So với những năm trước, năm nay nắng hạn ở vùng trung du Tiên Phước đến sớm hơn. Qua Tết Âm lịch, thời tiết hanh khô, thi thoảng mới có đợt mưa rào chợt đến rồi chợt qua nhanh. Từ giữa tháng 3 âm lịch, nắng hạn xuất hiện và kéo dài đến nay.
Anh Trương Văn Phước ở thôn 3, xã Tiên Lộc cho biết: “Nhiều rừng keo lá tràm ở địa phương bị nắng hạn nên úa vàng và chết khô dần. Rừng keo trồng chưa đến kỳ khai thác, không đạt quy chuẩn, lại thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì thế bán không được. Các chủ rừng buộc phải chặt làm củi”.
Một người dân ở “xóm cây trái miền Nam” Hố Quờn (thôn Hữu Lâm, thị trấn Tiên Kỳ) cho hay: “Đập Hố Quờn cạn trơ đáy. Nạo vét thật sâu mới có nước bơm cứu vườn cây trái khỏi bị héo úa. Do không có đủ nguồn nước tưới nên các loại quả sầu riêng, măng cụt, thanh trà, bưởi da xanh, bơ quả dài… rụng khá nhiều khi vừa già, số còn lại quả không to, không căng mẩy như mong đợi. Thất thu trầm trọng”.
Một trong những nỗi lo của không ít hộ dân ở thị trấn Tiên Kỳ và các xã Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Lộc… là nguồn nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày gặp khó khăn vì hầu hết giếng nhà nào cũng đã cạn khô.
Bà Trương Thị Lành nhà ở cạnh dốc Hầm Tây (thuộc thôn 3, xã Tiên Lộc), nói: “Khu vực tôi ở, cả xóm chỉ còn ba nhà có giếng nước chưa cạn. Hằng ngày bà con trong xóm thay nhau đem can nhựa loại 20 lít lấy nước chở về bằng xe rùa để nấu ăn, rửa rau. Việc tắm giặt phải hạn chế, dù trời nóng bức. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, ba giếng nước kia khô cạn, cả xóm không biết lấy nước đâu dùng cho sinh hoạt…”.
Do thiếu nguồn nước sinh hoạt, không ít hộ ở các xóm thôn dồn tiền khoan giếng. Nhưng phần lớn xóm thôn ở các làng quê Tiên Phước nằm ven gò đồi nên giếng phải khoan sâu 70 - 100m mới có nước. Chi phí mỗi giếng khoan khoảng 35 - 45 triệu đồng. Chống chọi với nắng hạn kéo dài, nhiều nhà vườn ở vùng trung du Tiên Phước khoan giếng để vừa lấy nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày, vừa lấy nước cứu vườn cây ăn quả đang bị héo úa...
Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam