www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Bên dòng sông Tiên

Là con sông duy nhất ở Quảng Nam không xuôi dòng về biển, sông Tiên khởi nguồn từ phía Đông, dùng dằng vương vấn chảy ngược về tây, đi qua các làng xã, núi đồi của miền quê trung du Tiên Phước rồi mới nhập vào thượng nguồn sông mẹ Thu Bồn, xuôi về biển cả. Tự bao giờ, sông Tiên trở thành biểu tượng gắn với hình ảnh đất và người Tiên Phước…Bao thăng trầm lịch sử nơi này gắn với sông Tiên…

  Từ trong tiềm thức, mỗi người dân Tiên Phước đều tự hào về dòng sông chảy ngược của quê mình…Dòng sông cho phù sa, cho nước tưới, cho cuộc sống, cho cả tên gọi của các làng xã trải dọc đôi bờ, được bắt đầu bằng chính tên sông: Tiên An, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Hà.

 Lần trong lau lách thời gian, vùng đất bên dòng sông Tiên vẫn còn cất giữ bao ký ức, bao kỳ tích, huyền sử… Tại vùng Gò Quảng ở hữu ngạn sông Tiên, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích của nền văn hoá Sa Huỳnh, với một số mộ chum và các đồ tuỳ táng, những đồ trang sức. Hoa văn trên các đồ gốm chủ yếu là những đường chấm hay đường in dấu vỏ sò, khắc vạch sóng nước, hình tam giác…Kết quả khảo cổ này cho thấy, vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt của nước ta, đồng thời với văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc, ở miền Trung cũng tồn tại một nền văn hoá cổ nổi tiếng – văn hoá Sa Huỳnh. Ở vùng đất Quảng Nam, văn hoá Sa Huỳnh phân bố từ vùng đồng bằng ven biển lên đến miền núi, trong đó, Tiên Phước là huyện miền núi đầu tiên phát hiện được di tích văn hoá này… 

Trải qua bao dâu bể, người Việt đã sớm có mặt nơi này, dựng làng, lập ấp. Trên con đường mở cõi về phương Nam, dọc đôi bờ sông Tiên đã hình thành làng xã, dân cư ngày một đông đúc. Việc xây dựng, bảo vệ làng xã quê hương đã trở thành luật tục, truyền thống đối với người dân Tiên Phước, thể hiện qua nhiều cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm…

        Nơi đây, những ngày Cần Vương chống Pháp. Tháng 1 năm 1886, sau khi Trần Văn Dư bị giặc giết hại, Nguyễn Duy Hiệu đã dời đại bản doanh về đây để xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài… Dấu ấn những ngày tháng hào hùng dưới chiếu Cần Vương của nghĩa hội Quảng Nam còn in đậm qua các địa danh bên bờ sông Tiên như Thanh Lâm, Dương Đế, bàu ông Trấn, Gò Chay, dốc Miếu… Cùng với việc tham gia phong trào Nghĩa Hội, nhân dân Tiên Phước còn tham gia nhiều phong trào yêu nước như Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội...vv…; trong đó nổi bật nhất phải kể đến phong trào Duy Tân.

Phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng chủ xướng đã tạo được làn gió cải cách sôi nổi trên đất Quảng Nam.

Và chính tại vùng đất bán sơn địa, địa hình hiểm trở như Tiên Phước, các nhà yêu nước đã tiến hành nhiều hoạt động tân dân, cải cách, mang lại một luồng sinh khí mới cho phong trào đấu tranh giành độc lập – tự do cho dân tộc.

 Là mảnh đất mà việc học hết sức khó khăn, song nơi đây vẫn nổi danh với khoa bảng, gắn với tên tuổi tiến sĩ Hùynh Thúc Kháng, phó bảng Lê Vĩnh Khanh, Nguyễn Đình Tựu, Phan Châu Trinh – các ông đều là những bậc đại khoa không màng danh lợi; chỉ mưu cầu độc lập và dân quyền.

Đặc biệt tên tuổi nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là danh nhân xứ Quảng mà còn là bậc danh nhân nổi tiếng của cả nước.

                                              Hoàng hôn sông Tiên

Là một chí sĩ lão thành, cụ Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, suốt đời hy sinh phấn đấu vì dân, vì nước. Tên tuổi cụ gắn với phong trào Duy Tân, tờ báo Tiếng Dân; đặc biệt cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhà lão thành ái quốc Hồ Chí Minh và Huỳnh Thúc Kháng đã làm nên tên tuổi vị Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  sau ngày 2/9/1945 lịch sử… Đó chính là những dòng đẹp đẽ nhất của cuộc đời nhà chí sĩ yêu nước và là những trang sử đầy tự hào của đất và người sông Tiên…

Ngày 28 tháng 3 năm 1930, Ban chấp hành lâm thời tỉnh đảng bộ Quảng Nam của Đảng cộng sản Việt Nam ra thông cáo về việc thành lập đảng bộ; bắt đầu một trang sử mới đầy thử thách và vinh quang. Tại miền trung du Tiên Phước, phong trào cách mạng đã nhanh chóng bén rễ. Lò chén Phú Lâm ra đời, là cơ sở liên lạc của tỉnh uỷ và xứ uỷ trung kỳ. Năm 1941, chi bộ Đảng đầu tiên tại đây được thành lập, do đồng chí Phạm Bằng làm bí thư…Vùng đất sông Tiên trở thành một trong những địa bàn quan trọng xây dựng căn cứ, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang của tỉnh. 

Mảnh đất này cũng là hậu phương tin cậy của quân dân Quảng Nam ĐN trong chín năm kháng chiến chống Pháp; là mệnh danh là “mảnh đất thánh” của cách mạng khu 5 những ngày chống Mỹ gian lao…

Khí phách anh hùng của những người con ưu tú của Tiên Phước trong những năm tố cộng, diệt cộng đẫm máu vẫn còn ghi ở địa danh Cây Cốc. Tháng 10/1961 Tiên Lãnh – Tiên Ngọc được giải phóng là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân toàn tỉnh đồng khởi diệt ác phá kèm, xây dựng vùng giải phóng. Cũng nơi đây đã chở che những người chiến sĩ vượt sông Tiên về giải phóng Sơn – Cẩm – Hà; kiên trì bám trụ, giành giữ dân…Cùng với Tây Nguyên, Tiên Phước cũng là nơi được vinh dự nổ phát súng đầu tiên của chiến dịch Hồ Chí Minh vào đêm ngày 10/3/1975, mở đầu chiến dịch giải phóng tỉnh lỵ Quảng Nam, góp phần cũng nhân dân cả nước làm nên mùa xuân 1975 đại thắng…

Có thể nói, cùng với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, địa hình của một vùng trung du, các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống cách mạng với nhiều địa danh, tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử, và những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú của vùng bán sơn địa đã tạo cho Tiên Phước một bức tranh lung linh sắc màu, hứa hẹn những điểm dừng lý tưởng cho du khách.

 Về mảnh đất bên dòng sông Tiên hôm nay, làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) sẽ khiến du khách ngỡ ngàng…Những ngôi nhà cổ kính ẩn giữa màu xanh cây trái, những ngõ đá độc đáo có tuổi đời vài trăm năm cho thấy sức sống bền bỉ của một miền sơn cước…làng cổ Lộc Yên nằm bên một nhánh sông Tiên, thấp thoáng trong một thung lũng, bao quanh là những đồi cây chen với đá và những thửa ruộng bậc thang nhỏ hẹp. Nơi đây vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn một quần thể nhà cổ phong phú có niên đại từ 100 -200 năm tuổi, với kiến trúc tinh xảo… Hầu hết các nhà cổ của làng được xây dựng theo thế lưng tựa vào núi như thế hổ ngồi - vững chãi, yên bình, tự tại. Những ngôi nhà tạc vào dáng núi, đẹp như tranh. Mặt nhà hướng ra không gian ruộng, đồi thoáng đãng… Có thể nói, người dân Tiên Phước gìn giữ không gian văn hoá nhà cổ không chỉ là gìn giữ những vật thể mà còn gìn giữ những giá trị rất thiêng liêng - những giá trị ấy được truyền từ đời này sang đời khác dưới mỗi nếp nhà. 

Ở nhiều địa phương khác, khi đô thị hoá như một cơn gió tràn về nông thôn thì những hình ảnh làng quê vốn yên bình, mộc mạc trong văn hoá Việt cũng dần biến mất. Theo đó, văn hoá làng cùng những phong tục, tập quán cũng mai một. Nhưng ở đây, làn gió đô thị hoá dường như dừng bước. 

Tạm từ giã những phố thị ồn ào, náo nhiệt, thực hiện một chuyến điền dã ngược dòng con sông Tiên hiền hòa và đẹp một cách hoang sơ, ta sẽ gặp nơi đây những khung cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ thú.…Bãi đá Lò thung trải dài hang trăm mét trên sông Đá Giăng, những con suối róc rách, những thác nước nguyên sơ và hung vĩ giữa đại ngàn, nhưng khu vườn lòn bon, thanh trà sum suê cây trái là điểm đến lý tưởng cho du khách với hình thức du lịch sinh thái, picnic…

Về Tiên Phước, không chỉ được thả hồn trong không gian hiền hoà của những làng quê, được thăm thú những ngôi nhà cổ độc đáo, những thắng cảnh thiên nhiên quyến rũ của vùng trung du mà còn để cảm nhận nơi đây một sức sống mãnh liệt mà tự tại…

Đường lên Tiên Phước quanh co uốn lượn, đồi núi giăng dựng chập chùng, nao nao những cánh cò trong câu hát ru…Buổi xa xưa cha ông ta đi mở cất, bạt núi xẻ ngàn, Tiên Phước còn rừng hoang, nước độc…Trải qua bao thăng trầm dâu bể, mồ hôi và máu của người dân nơi đây đã tạo nên một mảnh đất đầy huyền tích và hào khí…Và sông Tiên – con sông biểu tượng của vùng quê Tiên Phước, vẫn muôn đời chảy ngược, rì rầm kể chuyện với ngàn năm về người và đất nơi đây.

                                                          Thu Hồng - VTV Đà Nẵng