Cụ bà 83 tuổi và hành trình hơn 2.000 ngày tìm cháu
Hơn 6 năm, chưa một ngày cụ Phùng Thị Thanh (83 tuổi, trú thôn 11, xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước, Quảng Nam) thôi nghĩ về đứa cháu ngoại do chính mình chăm bẵm ngay từ thuở lọt lòng. Bà đã bán tất cả tài sản trong gia đình lấy tiền làm lộ phí, cùng con gái bị bệnh thần kinh gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để tìm cháu nhưng vô vọng.
Những ngày cuối năm 2013, chúng tôi tiếp nhận thông tin về trường hợp hai phụ nữ, một là mẹ ruột bị bệnh thần kinh, người kia là bà ngoại đã 83 tuổi đang đi tìm tung tích cháu bé tên Lê Thị Quyên (12 tuổi) bị "mất tích" cách đây hơn 6 năm. Tìm hiểu chính từ người trong cuộc và qua lá đơn xin trợ giúp tìm lại con của chị Trần Thị Bảy (1971, trú thôn 11, xã Tiên Lãnh), nội dung sự việc được tóm lược như sau: Chị Bảy là con ruột cụ Phùng Thị Thanh (83 tuổi) và liệt sĩ Trần Niệm (hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ). Từ nhỏ, chị Bảy có biểu hiện không bình thường về thần kinh. Năm 2001, chị Bảy "tự túc" sinh con gái đầu lòng đặt tên là Lê Thị Quyên. Hai mẹ con chị được bà ngoại chăm sóc chu đáo mặc dù thời điểm này kinh tế gia đình bà Thanh thuộc diện khó khăn.
Khi cháu Quyên lên 6 tuổi, chị Bảy gửi con cho mẹ ruột chăm sóc, xuống TT Tiên Kỳ (H. Tiên Phước) giúp việc cho quán ăn. Cùng thời điểm này, theo lời chị Bảy, ở địa phương có ông Phùng Thanh Dũng - cán bộ chăm sóc trẻ em xã Tiên Lãnh và ông Giá - cán bộ chăm sóc trẻ em H. Tiên Phước đến vận động chị đưa cháu Quyên vào nhà nuôi dạy trẻ mồ côi. Do hoàn cảnh bản thân bệnh tật, gia đình khó khăn, chị Bảy đồng ý đưa con vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) vào ngày 28-6-2007 để có điều kiện ăn học. Liên tiếp các tháng 7, 8 và 9-2007, chị Bảy và cụ Thanh có đến thăm và biết bé Quyên được khai tên, đổi họ là Võ Thị Tiên. Tháng 10-7-2007, chị Bảy đến thăm thì phát hiện con không còn ở trung tâm nữa. Hỏi Giám đốc trung tâm và cô bảo mẫu thì mới biết cháu Quyên được nhận làm con nuôi tại Mỹ.
Ở tuổi 83 nhưng cụ Thanh vẫn đang vất vả với hành trình đi tìm cháu ngoại. |
Trong đơn xin trợ giúp tìm con gửi đến các cơ quan chức năng, chị Bảy trình bày: "Sau khi nhận tin con đã đi Mỹ, tôi đã nhiều lần đến hỏi Trung tâm đòi lại con nhưng không được trả lời dứt khoát. Đến ngày 5-6-2008, bà Tân - bảo mẫu đỡ đầu cho cháu Quyên lúc mới vào trung tâm trả lời: "Ông Giá và ông Dũng đã bán cho chúng tôi rồi, nếu gia đình cần thì nắm đầu ông Giá và ông Dũng". Nghe vậy, tôi không hiểu thế nào nên đã làm đơn báo cáo với UBND xã Tiên Lãnh xem xét giải quyết nhưng xã trả lời khi cháu Quyên đi xã không có hồ sơ xác nhận nên không giải quyết được và hướng dẫn gia đình mang hồ sơ khiếu nại gửi lên cấp trên". Những ngày sau đó, vì thương cháu nên cụ Thanh cùng chị Bảy làm đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng. Cụ Thanh bảo, hoàn cảnh gia đình lúc đó khó khăn, để có tiền chi phí đi lại khiếu nại tìm cháu, cụ đã bán 3 con bò được 12 triệu đồng cùng số tiền phụ cấp hằng tháng cho vợ liệt sĩ hơn 1 triệu đồng. Đơn khiếu nại được gửi đến CAH Tiên Phước, Thanh tra CA tỉnh Quảng Nam và Cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Nam.
Đơn xin trợ giúp tìm lại con của chị Trần Thị Bảy. |
Cụ Thanh kể lại những ngày xa cháu và hành trình mang đơn đi kiện trong nước mắt: "Hồi đó, ông Dũng và ông Giá đến nhà tôi vận động, nói là gia đình thuộc diện chính sách, được ưu tiên gửi cháu vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi ăn học đàng hoàng. Khi bé Quyên xuống đó rồi, vì nhớ cháu nên tôi có đến Trung tâm thăm 2 lần. Khoảng tháng 10-2007, ở xã Tiên Lãnh có một bà tên là Hoa cũng có cháu gửi ở Trung tâm về kể là cháu của bà chuẩn bị bán đi nước ngoài, sợ quá nên bà đã dẫn về.
Nghe vậy, tui sợ cháu mình cũng bị bán nên cùng Bảy vội đón xe ôm xuống trung tâm hỏi thì được mấy cháu nhỏ ở đây nói là cháu tui đi Mỹ rồi. Tui không chịu, tìm lãnh đạo Trung tâm lúc đó là bà Hà hỏi cho ra lẽ nhưng không gặp. Nếu muốn cho cháu tui đi Mỹ thì phải hỏi ý kiến gia đình một tiếng chứ, đằng này trung tâm tự tiện quyết định như vậy là không được. Tui gửi cháu xuống đây ăn học chứ đâu phải cho người khác nuôi đâu. Những ngày đi tìm cháu tui cực khổ trăm bề. Xuống đến TP Tam Kỳ, tui phải thuê xe ôm chở đến các cơ quan của tỉnh rồi sau đó chờ chực để gặp được lãnh đạo. Hôm nào trễ quá, không kịp về thì phải thuê chỗ ngủ lại rồi sáng sớm hôm sau lại tới.
Đi lại nhiều lần, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của, mãi đến tháng 8-2008, CA tỉnh Quảng Nam có làm việc với tui và tui đã giao nộp một giấy xác nhận của ông Phùng Thanh Dũng có ghi nội dung về việc ông Dũng giới thiệu bé Lê Thị Quyên, con bà Trần Thị Bảy xuống Trung tâm Nuôi trẻ sơ sinh Quảng Nam để trung tâm nuôi dưỡng cùng một số tài liệu liên quan khác. Cùng trong thời điểm này, Trung tâm có đưa cho gia đình chúng tôi một tấm ảnh bé Quyên chụp chung với một người phụ nữ nước ngoài và bảo đó là người nhận nuôi ở Mỹ. Sau đó người của Trung tâm có đến xã Tiên Lãnh làm việc với gia đình và yêu cầu tôi cùng Bảy ký vào tờ giấy gì đó nhưng tôi không chịu".
Đi sâu tìm hiểu về vụ việc này, chúng tôi phát hiện còn có nhiều mâu thuẫn trong lời trình bày của các bên liên quan. Chúng tôi hiểu và cảm thông nỗi khát khao tìm cháu của cụ Phùng Thị Thanh và bà con đằng ngoại của bé Quyên. Điều đáng quan tâm lúc này là gia đình cần một lời giải thích rõ ràng từ phía cơ quan chức năng, rằng cháu Quyên còn hay mất, đang ở đâu, cuộc sống như thế nào?
Để làm sáng tỏ thêm câu chuyện này, chiều 19-12, chúng tôi đăng ký làm việc với Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam có trụ sở tại xã Tam Đàn, H. Phú Ninh. Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, bà Võ Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Trung tâm trả lời tất cả những câu hỏi liên quan đến trường hợp cháu Lê Thị Quyên, con chị Trần Thị Bảy.
Theo bà Hạnh, sự việc xảy ra vào năm 2007, khi đó bà là Phó Giám đốc trung tâm. Cụ thể, năm 2007, nhân viên trung tâm phát hiện, tiếp nhận một cháu bé bị bỏ rơi trước cổng Trung tâm. Sau đó Trung tâm có đăng tải thông tin tìm người thân trong vòng 1 tháng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không có người đến nhận. Hồi đó Trung tâm làm thủ tục tiếp nhận trẻ bỏ rơi và đặt tên cho cháu. Khoảng 3 tháng sau, thông qua giới thiệu, Trung tâm làm thủ tục cho cháu bé được nhận con nuôi tại Mỹ. Sau khi cháu bé đi rồi, gia đình cụ Thanh mới đến Trung tâm tìm cháu và chúng tôi xác định đúng họ là người thân. Sau này, Trung tâm có tổ chức một chuyến đi về xã Tiên Lãnh thăm hỏi hoàn cảnh gia đình cháu bé.
Hiện nay, cuộc sống của cháu bé ở Mỹ rất tốt. Định kỳ hằng tháng, gia đình bố mẹ nuôi có gửi thông tin về sự phát triển của cháu cho Trung tâm theo dõi. Năm 2012, lẽ ra bố mẹ nuôi dẫn cháu bé về Việt Nam thăm quê nhưng sau đó chuyến đi bị hoãn. Họ thông báo lại là năm 2014 sẽ sang Việt Nam. Theo như hình ảnh và thông tin Trung tâm cung cấp cho gia đình cụ Thanh, khi vào trung tâm, cháu Lê Thị Quyên được khai tên, đổi họ là Võ Thị Tiên, sau đó được đặt tiếp lại tên theo họ bố mẹ nuôi là Lily Tiên Charlire Dariele. Chúng tôi hỏi về việc Trung tâm có hay tiếp nhận những trường hợp trẻ lớn tuổi bỏ rơi như bé Quyên không, bà Hạnh thừa nhận là chỉ nhận trẻ dưới 2 tuổi. Khi nuôi trẻ lớn đến 11 tuổi là chuyển đi trung tâm khác. Những trường hợp như bé Quyên cũng có nhưng rất ít, mỗi năm chỉ có vài cháu.
Phóng viên tìm hiểu vụ việc tại nhà chồng chị Trần Thị Bảy. |
Nguyên cớ dẫn đến việc cháu Tiên vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam có sự không thống nhất giữa lời trình bày của gia đình và lãnh đạo trung tâm. Chị Trần Thị Bảy thì bảo mang con đến gửi, còn trung tâm thì cho rằng phát hiện Quyên bị bỏ rơi gần Trung tâm. Trung tâm thì cho rằng sau 3 tháng không có thân nhân đến nhận nên mới làm thủ tục cho nhận con nuôi, còn mẹ và bà ngoại Quyên thì khẳng định trước khi Quyên đi Mỹ có đến thăm 2 lần. Có một điều chắc chắn là không phải tự dưng một cháu bé 6 tuổi có thể đi bộ hơn 50km từ Tiên Lãnh (Tiên Phước) đến đứng trước Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi để các nhân viên ở đây nhận vào nuôi.
Và đúng như vậy, qua liên lạc với ông Phùng Thanh Dũng - cán bộ chăm sóc trẻ em xã Tiên Lãnh để xác định về trường hợp này, chúng tôi được ông Dũng cho biết: “Hồi đó chị Bảy gửi con vô Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Tôi chỉ đường cho đi chứ gửi vô răng tôi không rõ. Tôi với chị Bảy đón xe thồ xuống đến cổng Trung tâm, tôi đứng ngoài còn chị Bảy đưa cháu bé vô Trung tâm. Con bé lớn nên Trung tâm không nhận mà chị Bảy vì quá khổ, muốn gửi quá nên tôi chỉ dẫn cho vô gửi. Sau khi sự việc này xảy ra, CA có mời tôi xuống làm việc. Do trung tâm chỉ nhận trẻ dưới 2 tuổi, nếu chị muốn gửi thì tôi chỉ đường cho gửi. Đúng tuổi thì xã sẽ làm hồ sơ, còn cháu bé lớn tuổi thì tôi hướng dẫn cho gửi. Sau khi gửi, bả có xuống thăm con 3 - 4 lần và Trung tâm cho vô thăm”.
Thời gian sau khi bé Quyên đi Mỹ, chị Bảy gặp và có cảm tình với anh Nguyễn Ngọc Quang (trú xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh). Chị theo anh Quang về sinh sống tại xã Tam Lãnh và có với nhau 2 mặt con. Bản thân anh Quang bị tàn tật, nuôi mẹ già không còn sức lao động, chị Bảy thường xuyên ốm đau nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Chị Bảy không có điều kiện đi tìm con, còn cụ Thanh thì quá già nên cũng không còn đủ sức tìm cháu. Tiếp chuyện với chúng tôi tại nhà chồng chị Bảy ở xã Tam Lãnh, cụ Phùng Thị Thanh nói như khóc: “Mấy năm qua, lúc nào tui cũng nhớ đến con Quyên. Nó là đứa trẻ xinh xắn, hồi còn ở với tui, mỗi khi đi học mẫu giáo về, nó bảo là bà ngoại ơi, bà đừng chết, ráng sống với con, vài bữa nữa lớn lên con đi làm nuôi bà. Tội nghiệp con bé, không biết bây giờ nó đang ở đâu. Tui sợ nhất là bị bán vào tay kẻ xấu”. Còn chị Bảy thì nghẹn ngào cho biết, nhớ con nhưng không biết phải làm thế nào để tìm được con.
Hình ảnh cháu Lê Thị Quyên được nhận làm con nuôi tại Mỹ do Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam cung cấp. |
Nguyện vọng của gia đình cụ Thanh là muốn biết thông tin cháu Quyên hiện đang ở đâu, cuộc sống thế nào. Và Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam phải có trách nhiệm đưa cháu Quyên về cho gia đình. Chúng tôi thiết nghĩ, nguyện vọng này là chính đáng, cần được trung tâm xem xét, có hướng giải quyết thấu tình đạt lý trên tinh thần vì sự phát triển hoàn thiện cho cháu bé.
Nguyên Thảo - Báo CA Đà Nẵng