Bồi hồi "Đất mẹ"
Trần Đình Mai không phải là nhà văn, nhà sử học mà anh là giảng viên của Đại học Đà Nẵng. Sau nhiều năm ấp ủ, thai nghén và chấp bút, anh đã hoàn thành tập 1 cuốn Truyện ký “Đất mẹ” (NXB Văn học - 2015).
Cuốn sách dày gần 500 trang, ngồn ngộn sử liệu, trong đó tập trung nói về bối cảnh xã hội, phong trào cách mạng ở Tiên Phước từ nửa sau thập niên 50 đến nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. Trần Đình Mai không có ý coi “đứa con tinh thần đầu tay” của mình là một công trình lịch sử hay một tác phẩm văn chương mà chỉ đơn giản là một tập truyện ký về lịch sử quê hương mình.
Do đó, để người đọc bớt nhàm chán, mặt khác cũng để gần với văn chương hơn, tác giả đã hư cấu ba nhân vật Tình, Thương, Ái, thể hiện cho hai dòng tư tưởng: cách mạng và phản cách mạng. Cuộc đời họ được đặt trong bối cảnh lịch sử. Mọi tâm tư suy nghĩ, biến cố cuộc đời nhân vật đều gắn chặt với diễn biến xã hội. Anh miêu tả cảnh lính của chính quyền Ngô Đình Diệm khi tiếp quản Tiên Phước: “Bọn lính đó tới đây chỉ tiếp quản “gái” và “gà”, rồi tìm nguyên cớ để đi lục và tịch thu tiền tín phiếu, đấy cũng là sở thích và thú vui của họ”.
Bằng nhãn quan của một giảng viên kinh tế - chính trị, anh nhớ lại: “Chính phủ chỉ chú trọng mời ngày càng nhiều chuyên gia cố vấn quân sự Mỹ, chứ không mời cố vấn chuyên gia về kinh tế. Không chú ý đến việc xây dựng một nền kinh tế mới làm nền tảng cho một chế độ xã hội mới vừa ra đời”. Vì thế, hệ lụy tất yếu đã xảy ra: “Cuộc sống của người dân Tiên Phước nói riêng, dân nam Việt Nam nói chung vốn đã khó khăn vất vả, nay do thực hiện quá nhiều chính sách cai trị nên họ càng khó khăn bội phần”. Cùng với đó, xã hội mới còn tạo ra một lớp người đi ngược với truyền thống đạo lý “tam tòng, tứ đức” đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt. Đọc truyện ký lịch sử của Trần Đình Mai, không ít tình tiết hài hước dí dỏm. Đây cũng là thành công của anh trong việc làm “mềm hóa” lịch sử để bạn đọc trẻ dễ tiếp thu.
Đọc, hiểu và “cảm” công sức của tác giả, hiểu tấm lòng của Trần Đình Mai dành cho quê hương. Song nếu như anh viết ngắn hơn, khi phân chia chương mục không lấy tựa là các sự kiện lịch sử như: Hiệp định Giơ-ne-vơ, Tết Mậu Thân, Trận Khâm Đức… sẽ hấp dẫn hơn với độc giả, vì dễ nhầm tưởng là công trình lịch sử. Mặt khác, người biên tập dụng công hơn trong xử lý các lỗi về chính tả, ngữ pháp, thiết kế hình ảnh minh họa thì “Đất mẹ” sẽ thêm phần trọn vẹn.
Nguyễn An Khánh - Báo Quảng Nam