www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Người cận vệ của cụ Huỳnh

Khi tìm bối cảnh cho phim ca nhạc thiếu nhi “Em đi cùng mùa xuân” ở miền quê Tiên Phước, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện cảm động và thú vị về người cận vệ trung thành của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Một chàng trai đất Bắc đã gửi gắm đời mình nơi xứ Quảng…

  Nhân vật chính thể hiện những ca khúc trong phim ca nhạc “Em đi cùng mùa xuân” là cô bé Nguyễn Lê Ny (lớp 10 trường THPT Chuyên Nguyễn Bình Khiêm), con gái anh Nguyễn Xuân Tuấn ở thị trấn Tiên Kỳ. Lê Ny cũng chính là cháu nội của người được cụ Huỳnh Thúc Kháng chọn làm cận vệ tin cẩn. 

Trong ký ức anh Nguyễn Xuân Tuấn, hình ảnh về người cha - ông Nguyễn Xuân Hy - chỉ còn như một làn khói mỏng tang, vì khi anh mới lên sáu thì cha đã hy sinh trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ ở khu căn cứ Nước Oa. Thông tin về cha mình, anh chỉ biết qua lời người mẹ - bà Nguyễn Thị Mai. Bà Mai quê xã Tiên Lộc (Tiên Phước), năm nay đã bước sang tuổi 80. Từng là cán bộ Hội phụ nữ Tiên Phước những năm kháng chiến, cô gái Mai xinh đẹp, hát hay, biết chơi đàn măng-đô-lin và có lối nói chuyện cuốn hút người nghe. Còn ông Nguyễn Xuân Hy lúc bấy giờ đang là cán bộ chính trị Huyện đội Tiên Phước. Và mãi đến khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì bà mới biết ông Hy chính là người cận vệ của cụ Huỳnh cho đến khi cụ trút hơi thở cuối cùng. Những mẩu chuyện rời rạc để hình dung về cuộc đời người cận vệ ấy, chúng tôi “chắp nối” qua lời kể của bà Mai trong một ngày cuối đông… 

… Năm 15, 16 tuổi, Nguyễn Xuân Hy từ quê nhà Hải Hưng lên Hà Nội kiếm sống và học võ. Một hôm tình cờ ông gặp cụ Huỳnh. Rất lạ, sau khi gặp chàng trai vài lần, cụ Huỳnh đã ngỏ ý: “Cháu có muốn đi với ông không?”. Với bản tính thích đi đây đi đó, Nguyễn Xuân Hy nhận lời, nhưng phải nhờ cụ Huỳnh dẫn về nhà xin phép cha mẹ. Kể từ dạo đó, bước chân chàng trai đất Hải Hưng đã cùng cụ Huỳnh đi qua rất nhiều vùng đất của Tổ quốc. Cụ đi diễn thuyết, vận động canh tân với chủ trương hòa bình, bất bạo động. Nguyễn Xuân Hy dần dần trở thành người cận vệ tin cẩn, được cụ chỉ bảo nhiều điều về lẽ sống ở đời, về con đường cụ chọn vì ôm ấp độc lập-tự do... Càng gần cụ Huỳnh, ông càng thấm sự mẫn tiệp trong giao tiếp, về tài trí và đức độ cao vời ở vị chí sĩ đất Quảng. Biết bao đêm ông chứng kiến cụ thao thức năm canh khi đại cuộc còn nhiều dang dở… 

Là cận vệ, ông Hy chỉ biết thực hiện chu đáo trách nhiệm sao cho cụ được bình an. Vậy mà cũng có lần cả cụ Huỳnh và ông suýt mất mạng vì âm mưu của bọn phản động. Chuyện xảy ra trong lần ông Hy theo bảo vệ cụ Huỳnh đi công cán, thời cụ ra Hà Nội làm Bộ trưởng Nội vụ rồi Quyền Chủ tịch nước. Giai đoạn này xảy ra vụ án “Ôn Như Hầu”, Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng đang xử lý nghiêm khắc vụ này, vì thế cụ trở thành một trong những mục tiêu ám sát của bọn phản động. Bữa nọ, khi xe chở cụ Huỳnh đang đi trên đường thì bất ngờ một tên ném lựu đạn vào. Tình thế nguy cấp, để bảo vệ cụ Huỳnh, ông Hy nhào tới lấy thân mình đè lên quả lựu đạn. Rất may, quả lựu đạn không nổ! Đến đầu năm 1947, cụ Huỳnh thay mặt Chính phủ đi kiểm tra tình hình kháng chiến ở miền Trung. Ông Hy cũng theo sát cụ tới Quảng Ngãi và túc trực bên giường bệnh cho đến khi cụ trút hơi thở cuối cùng…  

Sau khi cụ Huỳnh tạ thế, ông Hy về công tác tại Tỉnh đội Quảng Nam, được phân công phụ trách địa bàn Tiên Phước. Ở đó, là quê hương cụ Huỳnh, nơi có mảnh vườn và ngôi nhà cũ một thời cụ sinh sống. Các thế hệ cháu con cụ Huỳnh xem ông như người trong nhà. Cũng thời gian này, ông gặp và lập gia đình với bà Mai. Sau năm 1954, ông Nguyễn Xuân Hy bị chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bắt giam. Khoảng đầu năm 1963, ra tù, Nguyễn Xuân Hy lại bắt liên lạc với tổ chức và tiếp tục hoạt động cách mạng ở Tiên Phước. Lúc này, vợ chồng ông đã có với nhau 4 người con. Nguyễn Xuân Tuấn là con trai duy nhất được sinh hạ trong những ngày chiến tranh ác liệt trên chiến trường khu V. Năm 1966, ông tham gia lớp học nghiệp vụ tại khu căn cứ Nước Oa, trường bị lộ phải cấp tốc sơ tán. Trong lúc di chuyển, cả lớp bị máy bay địch phát hiện và thả bom. Ông Hy và 3 đồng chí hy sinh tại cầu Chìm - sông Trường (Trà My). Sau chiến tranh, gia đình tổ chức tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Xuân Hy nhưng vô vọng…  

Câu chuyện về chàng trai đất Bắc tình nguyện đi theo cụ Huỳnh, để rồi chọn đất Tiên Phước gửi gắm trái tim, và cả thân xác nơi núi rừng xứ Quảng… quả là một duyên phận đặc biệt, khiến chúng ta ngậm ngùi và cảm động.

Đặng Trương Khánh Đức