Cụ Huỳnh với quê hương Tiên Phước
Tiên Phước quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng: Tiên Phước là vùng đất địa linh nhân kiệt được hình thành trong tiến trình mở cõi về phương nam của Chúa Nguyễn. Tuy nhiên, đến năm 1916, sau cuộc chính biến Duy Tân mà đặc biệt từ sau phong trào Việt Nam Quang Phục Hội với cuộc tấn công phá phủ đường Tam Kỳ vào tháng 5/1916, Nhà Nguyễn đã chính thức trích một số tổng ở hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ đặt thêm huyện Tiên Phước(2).
Mặc dù tên gọi Tiên Phước ra đời sau so với các địa danh khác trong tỉnh Quảng Nam, nhưng đất và người Tiên Phước đã tạt vào lịch sử dân tộc những dấu ấn đầy tự hào. Ngay từ năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Tiên Phước đã tập trung dưới Cờ Đề đốc Phạm Gia Vĩnh đứng lên kháng Pháp. Năm 1885, Kinh thành thất thủ, Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, cùng với nhiều sỹ phu, văn thân lúc bấy giờ, nhân dân Tiên Phước đồng lòng phò Vua kháng Pháp. Nhiều người con Tiên Phước đã hội tụ dưới Cờ Nghĩa hội của Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu lập Đại bản doanh chống giặc như Trần Huỳnh, Lê Vĩnh Huy, Dương Bộc, Phạm Hữu Minh, Hồ Nghiễm…nhân dân ủng hộ lương thực, các nhu cầu thiết yếu cho lực lượng Nghĩa hội. Các địa danh ở Tiên Phước như Dương Đế, Dốc Miếu, Nà Lầu, Bàu ông Trấn là những cứ điểm tiền tiêu để bảo vệ sơn Phòng Dương Yên. Nhiều nghĩa sỹ của Nghĩa hội Quảng Nam đã chiến đấu và anh dũng hy sinh, thi hài của các nghĩa sỹ được chôn cất tại Nghĩa trủng Tiên Phú Tây, Tiên Mỹ - một chứng tích oanh liệt về một thời bi hùng của lịch sử dân tộc.
Từ xa xưa người dân Tiên Phước đã có câu: “Sông Tiên nước chảy ngược dòng. Ai ơi tới đó đừng mong ngày về” để nói đến một vùng đất lam sơn chướng khí, núi hiểm rừng thiêng. Nhưng cũng chính nơi đây đã sinh ra và nuôi dưỡng và hình thành nên nhân cách lớn của các bậc Anh hùng: Phó Bảng Lê Vĩnh Khanh (1819 - 1884) được xem là người mở mối khoa cử cho vùng đất Tiên Phước là vị quan chính trực thanh liêm, thương dân như con. Phó bảng Nguyễn Đình Tựu – Tế tửu quốc tử giám, Thị giảng học sỹ - một vị văn thân nổi tiếng đời Hàm Nghi, ông có thời gian được cử làm Chánh sơn phòng sứ Quảng Nam đã đứng ra che chở, bảo lãnh nhiều thành viên có tham gia Nghĩa hội, nhờ đó mà đa số đảng nhân được bảo toàn sau khi tổ chức Nghĩa Hội bị Pháp tấn công(3); ông cũng là cậu ruột và là người có công đầu trong việc giúp đỡ, dạy dỗ mở hướng cho con đường khoa cử của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tiên Phước là chiếc nôi của những phong trào yêu nước ở Quảng Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như Cần Vương, Duy Tân mà gắn với các phong trào đó là các Nhà yêu nước, uy tín, đức độ, đầy dũng khí. Tiến sỹ Hán học Huỳnh Thúc Kháng, Phó Bảng Phan Châu Trinh những nhà khoa bảng đã từ chối con đường “vinh thân phì gia” như bao kẻ sĩ lúc bấy giờ để dấn thân vào con đường cứu nước. Hai ông đã khởi xướng nhiều hoạt động nhằm “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Nhiều Hội thương, Hội nông, Trường học, Phong trào cắt tóc ngắn, mặt đồ Tây, học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp nổi lên như một làn sóng “Duy Tân” nhấn chìm mọi tư tưởng thủ cựu. Nhà thực hành Duy Tân Lê Cơ với câu nói nổi tiếng “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm nhất chi hương” (dẫu không làm nổi việc lớn cho thiên hạ, thì cũng có thể thí nghiệm trong một làng) đã biến làng Phú Lâm (Tiên Sơn) thành nơi khai thông với nhiều hoạt động thiết thực mà đỉnh cao là việc mở trường nữ học, có giáo viên nữ đầu tiên trong cả nước đầu thế kỷ XX. Năm 1916, dưới cờ khởi nghĩa của Thái Phiên, Anh hùng chân đất Trần Huỳnh – đã làm tổng lãnh binh dẫn đầu đạo quân tấn công Phủ đường Tam Kỳ san bằng các đồn bót của giặc; phá nhà tù, giải thoát cho lính tập và tù nhân; thu ấn tín, thiêu hủy giấy tờ, hạ cờ giặc và treo cờ của quân khởi nghĩa... làm cho kẻ thù khiếp sợ.
2. Đôi nét về gia tộc và tuổi thơ của cụ Huỳnh Thúc Kháng
Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh tháng 11 năm 1876 (Tự Đức thứ 26 -Bính Tý)(3) tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ (Nay là làng thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Ông họ Huỳnh, tiểu danh là Thước, trước họ là Hanh, sau đổi thành Thúc Kháng.
Theo gia phả truyền lại, tộc Huỳnh ra đời cách đây khoảng 400 năm, vị Thủy tổ đầu tiên của gia tộc là ông Huỳnh Phước Tiên. Ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Nham từ Nghệ An vào đây lập nghiệp. Nhưng phải đến đời thứ 6, đến ông Huỳnh Văn Xuyến mới được xem là Tiền hiền - người có công khai khẩn, tạo dựng, lập ra làng Thạnh Bình. Tiền hiền Huỳnh Văn Xuyến có ba người con trai. Ông Huỳnh Văn Lập - một người văn hay chữ tốt, luôn lấy việc học đề cao, làm trọng. Ông Huỳnh Văn Xuân, cần cù chăm chỉ, thủ phận với nghề nông, với cái cuốc, cái cày. Ông Huỳnh Văn Thơ thì ngược lại, giàu có, cuộc sống sung sướng, an nhàn.
Riêng ông Huỳnh Văn Lập - một trong những người con thuộc hậu duệ thứ 7 của gia tộc Huỳnh lại có năm người con trai: Huỳnh Văn Đốc, Huỳnh Văn Thúc, Huỳnh Văn Phương, Huỳnh Văn Phi và Huỳnh Văn Vận. Ông Huỳnh Văn Phương (hiệu Tấn Hữu) là người con trai thứ ba kế thừa truyền thống lễ nghĩa, nho giáo của gia đình. Ông kết hôn cùng bà Nguyễn Thị Tình - con gái một gia đình danh giá ở Hội An (nay là Tiên Châu - Tiên Phước), sinh được năm người con trai và ba người con gái. Hai anh trai đầu, và hai em trai cuối không may chết vì bệnh đậu mùa. Người con trai thứ ba, có tên là Huỳnh Hanh, nhờ đi học xa nhà nên may mắn thoát chết. Như vậy đến Huỳnh Hanh, sau này đổi tên thành Huỳnh Thúc là hậu duệ thuộc đời thứ 9 của gia tộc Huỳnh.
Sinh ra trong một gia đình nhà nông, thân phụ nhiều phen đèn sách mà vẫn không đạt được nguyện ước, chính vì vậy sự thành công của cụ Huỳnh Thúc Kháng phần lớn là vào sự nổ lực, từ con tim, khối óc của chính bản thân cùng các biến cố gia đình xã hội đã thôi thúc. Khi còn nhỏ cậu bé Thước đã tỏ ra thông minh và lanh lợi. Nói về khả năng tiếp thu trong cách chơi và sự học của Huỳnh Hanh, con cháu họ Lê ở Thạnh Bình có kể: Lê Bân và Đồng Nhật Ngữ (cùng làng Thạnh Bình) là hai bạn thân thường cùng Huỳnh Hanh bắn chim, bắt cá trên khu vực sông Đá Giăng và là những người bạn tập cho Hanh bơi lội, đánh cờ nhưng chỉ sau một thời gian ngắn Hanh thường vượt trội so với các bạn. Trong đánh cờ, khi biết được quy định nước đi của từng con cờ, váng thứ nhất Thước thua Lê Bân, váng thứ hai hòa và váng thứ ba trở đi luôn thắng Lê Bân. Khi bơi lội để bắt cá hay bắn chim, Hanh thường thể hiện được tài năng hơn các bạn. Thước có được thầy giáo làng đặt cho cái tên rất ngộ nghĩnh đó là “Trò Bòng” vì cậu thường xuất sắc trong khi tranh bóng (bóng được sử dụng bằng trái bòng) cùng các bạn trong những giờ chơi giữa buổi học. Thước thường nói với các bạn mình rằng: Ở đời cái chi cũng phải biết, nhỏ biết nhiều lớn lên đỡ khổ.
Từ bé Huỳnh hanh đã nổi tiếng thông minh ham học và học rất giỏi, thấy khả năng vượt trội của con và qua lời đề nghị của ông giáo làng, Huỳnh Văn Phương đã quyết định gởi hai anh em Huỳnh Nghi và Huỳnh Hanh về quê ngoại để theo học cậu Nguyễn Đình Tựu nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau khi đổ phó bảng, Nguyễn Đình Tựu được triều đình điều ra Huế. Lúc này chỉ có Huỳnh Nghi được theo cậu, còn Huỳnh Hanh do còn quá nhỏ nên phải quay về sống với cha mẹ ở Thạnh Bình. Tại quê nhà, ban ngày Hanh theo học thầy Nguyễn Tiến (người Hà Tĩnh vào dạy học tại Thạnh Bình), ban đêm được cha kèm cặp. Đây là thời điểm Hanh chủ yếu rèn chữ, học cách gieo vần, làm câu đối và cũng là thời điểm bắt đầu nổi tiếng về tài đối đáp. Các vị cao niên ở làng Thạnh Bình có giai thoại, rằng: Một hôm thầy ra vế đối: “Ngói đỏ lợp nhà nghè, lớp trên đè lớp dưới”. Hanh nhìn ra cửa suy nghĩ, thấy chiếc cống trước nhà thầy được xây bằng đá, liền quay lại và cuối đầu đáp: “Đá xanh xây cầu cống, hòn dưới chống hòn trên”. Một lần khác thầy lại ra về đối: “Vị thiên cái cao, vị địa cái hậu”, Huỳnh Hanh liền đáp:“Như hoả ích nhiệt, như thuỷ ích thâm”. Tài ứng xử đối đáp của Huỳnh Hanh chuẩn cả vần lẫn nghĩa nên luôn được thầy khen và bạn bè nể phục(4).
Năm 12 tuổi, phong trào Cần vương do Nguyễn Hiệu lãnh đạo nổ ra ở Quảng Nam, cụ “theo đòi” vào núi học võ. Sau này cụ nhận định: “Tôi bản chất yếu hèn nhưng cử động được lanh lẹ, lại hay chịu đựng được gian khổ, nhẫn nại, kham khổ chính nhờ lúc nhỏ có học một tí nghề võ” (5)
Phong trào Cần Vương thất bại, Huỳnh Hanh tiếp tục công việc học hành. Cha cụ đã tìm những người thầy nổi tiếng khắp trong huyện để gửi gắm. Sau địa điểm làng Hội An, cụ học tiếp thầy Nguyễn Chí ở Trường Xuân (một địa điểm gần Tam Kỳ hiện nay). Cũng lúc này, thân phụ cụ chiêm bao thấy nếu đi về phía Tây sẽ “tiên phùng giai ngẫu, hậu phùng quân” (trước thì gặp vợ sau gặp vua) (6). Với niềm tin đó, thân phụ tìm thầy cho Huỳnh Hanh trọ học ở xã Đại Đồng (7) thuộc tổng Vinh Quí Trung, huyện Hà Đông (nay thuộc huyện Phú Ninh), quê của bà Nguyễn Thị Sắt, sau này được cụ cưới về làm vợ.
Là người con thứ trong gia đình nhưng do hai anh trai mất sớm, nên gánh nặng “khoa cử”, “nối dõi” đè nặng trên vai Huỳnh Thúc Khánh cho đến khi ông thực sự dấn thân vào con đường cách mạng, với ý chí “trải trên 20 năm như một ngày theo khuôn khổ nghiêm huấn không lúc nào sai”(8). Mười ba tuổi đã biết làm văn trường ốc, 16 tuổi đi thi hương đầu còn để chỏm và nổi danh là một trong ba người hay chữ nhất kinh đô Huế vào những năm đó(9)
Năm 1900, lần thứ 2 Huỳnh Thúc Kháng đổ đầu trong kỳ thi Hương, được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam. Nhưng lúc này do thân phụ lâm bệnh nên Huỳnh Thúc Kháng phải ở nhà để lo chăm sóc cha và trở thành người trụ cột giải quyết việc gia đình sau khi cha mất (ngày 11/9 năm Canh Tý-1900). Kể từ lúc này Huỳnh Thúc Kháng lấy việc tự học làm chính để chờ cơ hội giành lấy những danh hiệu cao quý trong kỳ thi cao hơn tiếp theo(10)
Bốn năm sau - 1904 cụ Huỳnh Thúc Kháng đã tham gia kỳ thi Hội, đỗ đầu giải Hội nguyên và là vị Tiến sỹ đầu tiên của huyện Tiên Phước. Dù đỗ Tiến sỹ nhưng cụ Huỳnh đã từ chối quan lộ, điều mà biết bao nho sỹ đương thời đang mong đợi. Cụ trở về quê hương dạy chữ cho lớp trẻ trong làng và bắt đầu học chữ Quốc ngữ. Cũng trong thời gian này, Huỳnh Thúc Kháng đã phát động phong trào Duy tân mà cụ là một trong ba kiện tướng dẫn đạo cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quí Cáp.
3. Với những phong trào yêu nước trên quê hương Tiên Phước
Sau khi “đoạt giáp” tiến sỹ. Bộ lại triều Nguyễn đã gửi văn bản mời cụ làm Giáo thọ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhưng Cụ đã từ chối, bởi với Cụ Huỳnh khi phong trào Cần Vương thất bại thì chủ nghĩa yêu nước theo tư tưởng “trung quân” đã mặc nhiên chấm dứt, vua thực chất chỉ còn là bù nhìn trong tay chính phủ bảo hộ Pháp. Chính vì vậy, vị Tiến sỹ nho học Huỳnh Thúc Kháng đã từ chối quan lộ để được vinh thân phì gia như bao “kẻ sĩ” lúc bấy giờ và tư tưởng yêu nước trong cụ đã chuyển hướng “ưu quốc ái dân” trên lập trường của cách mang tư sản với hàng loạt các hoạt động canh tân đất nước, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, nghị trường... Việc cụ Huỳnh từ chối không ra làm quan theo thể chế của triều đình càng làm cho tòa Khâm sứ Pháp “khó chịu”, nhưng về phía nhân dân và giới nho sỹ tiến bộ đương thời cụ đã chiếm được tình cảm sự yêu mến, ngưỡng mộ, kính phục. Đây cũng là yếu tố thuận lợi quan trọng để cụ cùng các đồng sự tiến hành công cuộc Duy Tân đất nước.
Đối với phong trào Duy tân, Huỳnh Thúc Kháng có vai trò đặc biệt, ông là một trong ba người lãnh đạo phong trào Duy tân ngay từ khi mới bắt đầu cho đến khi phong trào kết thúc, là người đã có nhiều đóng góp về mặt lý luận cho phong trào, cuối cùng Huỳnh Thúc Kháng là đã người ghi lại, làm sống lại phong trào Duy tân bằng chính ngòi bút của mình.
Năm 1904, sau khi cụ Huỳnh từ chối ra làm quan, Phan Châu Trinh và Trần Quí Cáp đã về Tiên Phước tìm gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, trong ngôi nhà nhỏ do cụ thân sinh Huỳnh Văn Phương để lại, ba nhà ái quốc đã có cuộc luận bàn tìm đường chấn hưng đất nước. Niên phổ Huỳnh Thúc Kháng đã ghi lại những việc làm của ông cùng với các nhà lãnh đạo của phong trào Duy tân như sau: “Tôi cùng các thân hào bằng hữu đề xướng chung vốn lập thương cục tại phố (Faifoo - Hội An) cùng lập trường học, hội nông, trồng quế… tùy theo phong khí biến đổi trong nước nào ăn mặc theo Âu Tây, cúp tóc… tôi lại cùng các thân sĩ trong huyện lập một thư xã tại nhà túc thất của văn miếu mới (tại làng Chiên Đàn) mua nhiều sách báo mới, ngày rằm mỗi tháng họp diễn thuyết một lần người đến nghe rất đông, lại cùng đệ tử trong làng mở nhà học, rước thầy về dạy chữ Tây và quốc ngữ cho con em… Nhiều làng trong hương thôn có trường quốc ngữ… phong khí đổi khác” (12)
Trên thực tế Huỳnh Thúc Kháng cùng các nhà Duy Tân ở Quảng Nam lúc bấy giờ là những nhà hướng đạo cả về lý thuyết, phương pháp, cơ cấu tổ chức, tuy nhiên việc thực hành ở từng địa phương phần lớn nhờ vào các yếu nhân ở cơ sở. Tại Tiên Phước công cuộc Duy Tân phát triển rầm rộ, các nông hội, hội buôn, trường học theo lối mới ra đời ngày càng nhiều; đồng bào đua nhau cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn, bỏ ruợu chè, bài trừ hủ tục, dị đoan, cổ động dùng hàng nội hoá… tạo nên sự chuyển biến sâu sắc trong cộng đồng xã hội. Một đỉnh điểm rực rỡ của Duy Tân tại Tiên Phước đó là việc ra đời một trường nữ học đầu tiên có giáo viên là nữ tại làng Phú Lâm, Tiên Sơn gắn với tên tuổi nhà thực hành Duy Tân xuất sắc Lê Cơ.
Lê Cơ là lý trưởng làng Phú Lâm lại là anh em cô cậu với Phan Châu Trinh. Vốn đã tiếp xúc với “tân thư” nên khi được giác ngộ về tư tưởng Duy Tân, Lê Cơ sớm nhận thức được mở mang dân trí, cải cách xã hội là một vấn đề cấp thiết. Do đó năm 1903, sau khi nhận chức lý trưởng ông bắt tay thực hiện công cuộc “cải cách” như: mở trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Pháp, mở thương cuộc, lập nông hội trồng tiêu, quế, chè theo phương pháp mới, lập công hội, dựng lò rèn, làm tiểu thủ công nghiệp, lập hội bảo hiểm, hội mặc đồ tây, cắt tóc ngắn v.v...Đặc biệt sự ra đời của trường tân học Phú Lâm, với cách tổ chức, nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến nhất so với cả nước thời bấy giờ.
Chúng ta có thể hình dung sau mỗi buổi học tại trường Phú Lâm, học sinh cả nam và nữ cùng đứng lên ca bài “NGƯỜI TRONG ĐÔNG Á” của Huỳnh Thúc Kháng với 10 điều chúc :
Mười điều chúc cũng chính là mười điều tuyên thệ của các sỷ tử Phú Lâm, quyết không cam chịu làm tôi tớ cho thực dân Pháp mà là những chiến sỹ trẻ sẵn sàng dấn thân vào con đường cứu nước. Đây mới chính là “sản phẩm” cốt yếu của các trường tân học, cũng như ở Phú Lâm bấy giờ. Ảnh hưởng của Phú Lâm với phong trào học chữ quốc ngữ lan nhanh sang các vùng lân cận, nhiều trường tân học mở ra, càng ngày số người theo học càng đông, học sinh trở thành những người cộng tác đắc lực trong việc tuyên truyền, vận động duy tân khiến thực dân Pháp lo sợ.
Cùng với việc mở trường, Lê Cơ đã xin giấy phép của quan phủ, vận động nhân dân trong xã góp cổ phần, lập cuộc buôn ở lấy tên là "Thương hội bình dân" và bắt đầu hoạt động vào tháng 5/1904. Thương hội có Ban trị sự và có một số người chuyên đi mua mắm muối, dầu, vải, nông cụ... ở Tam Kỳ, Hội An về bán cho dân. Những người buôn nghèo đến đây nhận hàng hoặc tiền về mua hàng buôn bán, buổi tối trở lại thương cuộc trả tiền vốn, sắp xếp quang gánh ngăn nắp, trật tự. Ngoài thương hội chính, còn có các các quán nhỏ ở một số nơi khác trong làng để thuận tiện cho người dân mua sắm các vật dụng cần thiết. So với các thương hội Diên Phong ở Điên Bàn hay Quảng Nam hợp thương công ty ở Hội An thì không sánh nổi, nhưng thương hội Phú Lâm thành lập sớm hơn, mở đầu cho sự ra đời của hàng loạt thương hội khác trong tỉnh. Nhưng quan trọng hơn, thương hội còn là nơi để các nhà Duy Tân gặp gỡ, trao đổi thông tin hay liên lạc, tiếp xúc với sĩ phu các tỉnh khác để tuyên truyền vận động duy tân. (14)
Trên đà đó, cuộc vận động cải cách ở Quảng Nam chuyển hướng, tiến triển nhanh mà đỉnh cao là cuộc chính biến Duy Tân 1908. Cuộc biểu tình đã huy động tới hàng vạn người lên đường đấu tranh trực diện chống lại thực dân Pháp và phong kiến tay sai tạo thành cao trào đấu tranh mãnh liệt khiến thực dân run sợ thẳng tay đàn áp, bắt giam các lãnh tụ Duy Tân. Huỳnh Thúc Kháng là một trong những người đầu tiên tại Quảng Nam bị thực dân Pháp bắt đi. Dù đây không phải là mong muốn chủ trương của các nhà Duy tân và cũng không chỉ đạo cuộc nổi dậy cựu sưu như triều dâng thác đổ của hàng vạn nông dân ở miền Trung, nhưng đó chính là một hệ quả tất yếu của tư tưởng “Duy tân” một khi đã đi vào hồn cốt của người dân ở một đất nước nô lệ và đã kết thúc bi tráng phong trào Duy tân.
Năm 1946, sau khi tham gia chính phủ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có một chuyến về thăm lại quê hương. Theo lời kể của cụ Huỳnh Toản (người cháu thừa kế của cụ Huỳnh Thúc Kháng), trong thời gian này, nhiều người cầm đầu của các tổ chức Đảng phái khác đã đến ra mắt xin ý kiến cụ về hoạt động nhưng cụ Huỳnh đã thẳng thắn từ chối gặp, thậm chí đã đuổi thẳng tên quận trưởng quốc dân đảng Nguyễn Thân và bảo “không có quốc gia, dân tộc gì chúng mày”.
4. Cụ Huỳnh trong lòng dân Tiên Phước
Cụ Huỳnh Thúc Kháng – người con ưu tú của Tiên Phước - vị Tiến sỹ hán học lỗi lạc về tài năng và nhân cách đã cống hiến cả đời mình vì chủ nghĩa yêu nước -người đã được Bác Hồ trọng dụng mời tham gia Chính phủ liên hiệp giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Chủ tịch Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam, được Bác Hồ tin tưởng trao quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang Pháp dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô năm 1946 mà lẽ ra phải trao cho Phó chủ tịch nước lúc bấy giờ là Nguyễn Hải Thần. Điều đó càng thấy Bác Hồ tin tưởng cụ Huỳnh một cách tuyệt đối. Trước lúc lên máy bay, Bác Hồ đã trao lời ủy thác cho cụ Huỳnh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Là một nhà nho, cụ Huỳnh hiểu được thâm ý sâu xa, tình cảm, niềm tin của Bác Hồ dành cho, Cụ đã dốc hết tài năng, nghị lực ý chí cùng với các thành viên Chính phủ điều hành đất nước trong một bối cảnh lịch sử hết sức khắc nghiệt của những ngày đầu cách mạng. Sau 4 tháng trở về từ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh, sự săn sóc của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân mà giải quyết được nhiều việc khó khăn…”. Một trong những việc đại sự mà cụ Huỳnh đã trực tiếp chỉ đạo đó là tiêu diệt bọn phản động mang danh Quốc dân Đảng trong vụ án phố Ôn Như Hầu, làm lung lay, loại bỏ những âm mưu lật đổ chính quyền của các tổ chức phản động lúc bấy giờ.
Trong quá trình đi kinh lý các tỉnh miền Trung, do tuổi cao sức yếu, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã trút hơi thở cuối cùng trong lúc đang làm nhiệm vụ tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi vào ngày 21/4/1947, mộ phần cụ Huỳnh hiện được an tọa trên núi Thiên Ấn, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng trong lòng dân Tiên Phước và lòng nhân dân Việt Nam cụ Huỳnh vẫn sống mãi một tấm gương, một nhân cách vĩ đại.
Hiện nay ngôi Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc tại xã Tiên Cảnh, Tiên Phước – nơi cụ sinh ra và lớn lên được nhân dân địa phương và gia đình gìn giữ bảo vệ. Ngôi nhà đã được Bộ VHTT xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc; các tư liệu, hiện vật liên quan đến cụ Huỳnh luôn được ngành chức năng ở địa phương quan tâm sưu tầm bổ sung hàng năm và là nơi đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phục vụ nhiều người trong và ngoài nước đến viếng, tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, thân thế sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Đã gần 70 năm kể từ ngày Cụ Huỳnh ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng lớp con cháu, người đồng hương của Cụ, cũng như với nhân dân Việt nam Cụ luôn gần gũi thân thiết. Cụ lấy bút danh là Mính Viên, người ở vườn chè. Hôm nay chúng ta như thấy nơi những vườn chè quê hương mình bóng dáng cụ. Dù là người ở vườn chè, là ông già Tiếng Dân ở Huế, là Huỳnh Bộ trưởng, là Quyền Chủ tịch nước khi ở Hà Nội với những người dân Tiên Phước hôm nay hình ảnh Cụ luôn khắc ghi trong tâm khảm. Đó là một con người thông tuệ và hiếu học, cương trực không hề cúi đầu trước bạo quyền, hết lòng vì nước vì dân, không hề nghĩ đến một chút riêng tư. Cụ là niềm tự hào của mỗi người dân Tiên Phước nói riêng, Việt Nam nói chung. Bởi ở Cụ Huỳnh đã thể hiện những tinh hoa bản sắc của con người Việt Nam, con người Quảng Nam.
Tưởng nhớ nhà yêu nước kiệt xuất, người tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân, trên quê hương cụ Huỳnh hôm nay nhiều ngôi trường, con đường mang tên, hiệu của cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong đó có Trường Tiểu học Mính Viên xã Tiên Cảnh để nhắc nhớ, giáo dục cho thế hệ trẻ về một tấm gương, một nhân cách vĩ đại của bậc tiền bối kỳ tài Huỳnh Thúc Kháng.
Ghi nhận, tri ân những công lao to lớn của cụ đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, theo nguyện vọng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam ngày 27/12/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước giành cho cụ Huỳnh. Cụ chính là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung, của đồng bào Quảng Nam, của nhân dân Tiên Phước nói riêng. Noi gương cụ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Phước nguyện đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt nam, con người Quảng Nam, nêu cao ý chí độc lập tự chủ tự lực tự cường nắm chắc thời cơ, vượt lên mọi khó khăn thử thách làm cho mỗi xóm thôn, mỗi con người trên mảnh đất mà Cụ Huỳnh vô cùng yêu quý gắn bó đều đổi thay nhanh chóng, phát triển mạnh mẽ như lòng mong mỏi của Cụ lúc sinh thời.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, 1932- 1939, Đại Nam thực lục phụ biên đệ thất kỷ
3. Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, Anh Minh xuất bản, Huế, 1961
4. Ths Nguyễn Tiến- Những dấu ấn trên quê hương Tiên Phước gắn với tuổi thơ Huỳnh Hanh…Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng – NXB Chính trị quốc gia 2012
5. Huỳnh Thúc Khánh niên phổ Anh Minh dịch và xuất bản – Huế, 1963
6. Lời kể của Nguyễn Q Thắng
7. Đồng Khánh địa dư chí, bản PDF trang 1472
8. Huỳnh Thúc Kháng niên phổ - sđd.
9. Ba người nổi tiếng hay chữ là Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí cáp và Phạm Liệu người đời gọi là Tam Hùng
10. Huỳnh Thúc Kháng đỗ Hội nguyên trong kỳ thi Hội và đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ cùng với Trần Quý Cáp (Quảng Nam), Hoàng Kiêm (Nghệ An) và Hồ Sĩ Tạo (Bình Định) trong kỳ thi Đình năm Giáp Thìn (1904).
13. Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX" do PGS.TS Ngô Văn Minh biên soạn, được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành.
14. Cụ Huỳnh Thúc Kháng và chủ trương tân học, thực học – Nguyễn Đình An
Hường Văn Minh - CT UBND Huyện Tiên Phước