Cẩm Đông với phong trào trồng cỏ nuôi bò
Đến thôn Cẩm Đông, Tiên Cẩm (Tiên Phước) hình ảnh bắt gặp đầu tiên là những đàn bò, nơi đây hầu như nhà nào cũng chăn nuôi bò, ít một vài con nhiều hàng chục con. Nuôi bò mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con nông dân ở miền quê bán sơn địa này.
Tuy nằm cách trung tâm xã Tiên Cẩm chưa đầy 6 km, nhưng trước đây đến được thôn Cẩm Đông phải men theo con đường độc đạo nằm chênh vênh với một bên đường bám vào sườn núi, bên còn lại là vực sâu hun hút. Do đường sá không thuận lợi nên việc sinh hoạt, giao thương của người dân với bên ngoài gặp khá nhiều cách trở.
Năm 2014, huyện Tiên Phước đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng để mở rộng tuyến đường dài hơn 2 km nối từ chân đèo Eo Gió đi về trung tâm thôn. Với địa hình triền đồi tương đối cao được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi, người dân Cẩm Đông sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu. Trong đó, chăn nuôi bò được xem là nghề chính của người dân và nó mang lại nguồn thu nhập tương đối cao.
Theo chân anh cán bộ nông dân xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Viết Lộc, khi anh đang tiến hành xăm chân cho hơn 5 sào cỏ voi, nguồn thức ăn chính trong việc chăn nuôi bò. Trước đây, gia đình anh thuộc diện khó khăn trong thôn nhưng nhờ nuôi bò lai sind nên đã thoát nghèo và có điều kiện cho hai con ăn học. Anh Lộc tâm sự: “Những năm về trước, do điều kiện khó khăn nên tôi nhận bò của người ta về nuôi rẻ và sau khi tích góp được ít vốn đã chuyển sang mua bò giống về nuôi nên hiệu quả khá cao. Việc nuôi bò rất đơn giản, nếu có con giống thì chi phí bỏ ra không nhiều chỉ cần trồng cỏ và tận dụng nguồn rơm rạ là có thể nuôi được. Gia đình tôi thoát được nghèo, có điều kiện lo cho 2 đứa con ăn học cũng chủ yếu dựa vào những con bò”.
Anh Lộc chia sẻ thêm, mới đây vợ chồng anh mới vừa bán hai con bò thịt được gần 30 triệu đồng để lấy tiền xây chuồng nuôi và thuê máy cày về xới đất trồng cỏ. Hiện gia đình còn 5 con bò lai sind đang trong độ trưởng thành, ước tính trị giá cũng gần trăm triệu đồng.
Ở thôn Cẩm Đông phong trào trồng cỏ chăn nuôi bò phát triển khá mạnh, không riêng gia đình anh Lê Viết Lộc thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò mà nhiều hộ gia đình cũng khấm khá lên nhờ vào những con bò. Trong đó, gia đình chị Lê Thị Nguyệt là một ví dụ điển hình. Trước đây, gia đình chị Nguyệt đầu tư chăn nuôi heo, nhưng giá cả thị trường biến động cùng với dịch bệnh nên thua lỗ liên tục. Năm 2005, chị bàn tính với chồng chuyển sang đầu tư trồng cỏ nuôi bò lai sind và từ một con giống ban đầu đến nay đàn bò đã trên 15 con.
Trung bình mỗi năm gia đình thu về gần 80 triệu đồng. Nhờ vào đàn bò mà gia đình có cuộc sống ổn định, 3 người con ăn học đến nơi đến chốn. Chị Nguyệt cho biết: “So với việc chăn nuôi heo, gà thì nuôi bò lai sind hiệu quả hơn rất nhiều do không tốn chi phí thức ăn (chủ yếu trồng cỏ và sử dụng phân bò để bón cỏ), ít bỏ công sức chăm sóc, có thể tranh thủ thời gian rãnh rỗi làm những công việc đồng án. Nuôi bò không chỉ tỷ lệ dịch bệnh thấp mà giá cả đầu ra cũng khá cao và ổn định. Từ một con bò giống sẵn có nếu được chăm sóc tốt sau một năm có thể thu về từ 13 – 15 triệu đồng”.
Nhờ chăn nuôi bò mà nhiều hộ dân ở thôn Cẩm Đông, Tiên Cẩm thoát được nghèo, vươn lên trong cuộc sống
Nhiều năm nay, thị trường đầu ra rất thuận lợi, giá ổn định, thương lái tìm đến tận nơi để mua bò thịt, bò giống với giá cả hợp lý. Ông Phan Văn Hoa – Trưởng thôn Cẩm Đông cho biết: “Những năm gần đây nhờ giá bò thịt, bò giống tương đối cao và ít biến động nên người dân đầu tư nuôi bò với quy mô lớn. Có nhiều gia đình thoát nghèo và trở nên khấm khá cũng nhờ vào đàn bò. Như gia đình tôi giờ chỉ còn hai vợ chồng và đứa con út nhưng vẫn nuôi được 15 con bò. Trong 10 ha đất rừng sẵn có, tôi bỏ trống 4 ha để phát triển cỏ chăn nuôi bò, 6 ha còn lại gia đình trồng keo lai và khi cây keo lớn lên tôi cũng đưa bò vào đó ăn cỏ. Đối với các hộ dân đất đai hạn chế thì người ta tận dụng hành lang hai bên đường đi, các khe mương, bờ suối để trồng cỏ nuôi bò. Cỏ voi là loại rất dễ trồng nếu chăm sóc tốt thì cứ giáp một tháng có thể cắt cho bò ăn một lần”.
Ở Cẩm Đông không chỉ gia đình anh Lộc, chị Nguyệt, ông Hoa nuôi bò với số lượng lớn mà các hộ khác như; Nguyễn Văn Ngọ, Võ Kim Liễu, Hường Văn Tuấn, Hường Minh Hoàng… mỗi hộ cũng nuôi gần 10 con bò. Trung bình hằng năm những hộ này thu về năm, bảy chục triệu đồng. Đây là khoảng tiền tương đối lớn đối với người nông dân ở miền quê bán sơn địa.
Tuy chăn nuôi bò ở Cẩm Đông phát triển rất mạnh, nhưng nhìn chung người dân vẫn còn chăn thả theo lối truyền thống nên dịch bệnh có thể phát sinh bất cứ lúc nào, gây thiệt hại cho người nuôi. Để hạn chế tình trạng trên, địa phương Tiên Cẩm phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến và giống, thú y, kết hợp sử dụng thức ăn xanh với thức ăn tinh, khô.
Ông Võ Khánh – Chủ tịch Hội nông dân xã Tiên Cẩm cho biết: “Thấy rõ hiệu quả chăn nuôi bò, nhiều năm qua địa phương Tiên Cẩm cũng như huyện Tiên Phước có nhiều chính sách đầu tư khuyến khích phát triển chăn nuôi bò lai sind; trong đó hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, hỗ trợ tinh để sind hóa đàn bò. Nhiều tổ chức, đoàn thể đưa vào chương trình giảm nghèo bằng cách đầu tư bò để hộ nghèo nuôi nên có điều kiện phát triển.
Cùng với đó địa phương phối hợp với các phòng, ban liên quan mở các lớp tập huấn giúp người dân năm bắt kỹ thuật về chăn nuôi và phòng bệnh cho đàn bò đạt hiệu quả cao nhất. Cẩm Đông được xem là nơi chăn nuôi bò với số lượng lớn nên xã khuyến khích các hộ có khả năng lập gia trại, trang trại chăn nuôi lớn để tạo thương hiệu trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân”.