Cần cơ cấu hợp lý cây trồng lâm nghiệp
Sau bão số 9, nhiều vùng trung du lẫn miền núi, rừng keo trồng của nhân dân bị thiệt hại nặng, đòi hỏi ngành lâm nghiệp kịp thời cơ cấu lại vùng quy hoạch cây trồng hợp lý.
Thiệt hại nặng
Ông Lê Văn Tiến (thôn 3, xã Tiên Phong, Tiên Phước) đầu tư hơn 400 triệu đồng thuê nhân công trồng, chăm sóc rừng keo giâm hom có diện tích 26ha hơn 3 năm tuổi. Cơn bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề, nhiều cây keo bị gãy đổ, bật gốc. Do cây có đường kính còn nhỏ nên 2 tuần nay vẫn không có người đến hỏi mua bán lại cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. Nếu không gặp gió bão, số keo này chừng 1,5 năm nữa đến tuổi khai thác sẽ cho doanh thu khoảng 2 tỷ đồng.
Ông Tiến nói: “Gió bão gây thiệt hại phần lớn rừng keo trên địa bàn xã. Với những cây 1 - 2 năm tuổi, chỉ còn cách để cho khô đốt rồi trồng lại; còn loại cây lớn hơn 3 năm tuổi có thể tận dụng khai thác bán được nhưng do núi sạt lở, không có đường vận chuyển nên bỏ ngổn ngang. Nhìn rừng keo xác xơ đổ gãy mà xót xa”.
Theo thống kê ban đầu của xã Tiên Phong, địa phương có hàng trăm héc ta keo trong giai đoạn sinh trưởng từ 2 - 5 năm tuổi bị hư hại. Tại nhiều xã như Tiên Thọ, Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Sơn, Tiên Lãnh (Tiên Phước), không ít rừng trồng gỗ lớn cũng bị đổ gãy hoặc bật gốc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước – Nguyễn Hùng Anh cho biết, thiệt hại về nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn rất lớn. Qua báo cáo sơ bộ của 15 xã, thị trấn, có hơn 70% diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế trên địa bàn huyện bị hư hại, cây bị trốc gốc, ngã đổ với diện tích 2.000ha. Ngoài ra, địa phương còn bị thiệt hại 600ha cây trồng lâu năm và hơn 10.000ha rừng keo nguyên liệu.
Hữu Phúc - Báo Quảng Nam