www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cử nhân về nuôi giun, tỉnh khen sáng tạo khi lãi 500 triệu/năm

Vào Nam lập nghiệp, nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình, anh Thành đã trở về quê nuôi giun quế. Đến nay, trừ chi phí mỗi tháng anh bỏ túi 40 triệu tiền lãi.

Sinh ra ở vùng quê nghèo Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), chàng trai 32 tuổi quyết tâm làm giàu để mong giúp đỡ gia đình.

Cào những luống giun quế để chuẩn bị cho chúng ăn, anh Nguyễn Văn Thành cười nói: “Bỏ thành phố về quê nuôi giun, đến giờ tôi thấy là quyết định đúng...”.

Cử nhân về nuôi giun, tỉnh khen sáng tạo khi lãi 500 triệu/năm
Anh Nguyễn Văn Thành bỏ thành phố về quê thực hiện ước mơ làm giàu bằng giun quế

Bỏ thành phố về quê nuôi giun

Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, anh Thành suy nghĩ bản thân phải học thật giỏi để giúp đỡ gia đình. Sau tốt nghiệp cử nhân điện một trường cao đẳng ở Đà Nẵng năm 2011, anh khăn gói vào miền Nam tìm cơ hội...

“Vào TP.HCM lập nghiệp, lương mỗi tháng hơn 8 triệu khiến tôi khó xoay xở nơi đất khách khi vừa phải trang trải cuộc sống, vừa gửi tiền về cho gia đình. Đến năm 2016, tôi trở về quê hương để lập nghiệp lần nữa”, anh Thành chia sẻ.

Khi mới về quê, anh thanh niên 32 tuổi chọn cho mình hình thức nuôi thỏ để bán lấy thịt. Lúc này, tận dụng phân của thỏ, anh bắt đầu chuyển sang nuôi giun quế để xử lý chất thải.

Thời điểm này anh Thành vay ngân hàng, bạn bè 500 triệu đồng, cộng thêm số tiền 200 triệu đồng từ bố mẹ để đầu tư cơ sở vật chất, nguồn giống chuyển sang một hướng kinh doanh mới - nuôi giun quế.

Với diện tích nuôi 1.500m2, giun quế được anh Thành mua giống tại Hà Nội đưa vào từng ô nuôi có bề ngang 1,5m, bề dài 10m và chiều sâu khoảng 20cm. Sau đó, chất thải như phân gia súc, gia cầm, bã đậu, mía, rơm, rau, củ quả được đưa vào chuồng nuôi.

Anh Thành tiếp lời: “Đây là nguồn thức ăn chính của giun, sau khi ăn xong những thứ này, giun sẽ thải ra phân. Phân giun sau khi được sàng lọc, nén viên hoặc nghiền được đưa ra thị trường tiêu thụ”.

Mỗi năm lãi gần 500 triệu đồng

Sản phẩm làm ra chủ yếu có hai loại chính. Một là phân hữu cơ gồm ba loại làm từ giun quế: phân giun nguyên chất dạng bột, dạng nén viên, dịch giun quế (giun thịt ủ lên men chiết ra dịch - PV).

Hai là giá thể sinh khối (giun quế còn sống, phân và ấu trùng - PV) bán lại cho các hộ gia đình để xử lý rác thải như rau, củ, quả bỏ đi và chất thải của heo, bò, gà trong các trang trại làm phân bón.

“Những sản phẩm từ giun quế sẽ được bán đến các hợp tác xã rau sạch, trung tâm giống cây trồng, đại lý vật tư nông nghiệp, người dân dùng phân sạch hoặc chơi lan”, anh Thành giải thích về đầu ra.

Cử nhân về nuôi giun, tỉnh khen sáng tạo khi lãi 500 triệu/năm
Thức ăn của giun quế là chất thải như phân gia súc, gia cầm, bã đậu, mía, rơm, rau, củ quả

Mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh đưa ra thị trường 15-20 tấn phân giun quế. Tùy vào mỗi loại phân sẽ có giá thành khác nhau. Phân dạng bột có giá thành khoảng 4.000 đồng/kg, dạng viên giao động từ 20-25.000/kg, dịch giun quế 100.000 đồng/ lít. Trung bình mỗi tháng, trừ tiền vốn anh Thành lãi 40 triệu đồng từ các sản phẩm giun quế.

Với anh Thành, khó khăn đầu tiên khi chuyển sang mô hình kinh doanh này đó là việc phải luôn giữ độ ẩm từ 60-70%, độ tối cũng cần phải đủ vì giun không ưa sáng.

“Tiếp đến đó là thị trường tiêu thụ, tôi đang có một nhân viên thị trường nhưng vẫn chưa ổn định được nguồn ra. Phần nữa máy móc vẫn chưa đủ nên năng suất không được như ý muốn”, anh Thành nhìn nhận.

Nói về dự định của tương lai, anh đang mong muốn liên kết với các hộ gia đình, thanh niên trong địa bàn để mở rộng mô hình lên đến 10.000m2.

Cử nhân về nuôi giun, tỉnh khen sáng tạo khi lãi 500 triệu/năm
Đóng gói thành phẩm
Cử nhân về nuôi giun, tỉnh khen sáng tạo khi lãi 500 triệu/năm
Hiện anh Thành đang sử hữu diện tích 1.500m2 nuôi giun quế

“Tôi cố gắng truyền đạt kinh nghiệm mình có để hỗ trợ cho những người muốn theo đuổi hướng kinh doanh này. Đầu ra tôi sẽ cố gắng bao luôn nếu như mở rộng được mô hình. Hiện tại tôi đang kết hợp với 6 người trên địa bàn để mở hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ đất Quảng về sản phẩm phân hữu cơ và giá thể đất ươm mầm”, anh Thành chia sẻ.

Sản phẩm về giun quế của anh đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2020.

Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh Lê Trường Hiền cho biết, dự án khởi nghiệp của anh Thành là một điểm sáng trên địa bàn xã.

“Ngoài việc tạo điều kiện để anh Thành dễ dàng trong việc phát triển mô hình ở địa phương, chính quyền cũng động viên các hộ gia đình, thanh niên trẻ phát triển để nhân rộng các ý tưởng thoát nghèo...”, ông Hiền nói.

Công Sáng - Báo VietnamNet