www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cần tiên liệu thị trường

Chuyện các nhà vườn Tiên Phước ấp ủ hy vọng làm giàu từ việc đầu tư trồng các loại cây ăn quả đặc sản như lòn bon, sầu riêng, chuối, bưởi da xanh, thanh trà… đã phần nào thực chứng nhiều năm qua.

 Gần đây, nông dân xứ Tiên nhận thấy cây măng cụt cho hiệu quả nên dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng loại cây này. Thông tin trên báo chí cho hay hiện tại Tiên Phước đã có 150ha măng cụt, trong đó 50ha đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập khoảng 30 tỷ đồng vào năm 2020. Tiên Mỹ là xã trọng điểm của Tiên Phước về phát triển cây măng cụt, hiện có hơn 45ha. Địa phương này đã xây dựng dự án phát triển cây măng cụt giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu đến năm 2025 đạt diện tích 150ha, trở thành xã trọng điểm phát triển cây măng cụt của huyện. Tiên Phước cũng dự kiến đưa  diện tích trồng măng cụt trên toàn huyện đạt 500ha vào năm 2025 và hơn 1.000ha vào năm 2030.

Có lẽ không đáng lo lắm về mặt thích nghi thổ nhưỡng khi chọn cây măng cụt làm hướng đột phá cho việc phát triển cây ăn quả ở vùng trung du miền núi. Bởi theo khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, các huyện Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước (trừ phía tây nam), Đông Giang (trừ vùng phía bắc và các xã vùng cao), phía đông các huyện Nam Giang, Bắc Trà My, các xã phía tây các huyện Quế Sơn, Phú Ninh, Đại Lộc, là các địa phương có thổ nhưỡng thích hợp trồng cây măng cụt. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu một số huyện vùng trung du xây dựng, triển khai trồng thí điểm cây măng cụt nhằm phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập người dân.

Điều đáng quan tâm hơn là lời giải bài toán thị trường. Các địa phương dự định phát triển diện tích lớn trồng cây măng cụt cần phải tiên liệu đầu ra một cách bài bản, căn cơ hơn chứ không nên nói chung chung là “có thị trường tiềm năng”. Chúng ta biết rằng để cây măng cụt cho quả phải mất thời gian dài gần 10 năm, nên đầu tư trồng với diện tích lớn để có sản lượng lớn thì cần xây dựng đồng bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đồng thời xác lập tiêu chuẩn, thương hiệu thì mới bền vững. 

Theo một báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT, diện tích trồng cây măng cụt tại miền Nam khoảng 7.230ha, tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai và Bình Dương (mỗi tỉnh có hơn 1.000 ha). Măng cụt là loại quả nhiệt đới ngon, được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây” nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn và đang có thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thương hiệu măng cụt Việt Nam vẫn bị cạnh tranh rất lớn, nhất là với măng cụt Thái Lan. Có thời điểm ngay tại thị trường nội địa, măng cụt Thái Lan tràn ngập các chợ. Còn ở thị trường xuất khẩu, hiện Trung Quốc vẫn là nơi tiêu thụ chính, cung cấp sản lượng lớn măng cụt cho Trung Quốc đứng đầu vẫn là Thái Lan, tiếp đến là Indonesia, Việt Nam, Malaysia…

Hiện tại có chín loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt. Tuy vậy, sản phẩm đã thành thương hiệu như “măng cụt Lái Thiêu” có lúc cũng liêu xiêu khi tìm đường xuất qua Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc có sự “ấm lạnh” khó lường. Bằng chứng rõ nhất như mới đây nước này ra lệnh cấm nhập dứa Đài Loan, khiến người Đài phải mở chiến dịch “thử thách quả dứa”, kêu gọi các doanh nghiệp lớn góp phần giải cứu tiêu thụ “quả dứa tự do”. Trong mấy năm qua Việt Nam cũng lo mở rộng thị trường nông sản trái cây sang châu Âu và Mỹ để bớt phụ thuộc, song hướng đi cho măng cụt chưa rõ triển vọng tới đâu.

Nên nhớ bài toán thị trường vẫn là thử thách của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Điệp khúc “được mùa mất giá” và nhiều lần thị trường Trung Quốc “úp sọt” nông sản là điều cần tính phòng xa.

Đăng Quang - Báo Quảng Nam