www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Dưới mái nhà cổ

Không như Hội An với thế mạnh về du lịch, hàng trăm nhà cổ ở các địa phương Tiên Phước, Đại Lộc, Thăng Bình… tuy chưa ở tình trạng báo động về mức độ xuống cấp, nhưng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi trùng tu. Từ câu chuyện về tâm lý người dân sống trong các căn nhà cổ ở Tiên Phước, mới thấy chuyện sinh tồn và giữ cho nhà cổ qua bao dấu vết thời gian là điều không đơn giản.

Chưa thể trùng tu

Với 2 cụm làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh) và Hội An (Tiên Châu), quy tụ số lượng lớn các căn nhà ba gian hai chái với tuổi đời gần trăm năm, và khá nhiều những căn nhà nằm rải rác ở các xã khác, nhưng phần lớn trong số này đều ở tình trạng xuống cấp, hoặc người dân tự ý sửa chữa một số hạng mục. Chưa ở mức độ phải cấp thiết tu bổ hoặc đe dọa tính mạng người dân, nhưng về lâu dài, nếu không có kế hoạch trùng tu, những căn nhà này sẽ rơi vào tình trạng báo động.

Ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng VHTT huyện Tiên Phước chia sẻ: “Thời gian đến phòng sẽ tiến hành khảo sát tổng thể số lượng nhà cổ hiện còn trên địa bàn huyện nhằm đánh giá cụ thể hiện trạng, trên cơ sở đó sẽ lập danh sách hồ sơ từng nhà để có hướng bảo tồn và phát huy giá trị những kiến trúc này. Ngoài việc vận động, tuyên truyền nhân dân ý thức giữ gìn nhà cổ, phòng cũng sẽ tham mưu UBND huyện dành một nguồn kinh phí để kịp thời cứu vãn những ngôi nhà xuống cấp, về lâu dài sẽ gắn việc bảo tồn nhà cổ với phát triển du lịch nơi đây” - ông Dung nêu ý tưởng.

nhà ông Trần Khiêm (Tiên Cảnh) đã xuống cấp nhưng chủ nhân vẫn chưa có ý định trùng tu.
Nhà ông Trần Khiêm (Tiên Cảnh) đã xuống cấp nhưng chủ nhân vẫn chưa có ý định trùng tu.


Với lối kiến trúc, chạm khắc tinh xảo mang đậm phong cách của các nghệ nhân làng mộc Văn Hà xưa, nhà cổ ở Tiên Phước có nhiều dấu ấn riêng. Cũng giống như những ngôi nhà dưới đồng bằng, người làng Lộc Yên hay Hội An khi dựng nhà cũng sắp đặt, đào đất để tạo ra một mặt bằng dựng nhà chính và nhà ngang, một nhà cầu liên thông với hai nhà trên. Các ngôi nhà cổ ở đây thường kết cấu kèo đỡ đòn tay ba đoạn kèo, nối các dãy cột theo hàng ngang. Trên lòng trính đỡ một trỏng quả bụng kèo lòng nhất, một trụ ngắn có hình quả bí đỡ đúng vị trí giao nguyên, cuối cùng quả bí được kê trên một đế nữa gọi là đế tôm…

Nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh, nhà ông Nguyễn Đình Mẫn, nhà ông Lê Đình Sum hay nhà ông Phạm Thoại, Hồ Đức Nam đều có cấu trúc tương tự… Ở mỗi nhà dù niên đại khác nhau nhưng đều gặp gỡ ở sự thanh thoát và cầu kỳ trong từng nét chạm trổ cũng như lối trang trí, sắp đặt bên trong. Phần lớn các căn nhà cổ có tuổi đời trăm năm ở vùng quê bán sơn địa này đều là nhà để thờ cúng, rất ít người ở.

Câu chuyện trùng tu để giữ sự an toàn khi được nêu ra, chúng tôi nhận được câu trả lời rất thờ ơ từ phía chủ nhân. “Chưa thể trùng tu, vì rất tốn kém. Chúng tôi muốn đầu tư vào chuyện học hành của con cái trước, rồi tính sau” - đại diện nhà cổ Trần Khiêm (Lộc Yên) trả lời. Theo đánh giá của UBND xã Tiên Cảnh, trong quần thể nhà cổ tại làng Lộc Yên, thì đây là căn nhà có mức độ xuống cấp nặng nhất.

Ông Trần Văn Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh cho biết, ngoài nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh do là di tích cấp tỉnh nên được hỗ trợ kinh phí trùng tu, còn lại chủ nhân nhà cổ ở đây tự bỏ tiền sửa chữa các hạng mục cần thiết. “Chúng tôi có đề án phát triển du lịch làng cổ Lộc Yên, nhưng ban đầu thì chỉ mới nhận được đầu tư cho cụm 5 nhà cổ, trong đó có nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh. Sau khi du lịch phát triển thì mới tiếp tục đầu tư trên diện rộng” - ông Trần Văn Điệp nói. Chính vì vậy, đa số chủ nhân nhà cổ tại Lộc Yên tự bỏ tiền sửa chữa, hoặc chưa thể sửa chữa, vì không có đủ kinh phí.

“Mới hóa” nhà cổ

Dễ dàng nhận thấy phần lớn nhà cổ tại Tiên Phước đã hư hại hoặc được người dân cơi nới, sửa sang. Nhà ông Nguyễn Mạch, thôn Hội Lâm, Tiên Châu, ngoài các cửa bàn khoa đã bị mục nát thì vách gỗ ngăn chia các gian đã được thay thế bằng tường gạch, hàng cột chính hiên được thay bằng 3 trụ xi măng, bộ trỏng quả cũng không còn. Tương tự, khá nhiều căn nhà gỗ có tuổi đời khá cao ở Tiên Châu với hàng cột phía trước đã bị cắt bỏ hoàn toàn, 4 bộ cửa bàn khoa cũng được thay mới bằng bộ cửa gỗ lớn chắc chắn, lót lại gạch nền, xây tường thay phên, để “rộng rãi tiện sinh hoạt hơn”…

Trong khi chờ đợi một cơ chế cụ thể từ các cấp quản lý thì thì các ngôi nhà cổ vẫn đang hàng ngày đối diện với nhiều nguy cơ khác nhau, đặc biệt không thoát khỏi vòng luẩn quẩn giữa việc giữ lại hay sửa chữa bán đi. Trên thực tế, để hoàn chỉnh sửa chữa một bộ khung nhà cần phải sử dụng ít nhất 4 - 5 m3 gỗ, riêng với loại gỗ có đường kính đủ để làm cột và trính phải khai thác từ những cây mít có tuổi thọ từ 15 năm trở lên.

Ngoài việc khan hiếm vật liệu thay thế và giá cả đắt đỏ thì việc tìm được thợ có kinh nghiệm, tay nghề kỹ thuật cao để xây dựng, lắp ráp, sửa chữa nhà cổ cũng là một vấn đề nan giải. Xem ra để lưu giữ những ngôi nhà cổ tại Tiên Phước nói chung và xã Tiên Châu nói riêng vẫn là con đường dài đầy thử thách.  Ngay từ bây giờ nếu không thực sự bắt tay vào cuộc để giữ gìn di sản hiếm hoi trên mảnh đất thơ mộng này, thì việc biến dạng các căn nhà cổ là chuyện chẳng đặng đừng.

                                                       Lê Quân - Vĩnh Lộc, Báo Quảng Nam