www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Dạy và học lịch sử địa phương

 Từ năm 2006, huyện Tiên Phước đã chú trọng triển khai công tác đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các trường THCS và THPT trên địa bàn huyện, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cũng như tinh thần yêu quê hương, đất nước.

        Triển khai đồng bộ

        Ngay sau khi có chỉ đạo của huyện, trường THPT Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng cùng Phòng GDĐT huyện đã xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ, giáo viên sưu tầm, chuẩn bị tài liệu và bố trí tiết dạy lịch sử địa phương vào chương trình học theo quy định. Đồng thời, quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa như nói chuyện truyền thống, kể chuyện về các danh nhân, nhà chí sĩ yêu nước của huyện, về nguồn thăm lại các khu căn cứ địa cách mạng, di tích lịch sử trên địa bàn…

         Thầy giáo Nguyễn Ngọc Mẫn - Phó Trưởng phòng GDĐT huyện cho biết: “Sau khi có sự chỉ đạo của huyện, chúng tôi đã tổ chức biên soạn tài liệu trình Ban Tuyên giáo thẩm định và triển khai đến tất cả trường THCS để thực hiện”. Tại 2 trường THPT Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy cũng được chú trọng. Thầy giáo Trần Ngọc Sương - Tổ trưởng bộ môn Lịch sử trường trường THPT Phan Châu Trinh, cho biết: “Chúng tôi bố trí dạy lịch sử địa phương từ 2 đến 3 tiết trong năm học tùy theo từng khối lớp. Trong đó, cơ cấu khối 10 học về các di tích lịch sử trên địa bàn, khối 11 học các phong trào cách mạng tiêu biểu tại địa phương thời kỳ cận đại, hiện đại và khối 12 học nội dung khái quát về lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện”.

 


Học sinh các trường trên địa bàn thị trấn Tiên Kỳ tham quan khu di tích Đồng Trại, xã Tiên Cẩm.

 

       Để đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy đạt kết quả, Tiên Phước còn chú trọng xây dựng hoàn chỉnh công trình biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng huyện và các xã, thị trấn giai đoạn 1858-1975 và 1975-2010. Nếu như trước năm 2005 toàn huyện mới có duy nhất công trình lịch sử đấu tranh cách mạng huyện giai đoạn 1858-1975 thì đến nay huyện sắp hoàn chỉnh để ra mắt tập lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1975 - 2010. Hiện 15/15 xã, thị trấn đã xúc tiến biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương, trong đó có 5 xã đã hoàn chỉnh xuất bản, 3 xã sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Các xã còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2014.

        Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư phục dựng, sửa chữa, nâng cấp các khu chứng tích, gắn bia thông báo 12 điểm di tích lịch sử, văn hóa, sưu tầm trên 350 tư liệu, hiện vật về đề tài chiến tranh cách mạng phục vụ tốt công tác giáo dục lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ.

          Thực hiện nghiêm túc

         Ông Nguyễn Bông - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Phước cho biết: “Để thực hiện có hiệu quả chủ trương trên, chúng tôi đã phối hợp với phòng GDĐT huyện kiểm tra việc thực hiện tại một số trường học trên địa bàn. Dù mỗi trường có hình thức triển khai khác nhau để phù hợp với điều kiện cơ sở nhưng nhìn chung tất cả đều thực hiện khá nghiêm túc. Riêng tại trường THCS Lý Tự Trọng (thị trấn Tiên Kỳ), các thầy cô đã chịu khó sưu tầm hình ảnh, tư liệu, sử dụng công cụ trực quan để giảng dạy khiến cho tiết học lịch sử địa phương thêm sinh động, thu hút sự quan tâm của học sinh”.

          Thầy giáo Lê Văn Thiện - Phó Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng cho biết thêm: “Cùng với đưa lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy chính khóa theo quy định, chúng tôi còn chú trọng lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa như tổ chức sinh hoạt, hội thi, trò chơi, lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn... Gần đây nhất, nhà trường đã tổ chức cho các em tham quan các điểm di tích lịch sử của địa phương”.

 

                   Đoàn học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng viếng hương tại Tượng đài Cây Cốc Tiên Thọ

 

         Đối với bậc THPT, chủ trương đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy được các trường hưởng ứng tích cực. Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã phân công giáo viên sưu tầm, biên soạn các tài liệu lịch sử tiêu biểu tại địa phương như: chiến thắng Núi Ngang (xã Tiên Sơn), di tích công binh xưởng QB 150, khu V tại xã Tiên Cảnh, cuộc đấu tranh Cây Cốc (xã Tiên Thọ), di tích Lò Chén, trường Tân học Phú Lâm (xã Tiên Sơn), vụ thảm sát Sơn - Cẩm - Hà... để đưa vào giảng dạy. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như mời cựu chiến binh nói chuyện truyền thống, tổ chức cho học sinh tham gia các đợt về nguồn thăm các di tích lịch sử của huyện như vụ thảm sát tại Gò Vàng (xã Tiên Sơn), Đồng Trại (xã Tiên Cẩm), thăm và viếng hương Nhà lưu niệm cụ Huỳnh, tổ chức đi viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại tỉnh Quảng Ngãi nhằm giúp học sinh có điều kiện tìm hiểu những giá trị lịch sử qua nhân chứng cũng như tài liệu, hiện vật mà các em được tiếp cận.

           Nhờ triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, tổ chức thực hiện nghiêm túc nên việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường học tại huyện Tiên Phước bước đầu phát huy hiệu quả. Cũng theo thầy giáo Trần Ngọc Sương, sự kiện, nhân vật đều ở ngay trên địa bàn huyện nên các em có dịp tự tìm hiểu thực tế, chuẩn bị tư liệu khiến cho tiết học thêm sôi nổi, hấp dẫn.

         Em Võ Thị Phụng - học sinh lớp 12A1 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Các tiết học lịch sử địa phương góp phần cho chúng em thấy các sự kiện, nhân vật lịch sử trở nên gần gũi và hiểu bài khá nhanh. Đặc biệt, qua đó em được biết thêm những nhân vật, sự kiện lịch sử mang tầm của cả tỉnh, cả nước ở ngay tại địa phương mình nên càng thêm tự hào về truyền thống của quê hương”.

                                                   Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam