www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cảm thức ngõ đá

 Mời bạn một lần đặt chân đến mảnh đất Tiên Phước (Quảng Nam) để chiêm ngưỡng  những ngõ đá của một miền trung du. Trải qua năm tháng, ngõ đá ở đây được xem như là một biểu trưng văn hóa và cái hồn của làng quê yên ả, thanh bình “xứ Tiên”. Đá được sử dụng lát đường đi, đá làm hàng rào giữ đất bao quanh nhà, đá được sắp thành các bờ tường thẳng tắp...; đá hiện diện khắp nơi trong cuộc sống người dân nơi này. Những phiến đá, thớ đá của các ngõ đá “im lìm ngủ”, vững chãi qua năm tháng, nắng mưa dưới bóng quế, giữa hàng chè tàu tươi đậm hay ngoằn ngoèo bên những vườn bòn bon, thanh trà... trĩu nặng quả mỗi khi mùa về.

Thanh thản bước lên từng bậc đá rêu phong, thẳng thớm, mát rượi như trải thảm dưới chân để cảm nhận “vỉa” trầm tích văn hóa cội nguồn của người dân miền núi nơi đây và thôi thúc cho ta ý niệm cần bảo lưu những nét văn hóa ấy. Còn đối với người dân Tiên Phước thì ngõ đá là những phiến ký ức tuổi thơ, nơi nhẵn mòn dấu gót bàn tay của cha ông xây tạc, nơi lưu giữ về một thời quá khứ...

Ngõ đá của “xứ Tiên” mang đậm cốt cách, tâm hồn, thẩm mỹ của con người nơi đây. Ngõ đá phảng phất nét cổ làm dáng, làm duyên thêm cho khuôn mặt của làng quê, mặc dù bây giờ nơi đây không gian mỗi ngày một xích lại gần với kiến trúc hiện đại. Đẹp hơn cả là những ngõ đá kết hợp với nhà cổ ở làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh. Đá ở đây là loại đá phong vuông vức một cách tự nhiên được những người “nghệ nhân” nông dân cất công lựa chọn, bỏ sức chăm chút cho từng viên đá khi xếp làm ngõ hay bờ tường xung quanh nhà.

Họ bảo khi lập vườn, dựng nhà có thể còn sơ sài, nhưng ngõ đá luôn  được ưu tiên chăm chút. Mỗi ngõ đá có một dáng hình khác nhau tùy theo tính cách, tâm hồn, thẩm mỹ của từng chủ nhà hay cũng tùy thuộc vào địa hình của khu vườn, ngôi nhà, thế núi mà ngõ đá có thể thẳng tắp, uốn lượn, hoặc gấp khúc cho phù hợp.

Ngõ đá dắt ta lên những ngôi nhà cổ hay đưa ta vào những nếp nhà đơn sơ. Nơi đó, ta sẽ gặp những con người hiếu khách, hiền hòa, chân chất. Ngõ đá cũng gợi cho ta nhớ cái buổi bình minh trong lịch sử “Cha đi mở đất, mẹ mang sinh thành”.

Ngõ đá gọi ngược ta về thuở tổ tiên đặt viên đá đầu tiên xây bậc cấp, để đời sau nối tiếp lại đời sau, gót nay chồng lên gót trước. Này gót mẹ, gót cha. Đây gót tình, gót nghĩa... và ngõ đá rủ rê ta trở lại cái tuổi trẻ trâu của buổi hẹn hò xa khuất, ngu ngơ... Với người dân Tiên Phước, ngõ đá từ bao đời nay đã trở thành nỗi nhớ, niềm yêu, niềm tự hào của họ về quê hương xứ sở dù vẫn còn đó cuộc sống nghèo khó, lam lũ:

Có duyên lấy đặng chồng nguồn

Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui.

Và mỗi khi đọc lên câu thơ:  Lộc Yên ngõ đá nên thơ/Rêu phong, nhà cổ, bạc màu thời gian, tôi lại liên tưởng đến cái thiên nhiên cô đơn, tĩnh mịch trong tiểu thuyết “Xứ tuyết” của Yasunari Kawabata, được cảm nhận dưới vẻ đẹp cổ sơ mang cảm thức thời gian (Vẻ đẹp Sabi). Và tôi tìm thấy ở ngõ đá có cả cái cảm thức của thời gian ấy.

                                                           Lê Thạch Thi - Báo CA Đà Nẵng