏ anh ấy nghĩa là chối bỏ một cuộc đời, và cả tình yêu, nên đành làm buồn lòng cha mẹ” - Hà thật thà chia sẻ.

Không đám cưới, chỉ sau lễ ăn hỏi đơn giản, đôi vợ chồng trẻ dọn về sống với nhau. Kha kể, khi hay tin mình sắp được làm bố, anh bất ngờ đến nghẹn ứ vì hạnh phúc.

Điều đầu tiên anh nghĩ tới là không thể để đứa con trai đầu lòng ra đời thấy một người cha nghiện ngập, vô tích sự.

Thế rồi một lần nữa, Kha lại khoác túi ra đi. Nhưng không trở lại bãi vàng, mà cùng mấy anh em bà con đi đào phế liệu, vỏ bom mìn bán kiếm tiền nuôi vợ con. Biết bao cơ cực, những bữa ăn chỉ có rau rừng nước suối, chưa kể những cơn vật thuốc bất kỳ.

 

Anh Kha chăm sóc vườn keo của mình

 

Một bữa, cả nhóm phát hiện vỏ quả bom lớn giữa rừng, hì hụi mấy ngày trời mới đào đưa lên được. Bán được hơn 6 triệu đồng, chia người được 2 triệu. Chưa kịp vui mừng thì cơn nghiện lại ập đến. Để chống chọi, Kha lao xuống dầm mình dưới hố bom đầy nước.

Dứt cơn vật vã, Kha liền dựng bên cạnh hố bom một cái lán. Suốt 3 tháng trời sau đó, dù đi làm ở đâu, anh cũng quay về cái lán này. Mỗi khi lên cơn, Kha lại quật mình xuống hố bom đầy nước, kể cả ngày lẫn đêm.

“Tôi muốn trở về lại với vợ con như một con người bình thường, không còn vật vã giày vò”. Cho tới khi những cơn nghiện thuốc giảm dần, và dứt hẳn, Kha mới khoác túi trở về.

Đứa con trai đầu lòng ra đời. Niềm vui càng nhân lên khi không lâu sau vợ chồng tiếp tục có bé gái thứ hai xinh xắn mang cái tên đẹp Phan Thị Bảo Thy. Để có tiền nuôi các con, anh quần quật đi làm thuê, làm mướn.

“Từ ngày trở về, ảnh trở thành con người khác hẳn, chăm lo vợ con hết mực, ai gọi gì cũng làm. Ngày nào không có việc là chịu không nổi” - Hà kể.

Cảm thông, thán phục chàng trai, nên làng xóm mỗi người cho ít đất rẫy để làm nuôi vợ con. Từ tinh mơ, người ta đã thấy Kha chạy chiếc xe cà tàng làm rẫy tối mịt mới chịu về. “Làm thế nhưng mình không thấy mệt, chỉ mong làm sao nhanh hết việc để về với vợ con”, Kha cười hãnh diện.

                                                                                            Hoài Văn - Báo Tiền Phong