Cụ bà 85 tuổi nhịn ăn dành tiền cho cháu đi học
“Sau này, khi bà nội mất rồi, em không biết sẽ sống với ai?” - Đó là lời tâm sự tự đáy lòng của em Nguyễn Dương Tấn Mịch với PV báo ĐS&PL về gia đình và hoàn cảnh éo le của mình.
Mẹ bỏ đi, bố lấy vợ hai
Năm nay Nguyễn Dương Tấn Mịch (18 tuổi, trú xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đang học lớp 12 trường THPT Phan Châu Trinh (huyện Tiên Phước). Theo lời bà nội Mịch kể lại, khoảng năm 2004, bố mẹ Mịch từ địa phương khác lên huyện Phước Sơn để làm ăn. Được một thời gian, vì kinh tế khó khăn và chuyện gia đình nên mẹ Mịch bỏ hai bố con Mịch ra đi.
Từ đó đến nay, mẹ Mịch chưa một lần về thăm con. Sống trong cảnh "gà trống nuôi con", cộng với việc buồn chán vì vợ bỏ đi, bố Mịch cũng đi lấy vợ khác, để lại Mịch lúc này mới đang học lớp 2. Thấy đứa cháu bơ vơ không cha, không mẹ chăm sóc, bà nội đưa Mịch về nuôi.
Từ đó tới nay, Mịch lớn lên trong vòng tay bao bọc của bà nội, hiện đã 85 tuổi ở thôn Trung An, xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Khi chúng tôi tới nhà, Mịch đang loay hoay phát cỏ ở mấy gốc chè phía sau nhà. Đó cũng là nguồn thu duy nhất của hai bà cháu Mịch bấy lâu nay.
Bữa cơm đạm bạc của hai bà cháu Mịch.
Trao đổi với PV, Mịch cho biết, bà nội tuổi đã cao, sức yếu, không lao động được nên cũng không trồng thêm được gì, chỉ có mấy gốc chè và hai con gà mái. Mà chè thì phải hái ngọn, phơi héo và bán lẻ cho người ta với giá 30 ngàn đồng/kg, nên mỗi tuần, bà gửi cho Mịch tiền trọ, tiền ăn khoảng 70 đến 80 ngàn đồng, tuần nào nhiều thì 100 ngàn đồng.
Để có được số tiền ấy, bà của Mịch đã phải nhịn ăn, không dám mua thuốc uống, dù mắt vẫn còn đau vì mới phẫu thuật vào mùa hè năm ngoái. “Chủ nhật được nghỉ học, em lại đạp xe mười mấy cây số về nhà với bà và đi hái củi, bắt ốc, để bán kiếm thêm thu nhập, lấy tiền đi học.Hè vừa rồi em cũng ra Đà Nẵng làm phục vụ ở quán nhậu để có tiền mua thêm sách vở, áo quần vào năm học mới cùng với các bạn”, Mịch tâm sự.
Nghe em nói mà PV thấy nhói đau, đáng lẽ ở tuổi em phải được sự chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ của bố mẹ, nhưng đã hơn 10 năm qua, Mịch không biết tin tức gì về cha mẹ mình.
Tuy đã học lớp 12 nhưng Mịch gầy và nhỏ hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Phải chăng vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền và sống thiếu tình yêu thương của bố mẹ nên em mới già trước tuổi như vậy? Từ năm 2011, cuộc sống của hai bà cháu Mịch cũng đã đỡ cơ cực hơn khi chính quyền địa phương xây tặng một ngôi nhà tình thương thay cho ngôi nhà tranh vách đất xiêu vẹo, dột nát. Nhìn quanh nhà, chúng tôi không thấy có vật dụng nào giá trị, ngoài cái bàn học sinh kiêm luôn bàn tiếp khách.
Tận mắt chứng kiến bữa ăn trưa của hai bà cháu, chúng tôi chỉ biết quay đi, giấu tiếng thở dài. Một nồi cơm nhỏ cùng với một con cá cũng nhỏ bắt ở dưới suối từ mấy hôm trước, được kho mặn để hai bà cháu ăn dần.
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, Mịch chia sẻ rất nhiều điều. Chúng tôi hỏi em có trách hay giận bố mẹ vì đã sớm bỏ rơi em như vậy không? Mịch im lặng. Nhìn đôi mắt ngấn lệ của em, chúng tôi thấy nao lòng.
Mịch nói buồn lắm, khi dịp Tết hay dịp lễ, bạn bè có bố mẹ thì được mua sắm áo quần, được đi chơi, anh em sum họp, vui vầy, còn em thì chỉ biết ở với bà, và cũng không có tiền để mua sắm hay đón Tết như người ta. Bạn bè có bố mẹ thì được đưa đón khi lên thị trấn học, cuối tuần được đón về, còn Mịch thì phải tự đạp xe một mình cả quãng đường dài mười mấy cây số để về nhà.
Ước mơ khiến người đời rơi lệ
Nhìn góc học tập, chúng tôi mới thấy nể phục tinh thần hiếu học của em. Cái bàn để học được ghép từ mấy thanh tre và mảnh ván. Nhưng trên bức tường xi-măng còn loang lổ là vô số những giấy khen học sinh khá, giỏi, giấy chứng nhận cháu ngoan Bác Hồ... Ở trường, các thầy cô và bạn bè ai cũng nói Mịch ngoan hiền và sống hòa đồng, chịu khó vươn lên trong học tập nên ai cũng quý mến.
Mịch chia sẻ: “Sau này em muốn trở thành một kỹ sư máy tính hoặc một giáo viên... Nhưng em sợ không biết lấy tiền ở đâu để đi học. Có thể em sẽ phải nghỉ học để kiếm tiền, rồi sau này vừa học, vừa làm. Bà nội em giờ đã quá già, bà sống với em là vui rồi, bệnh tật của bà như thế thì không biết mất lúc nào và nếu sau này bà mất đi, em cũng không biết ở với ai nữa...”.
Nói về cha mẹ mình, Mịch tâm sự: "Sau này, nếu có điều kiện em sẽ đi tìm bố mẹ”. Câu nói của Mịch khiến chúng tôi ứa nước mắt. Giờ phút ấy, chúng tôi ước có một chữ “giá như” đối với cậu bé. Nhìn tấm lưng còng với dáng đi lọm khọm của bà Mịch thật tội nghiệp. Từng ấy năm qua, bà của Mịch đã phải nhịn ăn, nhịn uống để dành tiền cho cháu trai đi học.
Góc học tập của Mịch
Trao đổi với chúng tôi, bà nội Mịch nghẹn ngào nói: "Ngày qua ngày, dù vô vọng nhưng tôi vẫn ngóng tin của ba mẹ cháu Mịch. Tôi lo cho Mịch vì biết mình đã gần đất xa trời, tôi có thể ra đi bất cứ lúc nào và lúc đó, cháu tôi sẽ sống ra sao?".
Tâm sự với PV, cô Lâm Thị Thùy Dương, giáo viên chủ nhiệm của em Mịch cho hay, Mịch là học sinh chăm ngoan, ở lớp được bạn bè quý mến, thầy cô ai cũng thương, động viên em học tập thật tốt. Theo cô Dương, em Mịch nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu học sinh khá, rất năng nổ, nhiệt tình trong phong trào của trường lớp.
Tạm biệt hai bà cháu Mịch, chúng tôi ra về mà lòng nặng trĩu những suy tư. Cần lắm những vòng tay, sự quan tâm giúp đỡ của tất cả mọi người để em Mịch đứng vững trong cuộc đời và có cơ hội thực hiện ước mơ của mình.
Mọi sự cưu mang, giúp đỡ, hỗ trợ, san sẻ yêu thương xin được gửi về em: Nguyễn Dương Tấn Mịch, lớp 12/9 – trường THPT Phan Châu Trinh – Tiên Phước – Quảng Nam. (Hoặc qua số điện thoại di động 0913.838.355 của cô giáo Lâm Thị Thùy Dương, giáo viên chủ nhiệm của em Mịch).
Đây là trường hợp đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết: "Em Nguyễn Dương Tấn Mịch là một trong những trường hợp đặc biệt khó khăn, cần được giúp đỡ của xã Tiên Hà. Hiện nay, gia cảnh của hai bà cháu Mịch quả thực rất khó khăn nên rất cần được sự quan tâm, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức để cuộc sống của bà cháu đỡ khổ, để em Mịch có thể tiếp tục được đi học, sau này có việc làm để có thể tự nuôi sống bản thân”. |
Bắc Kỳ - Báo Đời Sống & Pháp Luật