Báo cáo nhanh công tác ứng phó với bão số 9 trên địa bàn huyện Tiên Phước
Báo cáo nhanh tình hình ứng phó với bão số 9 trên địa bàn huyện Tiên Phước đến 17 giờ ngày 30/10/2020 của UBND huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam.
ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
HUYỆN TIÊN PHƯỚC Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: /BC-UBND Tiên Phước, ngày tháng 10 năm 2020
BÁO CÁO
Công tác ứng phó với bão số 9 trên địa bàn huyện Tiên Phước
Kính gởi: Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai &TKCN tỉnh.
I. Công tác triển khai phương án, kế hoạch ứng phó với bão số 9
UBND huyện và BCH PCTT-TKCN huyện triển khai nghiêm túc, khẩn trương, cụ thể các Công điện chỉ đạo của UBND tỉnh, BCH PCTT-TKCN tỉnh. Nhất là Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 26/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về chủ động ứng phó với bão số 9 và tình hình mưa lũ; Công văn số 2320/UBND-TH ngày 26/10/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường triển khai ứng phó với bão số 9; Công văn số 6035/UBND-KTN ngày 27/10/2020 của UBND tỉnh về chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.
Huyện ủy, UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện, BCH PCTT-TKCN huyện đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của tỉnh về ứng phó với bão số 9 sát với yêu cầu tình hình của địa phương: Công văn số 91-CV/HU ngày 27/10/2020 của Huyện ủy về việc tập trung phòng chống bão số 9; Công điện số 347/CĐ-BCHPCTT&TKCN ngày 26/10/2020 của BCH PCTT và TKCN huyện; Thông báo số 531/TB-UBND ngày 27/10/2020 của UBND huyện thành lập các Tổ công tác chỉ đạo kiểm tra công tác ứng phó bão số 9. UBND huyện chủ trì họp BCH PCTT-TKCN huyện, UBND các xã, thị trấn quán triệt triển khai công tác ứng phó với bão số 9. Các Ủy viên Ban TVHU, Huyện ủy viên theo địa bàn xã được phân công tăng cường xuống cơ sở phối hợp chỉ đạo triển khai phương án ứng phó với bão số 9.
Trên cơ sở đó, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, trường học, hội đoàn thể đóng trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đã tập trung chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó với bão số 9 với phương châm huyện sát đến thôn, xã sát đến hộ gia đình. Rà soát, cập nhật phương án phù hợp với tình hình thiên tai, phân công nhiệm vụ thành viên BCH PCTT-TKCN, củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai các cấp; huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, từ huyện đến xã phối hợp chặt chẽ thực hiện quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp để chủ động ứng phó hiệu quả với bão số 9; đặc biệt kích hoạt các phương án ứng phó với bão mạnh, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất… theo phương châm “4 tại chỗ”. Trực ban 24/24 giờ, chỉ huy điều hành công tác phòng chống ứng phó với bão số 9, thông tin kịp thời về tình hình diễn biến mưa bão đến cán bộ và nhân dân.
Thường trực BCH PCTT-TKCN huyện đã tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ theo quy định, theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời tình hình diễn biến thiên tai đến cơ quan, đơn vị, địa phương; các thành viên BCH PCTT-TKCN huyện theo chức trách, địa bàn, lĩnh vực, nhiệm vụ được giao, đã phối hợp chặt chẽ với các xã, tăng cường xuống địa bàn phụ trách kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả, thông tin, phản ánh, đề xuất kịp thời tình hình về Ban TVHU, UBND huyện, BCH PCTT-TKCN huyện để phối hợp chỉ đạo.
Chỉ đạo triển khai các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn các xã, thị trấn tổ chức chèn chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, nhà văn hóa xã….chằng néo và có biện pháp bảo vệ các cột ăngten…đảm bảo an toàn, cắt tỉa các cành cây có thể gây ra ngã đổ khi có bão đến, di chuyển gia súc, gia cầm đến nơi an toàn.
UBND 15/15 xã, thị trấn trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thiên tai, kịp thời điều chỉnh linh hoạt phương án phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro trên địa bàn sát với tình hình thực tế; duy trì nghiêm cơ chế chỉ huy, điều hành, phối hợp và thông tin, báo cáo với BCH PCTT-TKCN huyện, cơ quan của huyện và thành viên BCH PCTT-TKCN huyện trong công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn xã, thị trấn; kiểm tra, rà soát các khu vực nguy cơ cao xảy ra lở núi, sạt lở đất, lũ quét nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, chủ động chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn. Đến 17 giờ ngày 27/10/2020, toàn huyện đã hoàn thành di dời 1.068 hộ gia đình ở các khu vực nguy cơ sạt lở, các hộ sống trong nhà tạm, nhà có có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.
Các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công trên địa bàn huyện đã chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai, xử lý sự cố trước, trong và sau thiên tai, nhằm bảo đảm an toàn công trình và tính mạng công nhân nhân. Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức kiểm tra thực tế sẵn sàng phương án xử lý sự cố, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước lớn trên địa bàn.
Công an, Quân sự, Hội Chữ thập đỏ huyện, Đội xung kích phòng chống thiên tai huyện đã kịp thời kiểm tra, rà soát, kế hoạch, phương án, đảm bảo lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng tham gia công tác PCTT-TKCN trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của UBND huyện và BCH PCTT-TKCN huyện.
Cổng thông tin điện tử huyện, Trung tâm VH-TT-TT-TH huyện, Đài Truyền thanh xã, thị trấn định kỳ 30 phút 1 lần thường xuyên phát bản tin về ứng phó với bão số 9, kết hợp tuyên truyền lưu động, cập nhật diễn biến thời tiết, đưa tin kịp thời về tình hình mưa bão, các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện trong công tác ứng phó với bão số 9. Thông báo về việc cho học sinh Mầm non Mẫu giáo, Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện nghỉ học theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Quảng Nam.
II. Tình hình thiệt hại do bão số 9
1. Khái quát tình hình thiệt hại:
Thực tế diễn biến của bão số 9 hoàn toàn đúng với chỉ đạo của UBND tỉnh và dự báo của Đài khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam. Có thể khẳng định, bão số 9 đã đổ bộ ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn huyện Tiên Phước ngày 28/10/2020, với cường độ cấp bão rất mạnh, bán kính hoạt động rộng, bão đi chậm, dẫn đến mức độ càng quét, tàn phá tàn khốc. Đây là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn huyện Tiên Phước trong 20 năm qua.
2. Báo cáo sơ bộ tình hình thiệt hại:
Qua kết quả báo cáo sơ bộ của các địa phương, tình hình thiệt hại do bão số 9 cụ thể như sau: Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.505.210.000.000 đồng.
- Về người: Sau bão số 9, trên địa bàn huyện Tiên Phước không có người bị chết, tuy nhiên có 01 người (ông Võ Văn Vinh – hộ khẩu thường trú tại Thị trấn Tiên Kỳ) đi làm ăn tại xã Trà Vân bị mất tích; 03 người bị thương nhẹ (do khắc phục sau bão).
- Về nhà ở: trước bão hầu hết các nhà dân đã được chèn néo, tuy nhiên do cấp độ bão số 9 quá lớn, bão đi chậm, mức độ càn quét mạnh, theo thống kê sơ bộ có trên 7.000 nhà hư hỏng, chủ yếu tốc mái, bay tôn, bay ngói, cây ngã đổ đập vào nhà; nhiều hộ gia đình đi sơ tán về nhà bị hư hỏng phải ở tạm nhà của người thân. 02 HTX nông nghiệp bị tốc mái cơ sở. (trong đó: 288 nhà thiệt hại hoàn toàn trên 70%; 968 nhà thiệt hại rất nặng từ 50-70%; 2465 nhà thiệt hại nặng từ 30-50%; 3673 nhà thiệt hại một phần dưới 30%)
- Về trường học, cơ quan: Trên 40 trường học bị hư hỏng, chủ yếu tốc mái, bay tôn, sập tường rào, nhiều nhà xe, nhà vệ sinh ở các trường, điểm trường bị tốc mái bay tôn hoàn toàn. 07 trụ sở cơ quan xã, huyện; 44 nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thể thao thôn bị hư hỏng tốc mái, đổ tường.
- Về y tế: 05 cơ sở Trung tâm y tế xã bị tốc mái, cây ngã đổ, hư hỏng tường rào.
- Về cơ sở hạ tầng: Về cơ sở hạ tầng, lĩnh vực điện, trường học, đường giao thông, viễn thông bị thiệt hại tương đối nặng, gió mạnh gây ngã đỗ trụ điện, đứt đường dây điện, cáp viễn thông, cây cối ngã đỗ ra đường; 64 trụ điện trung thế, hạ thế gãy đổ và hàng trăm km đường dây trung thế, hạ thế, dây điện sau công tơ bị cây ngã làm đứt dây. Về giao thông, thủy lợi, đợt mưa lũ từ ngày 6-13/10/2020, nhiều tuyến đường trọng điểm Quốc lộ 40B, ĐT, ĐH bị xói lở nền đường, mặt đường, cầu công vụ, đặc biệt tuyến ĐH1 Tiên Mỹ-Tiên Phong dài 9 km, tuyến ĐH15 dài 7km xói lở nghiêm trọng, các hồ đập, kênh mương bị sạt lở chưa khắc phục, mưa lớn đã làm cho các công trình công trình tiếp tục hư hỏng nặng (đập Bình An 4 Tiên Mỹ, đập bà Xèn Tiên Lãnh, 6 km kênh mương bê tông bị hư hỏng hoàn toàn). Tất cả các tuyến đường Quốc lộ, ĐT, ĐH và đường dân sinh trên địa bàn huyện cây cối ngã đổ ra đường ách tắt giao thông hoàn toàn, đến 19 giờ tối ngày 28/10/2020 mới khôi phục được một số tuyến trọng điểm.
- Về nông, lâm nghiệp: Lĩnh vực kinh tế nông lâm nghiệp, kinh tế vườn bị thiệt hại hết sức nặng nề, qua báo cáo sơ bộ của 15 xã, thị trấn, trên 70% diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế trên địa bàn huyện bị trốc gốc, gãy, ngã đổ… trên 2.000 ha/5882 ha vườn, trên 600 ha cây trồng lâu năm và trên 10.000 ha rừng keo bị thiệt hại; 41 con gia súc (40 con heo, 01 con bò), trên 26.000 con gia cầm bị chết. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả, mô hình chỉnh trang vườn điển hình theo Đề án 548 ở các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu bị thiệt hại nặng trên 80%.
- Về thông tin liên lạc: Do sức gió bão số 9 mạnh, đã làm gãy đổ hư hỏng trên 110 cụm loa trên địa bàn huyện; hư hỏng 06 cụm thu FM và 01 ăng ten đài thu huyện tại xã.
III. Tình hình khắc phục sau bảo:
1. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, BCH PCTT-TKCN tỉnh và BTV Huyện ủy:
Ngay sau khi bão số 9 kết thúc, UBND huyện, BCH PCTT-TKCN huyện, Đảng ủy, UBND 15 xã, thị trấn cùng với các lực lượng Công an, Quân sự, tăng cường xuống cơ sở xã, thôn xử lý, giải quyết các vấn đề cấp bách sau bão, giải phóng xử lý nhanh khối lượng rất lớn cây cối, trụ điện, đường dây điện đổ ngã trên các tuyến đường trọng điểm, phục vụ cho việc thông xe đi lại, kiểm tra khắc phục hậu quả thiên tai, đưa các hộ dân đi sơ tán về nhà, xử lý các trường hợp nhà dân bị sập, các trường học, nhà dân bị cây cối ngã đổ. Chỉ đạo tập trung xử lý cây cối ngã đổ trong khuôn viên cơ quan, công sở, trường học, nhà văn hóa xã, thôn, khắc phục các hạng mục hư hỏng đảm bảo cho việc dạy học của giáo viên và học sinh ở các trường và làm việc của cán bộ công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến xã. Đồng thời, công tác kiểm tra, thống kê, đánh giá, tổng hợp thiệt hại sơ bộ ban đầu đang thực hiện, do thong tin liên lạc gián đoạn, nhiều tuyến đường chưa khai thông, ảnh hưởng đến việc tiếp cận người dân và công trình cơ sở hạ tầng để đánh giá tình hình mức độ thiệt hại hạn chế, dự kiến đến cuối ngày 30/10/2020 UBND huyện sẽ có tổng hợp tương đối về tình hình thiệt hại do bão số 9 trên địa bàn huyện báo cáo UBND tỉnh, BCH PCTT-TKCN tỉnh.
2. Tình hình khắc phục cụ thể:
- Hiện nay trên địa bàn huyện 100% các tuyến đường QL 40B, DT, DH, DX đã được thông tuyến đãm bảo đi lại lưu thông hàn hóa.
- Trên địa bàn huyện thị trấn Tiên Kỳ được khôi phục hệ thống điện các xã khác đang tập trung khắc phục.
- Hệ thống các cơ sở giáo dục đang tập trung khắc phục đến ngày 31/10/2020 học sinh đi học trở lại bình thường.
- Các cơ sở y tế hoạt động bình thường.
- Đang tập trung phát gạo cứu trợ cho người đân đến ngày 31/10/2020 phát đến 15 xã, thị trấn.
- Tổ chức thống kê, phân loại đối tượng thiệt hại cụ thể trong nhân dân để có giải pháp hổ trợ khắc phục thiệt hại trong thời gian sớm nhất.
VI. Nhiệm vụ cấp bách thời gian đến:
1. Cùng với chỉ đạo ứng phó với bão số 10, cả hệ thống chính trị huyện, xã tập trung lãnh đạo chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 9, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của các cấp, các ngành từ nay đến cuối năm 2020. Hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nhà bị sập, hư hỏng, tốc mái khẩn trương xây dựng, sửa chữa đảm bảo ổn định đời sống. Hỗ trợ các gia đình bị thiếu lương thực, kịp thời cấp phát gạo 58 tấn gạo đến các hộ đúng đối tượng trước ngày 30/10/2020. Thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, xử lý nguồn nước, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau thiên tai. Xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất nông nghiệp, triển khai vụ sản xuất đông xuân 2020-2021.
2. Về khắc phục cơ sở hạ tầng, tiếp tục xử lý giải phóng cây cối ngã đổ ra đường đảm bảo thông tuyến tất các tuyến giao thông Quốc lộ, ĐT, ĐH, ĐH trên địa bàn huyên, tạo điều kiện cho việc lưu thông đi lại, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường chậm nhất ngày 30/10/2020. Tiếp tục xử lý các đoạn bị sạt lở, hư hỏng đảm bảo giao thông. Tập trung nhân lực, vật tư, máy móc khắc phục thiệt hại hệ thống điện, nhất là trụ điện bị gãy, bị nghiên, đường dây trung thế, hạ thế bị đứt đảm bảo an toàn và đóng điện trong toàn huyện chậm nhất ngày 10/11/2020. Trước hết ưu tiên sửa chữa đóng điện trung tâm huyện và trung tâm 14 xã sớm nhất. Phòng KT-HT, phòng GD-ĐT, UBND xã, thị trấn, các trường học tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại trên lĩnh vực giáo dục, nhất là sửa chữa kịp thời phòng học hư hỏng và các hạng mục nhà đa năng, nhà vòm, nhà xe, nhà vệ sinh, xử lý cây ngã đổ … để tổ chức dạy học bình thường, đảm bảo an toàn tính mạng giáo viên, học sinh. Về thủy lợi, tiếp tục sửa chữa các công trình hồ, đập, kênh mương bị hư hỏng, cải tạo ruộng bồi lấp, sạt lở đảm bảo cho sản xuất đông xuân 2020-2021.
Trên đây là báo cáo nhanh tình hình ứng phó với bão số 9 trên địa bàn huyện Tiên Phước đến 17 giờ ngày 30/10/2020 UBND huyện kính báo cáo Ban TVHU, UBND tỉnh và BCH PCTT-TKCN tỉnh.
Nơi nhận: TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
- Chủ tịch UBND tỉnh (B/c); KT. CHỦ TỊCH
- Như trên; PHÓ CHỦ TỊCH
- TTHU, TT HĐND huyện (B/c);
- CT, các PCT UBND huyện;
- TTUBMT, các hội đoàn thể huyện;
- Lưu VTVP. Nguyễn Hùng Anh