Chung sức đồng lòng xây dựng xứ Tiên đẹp giàu
Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương, lãnh đạo nhân dân chung sức đồng lòng xây dựng xứ Tiên đẹp giàu.
Năm nay chúng ta tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 105 Danh xưng Tiên Phước và 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (16/6/1946 - 16/6/2021). Cùng nhau ôn lại quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Tiên Phước, tự hào về con người Tiên Phước trong suốt hơn thế kỷ qua để cùng nắm chặt tay nhau, chung sức đồng lòng hướng tới tương lai tươi sáng là việc có ý nghĩa hết sức sâu sắc.
Trước hết là nói chuyện về 105 năm Danh xưng Tiên Phước.
Vì sao gọi là Danh xưng Tiên Phước? Trước khi nói đến Danh xưng Tiên Phước, xin nói đôi chút về Danh xưng Quảng Nam. Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất phía Nam Thuận Hóa đến đèo Cù Mông (vùng đất này là của Chiêm Thành), vua Lê Thánh Tông lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 - Thừa tuyên Quảng Nam gồm 03 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định). Danh xưng Quảng Nam xuất hiện từ đây. Trải qua những biến động của lịch sử, qua các thể chế chính trị khác nhau, lúc sáp nhập thay đổi tên gọi, lúc phục hồi. Đến nay gọi là tỉnh Quảng Nam (theo Nghị quyết chia tách tại kỳ họp Quốc hội khóa X, năm 1997). Như vậy, việc kỷ niệm Danh xưng Quảng Nam là để nhớ cái lần đầu tiên được đặt tên cho vùng đất này, tức vào năm 1471.
Tương tự như vậy, đối với vùng đất Tiên Phước, từ năm 1471 đến đầu Thế kỷ XX, thuộc huyện Hà Đông phủ Thăng Hoa, rồi Hà Đông phủ Tam Kỳ, Quảng Nam. Sau cuộc chính biến Duy Tân 1916, vua Khải Định có chiếu dụ thành lập huyện Tiên Phước trên cơ sở cắt 1 số xã phía Tây của phủ Tam Kỳ và vùng thấp của Trà My.
Như vậy, về cách gọi, nên gọi là 105 năm Danh xưng Tiên Phước để nhớ lại năm đầu tiên được đặt cái tên cho vùng đất này, còn việc thành lập huyện thì qua nhiều thời kỳ dù Tiên Phước không bị sáp nhập nhưng có sự chia tách các xã. Nếu gọi thành lập huyện nên chăng chính xác là từ năm 1997; cùng với tái lập Quảng Nam theo Nghị quyết Quốc hội khóa X, Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nói về Danh xưng Tiên Phước là vậy, có lịch sử 105 năm, nhưng vùng đất Tiên Phước thì đã có rất lâu. Truyền thống yêu nước, hiếu học cũng đã rất lâu. Việc học của Tiên Phước thời xưa là vô cùng khó khăn, nhưng đã có một Tiến sĩ, 3 Phó bảng. Đó là Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, các Phó bảng Lê Vĩnh Khanh, Nguyễn Đình Tựu và Phan Châu Trinh. Nói đến Tiên Phước là nói đến cái nôi của phong trào Duy Tân với bộ ba Phan, Trần, Huỳnh. Cách đây hơn 10 năm, trước nhà thờ cụ Huỳnh có 01 cái hồ cá, bị sứt 1 miếng, do vậy mà khi trùng tu ai đó đã vội đập đi để làm mới 1 cái hồ to đùng như bây giờ. Ít ai biết rằng, trên cái hồ cá cũ kỹ ấy, 3 cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đã cùng nhau bàn thảo việc nước và khai sinh phong trào Duy Tân, dậy sóng Trung Kỳ. Nói đến vùng đất Tiên Phước là nói đến làng Phú Lâm (Tiên Sơn) và Cụ Lê Cơ - Nhà thực hành duy tân xuất sắc những năm 1904 - 1906. Phú Lâm là trường dạy chữ Quốc Ngữ đầu tiên của cả nước và làng Phú Lâm cũng là nơi đầu tiên trong cả nước có những cải cách, canh tân vô cùng mới mẻ với những “Nông đoàn”, “Hợp xã”, lò rèn, lò chén. Phú Lâm là khởi điểm và cũng là đỉnh điểm làn sóng Duy Tân của cả nước. Nói đến Tiên Phước là nói đến các chí sĩ Lê Vĩnh Huy, Phan Quang, Trần Thuyết, Trầm Tùng Vân, Nguyễn Xuân Vận, Dương Đình Thạc…, trong phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ. Mà đặc biệt nhất là chí sĩ Trần Huỳnh (Tiên Thọ) với cuộc khởi nghĩa phá phủ Tam Kỳ năm 1916. Trước lúc hy sinh Người còn hô vang: “Dòng dõi Lạc Hồng thiên thu, Việt Nam vạn tuế”.
Truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân vùng đất Tiên Phước rất đỗi hào hùng, không kể hết, chỉ xin khái quát như vậy. Và truyền thống ấy được phát huy cao độ từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời với sự hình thành 2 chi bộ đầu tiên của Đảng ở Tiên Phước là chi bộ Thạnh Bình (18/2/1941) và chi bộ Tài Đa (5/12/1941). Dù bị thực dân Pháp khủng bố, bắt bớ, tra tấn, tù đày, những chiến sĩ cộng sản trung kiên của Tiên Phước vẫn kiên cường, bất khuất rút vào hoạt động bí mật, lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền (8/1945) ở Tiên Phước, góp phần vào thành công của Cách mạng tháng 8 trên cả nước. Đến năm 1946 (16/6/1946), Huyện ủy Tiên Phước được thành lập. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng ở Tiên Phước ghi thêm những trang sử chói ngời. Trong 9 năm chống thực dân Pháp, Tiên Phước là hậu phương tin cậy cho cuộc kháng chiến của cả tỉnh. Trong 21 năm chống đế quốc Mỹ, Tiên Phước trở thành “mảnh đất thánh” của cách mạng khu 5. Chiến dịch giải phóng 02 xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc (27/10/1961) đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng diệt ác, phá kìm xây dựng vùng giải phóng, mở ra thời kỳ bừng sáng của cách mạng tỉnh nhà. Chiến dịch giải phóng 03 xã Sơn - Cẩm - Hà trong năm 1962 và cuộc chiến đấu quyết liệt chống chiến dịch Bình Châu, Dân Chiến của địch trong 2 năm 1963 - 1964 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ khu căn cứ địa của cách mạng để từ đó cách mạng tiến công giải phóng các huyện đồng bằng. Mùa Xuân 1975, cùng với tiếng súng tiến công mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột, chiến dịch giải phóng 2 chi khu quân sự - quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm đã nổ ra nhanh chóng thắng lợi, trở thành điểm nút cho việc giải phóng toàn tỉnh Quảng Nam.
Trong suốt những tháng năm chiến tranh ác liệt, lâu dài và gian khổ ấy, kẻ địch không từ một thủ đoạn nào để hòng khuất phục các chiến sĩ cách mạng và người dân Tiên Phước, nhưng chúng đã thất bại. Chúng ta không thể nào quên những vụ thảm sát man rợ ở Gò Vàng, Đồng Trại, Cây Cốc. Không thể nào quên những lớp sám hối quỳ rục gối, những đêm trường như thời trung cổ của các cuộc huấn chính tố cộng. Không thể nào quên những cuộc càn quét lớn hàng chục tiểu đoàn, hàng trăm lần máy bay đổ quân tiếp tế, các chiến thuật tập kích đêm, phục kích ngày, xuyên sơn lùng sục, tàn sát dân, bắn giết trâu bò, đốt phá sạch nhà cửa ruộng vườn, những B52, B57 ném bom, rải chất độc hóa học tàn phá đến từng cành cây, ngọn cỏ… Nhưng tất cả những thủ đoạn thâm hiểm, xảo quyệt ấy đã bị thất bại thảm hại. Chiến thắng đã thuộc về chính nghĩa, đại nghĩa.
Quê hương được giải phóng, Đảng bộ huyện Tiên Phước lãnh đạo nhân dân bước vào sự nghiệp xây dựng quê hương trong điều kiện nhân dân vô cùng vui mừng và phấn khởi trước thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng phải đối mặt với vô vàn khó khăn thử thách.
Những cán bộ, đảng viên nay đã 40, 50 năm tuổi Đảng ngày ấy là những thanh niên đang sung sức, hăng hái xây dựng quê hương chắc không thể quên những ngày đầu mới giải phóng. Tất cả gần như không có gì. Chỉ có hai bàn tay, khối óc và niềm tin tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện. 46 năm qua, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân đạt được những thành quả, những kỳ tích mà bao đời nay chưa hề có được. Từ một vùng đất “ba không, hai thiếu” do chịu ảnh hưởng khốc liệt của chính sách “tam quang” của Mỹ - Ngụy, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống anh hùng, yêu nước, hiếu học, vững vàng đi lên giành những thành tựu lịch sử, làm thay đổi nhanh diện mạo quê hương. Mỗi phong trào cách mạng là một cuộc vận động quần chúng rộng lớn, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, vừa góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, vừa tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, đưa sự nghiệp xây dựng quê hương phát triển không ngừng… Đến nay chúng ta đã có 11/15 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (kể cả Tiên Hiệp đã được xem xét hồ sơ), chuẩn bị mọi mặt để đến năm 2022 toàn huyện về đích Nông thôn mới, tạo sự phát triển bền vững, đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu những năm 2025-2030.
Đi trên những con đường thênh thang từ huyện đến xã, thôn, nhớ sao những ngày mới giải phóng. Ngăn sông, cách núi, trèo đèo lội suối. Đọc câu thơ của Tố Hữu “Đường ta rộng thênh thang ta bước” mà nghe ước mơ về những con đường nhựa hóa, cứng hóa thật xa vời. Vậy mà nay đường sá đã phong quang, sạch đẹp, bê tông hóa đến từng ngõ ngách kể cả những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất. Quốc lộ 40B, tuyến đường huyết mạch nối Tiên Phước - Tam Kỳ với ngân sách tỉnh gần 500 tỷ đang náo nhiệt thi công, vài tháng nữa thôi sẽ hoàn thành. Đây có thể nói là đường băng tuyệt vời để đưa Xứ Tiên cất cánh về mọi mặt. Còn gì sướng hơn.
Ngồi trong những ngôi trường chuẩn đầy đủ tiện nghi, sức học đang ngang ngửa với các huyện thành thị, đồng bằng, dám chơi ngang ngửa và dẫn đầu các cuộc chơi lớn về trí tuệ trên cả nước, các em học sinh bây giờ có biết chăng những ngày đầu giải phóng, quần chằn, áo đụp, bụng không hạt cơm, không trường, không lớp, lớp cha ông ngày đó là những đứa trẻ vẫn hồn nhiên đi kiếm chữ, để các em, các con có được bây giờ.
Tự hào thay quê hương Tiên Phước, xứ Tiên thân yêu của chúng ta. 105 năm qua và nhiều hơn thế nữa. Các thế hệ người dân Tiên Phước đã trao truyền nhau những truyền thống, giá trị vô giá và trên tất cả là khát vọng xây dựng quê hương, xây dựng xứ Tiên đẹp giàu. Khát vọng đó đang ngày càng sôi sục và mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Vẻ vang thay Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Đảng là người tổ chức lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngay từ khi ra đời, qua từng giai đoạn cách mạng, Đảng bộ huyện đã chấp hành và vận dụng đúng đường lối, chủ trương của Tỉnh ủy, của Trung ương một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của huyện nhà. Đảng bộ huyện đã đề ra những quyết sách hợp lý kể cả trong đấu tranh giải phóng quê hương và trong hòa bình xây dựng, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình, đồng thuận và quyết tâm thực hiện. Chính vì thế, chúng ta đã vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi kể cả trong chiến tranh ác liệt và trong những ngày quê hương mới giải phóng với bộn bề gian khó để có được kỳ tích như hôm nay.
Chặng đường trước mắt tuy có nhiều thuận lợi nhưng vẫn đầy rẫy gian nan, thử thách, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực cao của toàn hệ thống chính trị và của toàn dân. Phấn đấu về đích Nông thôn mới năm 2022 và Nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Anh hùng thời kỳ đổi mới những năm 2025-2030 là để tiếp tục thực hiện cái khát vọng ngàn đời của các thế hệ nhân dân Tiên Phước, của các chí sĩ yêu nước và các đảng viên trung kiên, của toàn thể Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, đem lại đẹp giàu cho quê hương góp phần cùng cả nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Đó là một chế độ xã hội như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “ là xã hội tiến tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”… “Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ XHCN, đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam".
Kỷ niệm 105 năm Danh xưng Tiên Phước, 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương Tiên Phước anh hùng, của xứ Tiên thân yêu. Chúng ta vô cùng tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng bộ huyện nhà với những quyết sách hợp lý và sát đúng qua từng thời kỳ, từng bước ngoặt lịch sử, lãnh đạo nhân dân Tiên Phước vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để xây dựng quê hương đẹp giàu. Chúng ta tin tưởng chắc rằng Đảng bộ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, truyền thống yêu nước của quê hương, kế thừa những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục lãnh đạo nhân dân quyết tâm đạt được những mục tiêu to lớn và toàn diện, đưa huyện nhà không ngừng phát triển, xứng đáng với tiền nhân, với các chí sĩ yêu nước, những đảng viên trung kiên đã quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, của quê hương Tiên Phước - Xứ Tiên thân yêu của chúng ta, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước đưa nước ta đi lên Chủ nghĩa xã hội như Bác Hồ kính yêu và Đảng ta đã chọn.
Khi tôi viết bài này, cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp của chúng ta đã thành công rất tốt đẹp, là minh chứng rõ nét nhất cho sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Cử tri, nhân dân đã thực sự phát huy quyền làm chủ của mình, bầu chọn những đại biểu xứng đáng nhất để lãnh đạo, quản lý và hiến kế cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đang dâng trào trong mỗi người dân Việt, trong đó có nhân dân Tiên Phước chúng ta. Các mục tiêu lớn mà Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra chắc chắn sẽ thực hiện thành công, thắng lợi, thỏa lòng mong ước của nhân dân.
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam (dẫn theo bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Phạm Văn Đốc – Bí thư Huyện ủy Tiên Phước