www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cậu bé mồ côi đã vào giảng đường Đại học

Mồ côi cha lúc 2 tuổi, cuối năm học lớp 6 thì mẹ cũng bỏ em mà đi, sống thui thủi một mình từ đó nhưng bằng nghị lực phi thường, em đã vượt qua những nghịch cảnh, thách thức cuộc sống để trở thành sinh viên Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Chàng trai giàu nghị lực ấy là Nguyễn Văn Ý (trú thôn 5, xã Tiên Cảnh, H. Tiên Phước, Quảng Nam). 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đông - Trưởng Phòng Công tác SV Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng lưu ý với các nhà báo đến dự lễ khai giảng năm học của Trường: "Trường hợp SV Nguyễn Văn Ý là địa chỉ mà anh em chúng tôi đã dành sự quan tâm đặc biệt suốt mấy tháng qua, mong các cơ quan báo chí chia sẻ, giúp đỡ để em có thể học hết 4 năm, trở thành kỹ sư chế tạo máy".

Nguyễn Văn Ý rất bất ngờ và xúc động đón nhận suất học bổng của Cty CP Thương mại Vạn Xuân.

Phải đậu đại học vì mẹ

"Bằng mọi giá, em phải vào đại học. Vì lúc còn sống, mẹ nói với em rằng, ước ao lớn nhất của mẹ là em trở thành một kỹ sư. Mẹ nói 2 chữ kỹ sư thiêng liêng lắm, đó là người giỏi, người tài. Ở cái xó núi này hay ở đâu, kỹ sư cũng là nhất, là người mà ai cũng tôn trọng, nể nang", Ý tâm sự. Để khẳng định quyết tâm đó, địa chỉ email của Ý là phaidaudaihoc010197@....

Ý kể, em không biết ba của mình là ai, chỉ biết khi lên 2 tuổi thì ba đã qua đời. Ý ở với mẹ và người mẹ cơ cực này cũng chỉ ở với Ý cho đến năm em học hết lớp 6. Từ lớp 7 cho đến năm cuối bậc THPT, Ý thui thủi sống một mình vì bà con họ hàng đều nghèo và ở xa. 

Xét hoàn cảnh đơn côi đáng thương của Ý, UBND xã Tiên Cảnh xin cấp trên trợ cấp cho em mỗi tháng gần 200.000 đồng. Ý tiện tặn ngay số tiền này khi chưa tìm được việc làm để sống qua ngày. Cơ cực và lắm điều tủi thân, nghịch cảnh lại vây quanh song cậu bé Ý đã đi hết chặng đường 2 năm còn lại của bậc THCS, rồi thêm 3 năm của bậc THPT. Chỉ có nghị lực và quyết tâm đến cùng "phải vào đại học, phải là  kỹ sư" như mong ước cả đời mẹ là luôn ở bên cạnh Ý...

Giờ thì Ý đã là sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy của Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Nguyễn Văn Ý đến Trường ĐH Bách Khoa khai giảng năm học mới bằng chiếc xe đạp mượn của bạn. 

Mồ côi tội lắm ai ơi!

"Ba mất sớm rồi mẹ cũng ra đi khi em chưa trưởng thành. Lúc đó, em cứ nghĩ đời mình thế là hết, một thằng bé mồ côi lại ở trên núi thì không có hy vọng gì tiến triển bằng mọi người. Nhưng khi nghĩ về ước mơ của mẹ, em lại thấy nguồn động lực ấy thôi thúc mình mạnh mẽ vô cùng. Đó cũng là động lực để em lội bộ cả chục cây số đến trường mỗi ngày...", Ý nhớ về quá khứ bằng ánh mắt đượm buồn.

* Đến trường Đại học Bách khoa dự Lễ khai giảng và trao học bổng, nghe chúng tôi nhắc nhiều về Ý, chị Thanh Thanh - Trưởng Phòng Marketing CTCP Thương mại Vạn Xuân (Vantech) đã xin ý kiến lãnh đạo và quyết định trao 1 suất học bổng đặc biệt trị giá 10 triệu đồng dành cho Ý. Chị Đinh Thị Thu Hà, Tổng giám đốc  Vantech sau khi tìm hiểu thêm về Ý còn quyết định tặng thêm cho em 1 chiếc xe đạp loại tốt và nhận em vào làm thêm ở Chi nhánh Cty tại Đà Nẵng.  

Nhớ lại những ngày cơ cực để có tiền sinh sống tự lập, Ý kể từ năm lớp 10, em xin đi làm hương ở một cơ sở sản xuất trong xã. Lúc cơ sở này hết việc, Ý cùng các anh, các chú trong thôn lên rừng đốn củi khô đem về bán. Ngoài giờ học và đi làm, Ý trồng thêm trên mấy sào đất của mẹ để lại nhiều rau xanh để cắt đem xuống chợ bán. Ý khoe: "Có tháng nỗ lực hết mình, em kiếm được nhiều lắm, đến hơn 1 triệu"...

Thương cậu học sinh cơ cực nhưng hiền lành, hiếu thảo và sáng dạ, học giỏi (thành tích học tập từ bậc học THCS đến THPT đều là khá, giỏi), nhiều anh chị em lớp trên cứ kết thúc năm học là tặng lại Ý bộ sách giáo khoa của mình. 3 tháng hè, ngoài giờ làm lụng mưu sinh, Ý đọc trước sách giáo khoa của năm học đến và tự học để đến khi vào năm học chính em dành thời gian cho việc nâng cao.     

Mùa thi 2015 vừa qua, Ý dành dụm được 400 ngàn đồng để đón xe ra Đà Nẵng dự thi (cụm thi số 27 do Đại học Đà Nẵng chủ trì). "Số tiền này em để dành khi làm thêm ở quán nhậu, quán ăn. Thời gian ôn thi em tập trung rất cao độ, nên không có thời gian đi làm hương, đi mót củi khô", Ý chia sẻ. Những ngày ôn tập, phụ đạo cuối cấp chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, Ý vẫn giữ nề nếp bao năm qua: Dậy sớm học bài, hâm cơm nguội hay bắc nồi nhóm củi nấu nước chế mì ăn liền...

Dù côi cút nhưng với đôi chân cứng cáp, mang đầy nghị lực hướng về ngày mai, Ý ngày ngày bền bỉ lội cả chục cây số để đến trường, để thực hiện ước mơ vào đại học. Có câu "làm bạn cùng đèn sách, dùi mài kinh sử" ngỡ chỉ còn trong truyện cổ tích, song với Ý đó lại là câu chuyện có thật. 

Xin kết câu chuyện về Ý bằng lời tâm sự đầy nghị lực của em: "Chặng đường phía trước với em còn nhiều khó khăn và thử thách. Chưa biết em có đủ điều kiện để đi hết 4 năm đại học hay không, nhưng em xin hứa với vong linh mẹ, với các cô chú đã giúp đỡ em, đứa con Nguyễn Văn Ý của mẹ sẽ không bao giờ bỏ học nửa chừng".

                                                                Trần Ngọc - Báo CA Đà Nẵng

Cậu bé mồ côi tằn tiện 400.000 đồng đi thi đã đỗ đại học

Nam sinh tằn tiện 400.000 đồng đi thi được giúp đỡ 2.5 triệu đồng

Dệt ước mơ bằng nghị lực

Mơ ước của cậu học trò nghèo mồ côi