www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ủ một miền thơm

Ngõ đá rêu xanh, những hàng chè tàu mướt mát và rất nhiều khoảng vườn bốn mùa cây trái định hình một hấp lực riêng cho vùng trung du Tiên Phước.

 Người quê bước qua cánh cửa mang tên du lịch, sống bằng chính hương sắc quê nhà, bằng thảo thơm chắt chiu từ màu xanh cây trái và cả những cần mẫn lam lũ quê mùa, đúng như cái cách họ sắp đặt từng viên đá núi để làm nên ngõ nhỏ, tường rêu, ở chốn này.

Lộc Yên trở thành vùng đất giàu tiềm năng cho du lịch sinh thái. Ảnh: T.C
Lộc Yên trở thành vùng đất giàu tiềm năng cho du lịch sinh thái. Ảnh: T.C 

Thanh bình làng cổ

Làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) có sự tĩnh lặng của quê kiểng, lãng đãng không khí yên bình. Sạch tinh tươm những ngõ nhà, trên từng bậc thềm lẫn con đường làng nhỏ quanh co triền đồi dốc. Những ngõ đá như một đặc điểm nhận diện không thể lẫn cho Lộc Yên, để cái tên làng cổ hiện diện rõ ràng hơn trên bản đồ du lịch. Khách lẻ có, khách theo tour cũng có, người dân trong làng bắt đầu quen với sự hiện diện của người chốn khác, và hình như cũng nhờ thế mà nơi này có thêm sự chăm chút từ chính người dân bản địa.

Ông Đào Minh Chỉnh đưa tôi dạo bộ một vòng quanh làng. Những bậc thềm, hàng rào đá cứ níu chân, lọt vào rất nhiều khung hình máy ảnh. Về quê nghỉ hưu, ông Chỉnh là một trong những người tiên phong trong việc bảo tồn, làm đẹp cho quê từ chính những bờ đá ấy. Ông kể, từ những ngày đầu trở lại lập làng sau giải phóng, bờ đá đã lặng lẽ mọc lên như một thứ biên mốc riêng cho từng gia đình. Vừa là ranh giới cho nhà cửa, vườn tược, vừa giữ đất, không gian của làng đẹp từ trong ký ức. Năm 2017, ông bàn bạc với các đảng viên trong chi bộ, kêu gọi thành lập “câu lạc bộ nhà sạch, ngõ đẹp, kinh tế gia đình phát triển”.

“Ban đầu, xuất phát từ việc muốn gìn giữ không gian sạch đẹp, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, câu lạc bộ ra đời từ việc kêu gọi các thành viên chỉnh trang vườn nhà, cải tạo xây dựng các ngõ đá, đồng thời dựng thêm bờ đá để giữ đất, tạo độ phì, cây trái phát triển tốt hơn. Ý tưởng ấy nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng và bắt đầu nhen nhóm, mở rộng dần lên. Sau đó không lâu, đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025” (đề án 548) của huyện Tiên Phước được triển khai thực hiện, rất phù hợp với dự định của câu lạc bộ và đã tạo thêm cú hích đáng kể. Hai tổ của thôn 2 nơi tôi sống được chọn làm điểm, trong vòng 3 năm, không gian làng quê bắt đầu có chuyển biến hẳn. Chuyển biến nhưng quay về truyền thống, giữ đặc trưng của nơi này, là một phần hồn, phần văn hóa riêng có của Lộc Yên” - ông Chỉnh nói. 

Ngày càng có nhiều người đến thăm, thưởng ngoạn, làng cổ nhanh chóng được kết nối, phát triển du lịch sinh thái. Bây giờ, không bó hẹp ở vùng lõi nữa, phong trào này lan sang các thôn bên cạnh. Nhiều đoàn của các địa phương khác cũng đến tham quan, học tập, sức lan tỏa rõ ràng hơn trước.

Vườn cây ăn trái của ông Thái Nguyên Khoa cho thu nhập khá ổn đinh. Ảnh: T.C
Vườn cây ăn trái của ông Thái Nguyên Khoa cho thu nhập khá ổn đinh. Ảnh: T.C 

Câu lạc bộ của ông Chỉnh vẫn đều đặn sinh hoạt vào tối 13 mỗi tháng. Thành viên câu lạc bộ sẽ luân phiên chọn địa điểm bất kỳ, trao đổi về tình hình của mỗi nhà, những thuận lợi cần được phát huy lẫn trở ngại, khó khăn trong quá trình tham gia đề án. Đồng thời nhiều chủ trương liên quan đến nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa lẫn phát triển kinh tế vườn, du lịch sinh thái được phổ biến ngay tại buổi gặp. 

“Nhiều người đến thăm thú Lộc Yên, rất yêu thích không gian, môi trường sinh thái nơi này. Họ nói, làng cổ gợi lên khoảng ký ức của làng quê, đến để ngắm, để trải nghiệm, đi dạo trong làng cũng là một cái thú giúp họ thoát khỏi những ngột ngạt của công việc, nhất là những người sống nơi phố xá. Sự hỗ trợ của Nhà nước dù còn khiêm tốn nhưng là chất xúc tác quan trọng để chúng tôi đầu tư dựng lại ngõ đá, chỉnh trang vườn, tính tới việc phục vụ du khách sau này. Đặc biệt, cây trái ở nơi này đều rất sạch, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao nếu gắn với việc cung ứng cho du khách đi tham quan” - ông Trần Văn Tiến, người dân Xóm Bàu (xã Tiên Cảnh) nói thêm.

Quả ngọt từ trang trại

Sau 3 năm thực hiện đề án 548, đã có 368 hộ đầu tư cải tạo, nâng cấp vườn đạt tiêu chuẩn vườn xanh, sạch đẹp, hiệu quả. Số lượng vườn điển hình trồng cây ăn quả, cây đặc sản tăng đáng kể với hơn 600 mô hình, hơn 600ha ruộng một vụ lúa chuyển sang lập vườn trồng cây ăn quả và hơn 250ha đất trồng keo được cải tạo lập vườn đồi. 

Xóm Hố Quờn (thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) nằm ven lòng đập, quyến rũ bởi cảnh sắc và những vườn cây trái rợp mát. Sở hữu khu vườn khá rộng với hàng chục gốc sầu riêng, măng cụt, cam, quýt…, ông Thái Nguyên Khoa, một người dân ở Hố Quờn có thu nhập khá từ trang trại. Sự ra đời của đề án 548 cùng với việc xúc tiến, đầu tư các hạng mục hạ tầng giao thông, công trình phụ trợ phục vụ phát triển du lịch giúp ông mạnh dạn bỏ tiền đắp bờ đá, tường đá, đầu tư hệ thống tưới bán tự động cho vườn cây.

“Vườn cây trái giúp tôi tích cóp nuôi con cái ăn học, sửa sang nhà cửa, là nguồn thu ổn định nhất của gia đình. Sự hỗ trợ của Nhà nước, theo tôi là rất tốt đối với người nông dân, khuyến khích cần thiết để mạnh dạn phát triển nhà vườn và có điều kiện để sau này kết hợp thêm các mục đích khác nhằm tăng thu nhập” - ông Khoa chia sẻ.

Gắn bó với ngành nông nghiệp hơn hai mươi năm, ông Tống Phước Thuần - Chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước nói, đề án 548 được tập trung chỉ đạo hoàn thiện, triển khai ở các xã, thị trấn. Khởi đầu hơi khó khăn do nguồn lực nhân dân khá mỏng, hỗ trợ của địa phương cũng còn khiêm tốn. Tuy nhiên, từ năm 2019, UBND huyện chỉ đạo các địa phương khảo sát nhu cầu của dân, bám theo và lồng ghép các cơ chế của tỉnh và trung ương để tăng cường nguồn lực. 

“Một chuỗi giá trị được hình thành, đề án được bổ sung, từ đó phong trào đi lên rất mạnh. Tiên Cảnh là địa phương đi đầu trong chỉnh trang nhà, vườn, mở rộng các ngõ đá, tường rào đá, giữ vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Có thể thấy ngay hiệu quả khi nhiều khu vườn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha/năm, hơn 1.000 hộ dân hưởng lợi từ đề án. Trên đà khả quan ấy, hiện nay tiến độ giải ngân cũng khá tốt. Nhà nước chỉ hỗ trợ, tiếp sức sau đầu tư, tập trung cho các công trình quy mô nhỏ và vừa, nâng hiệu quả sản xuất lên gấp 10 lần so với trồng lúa, hoa màu. Ví dụ dễ nhìn thấy nhất là cây sầu riêng và măng cụt, mỗi cây có thể cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/mùa. Phòng NN&PTNT cũng hỗ trợ tích cực các giải pháp kỹ thuật, định hướng chuyển sang sản xuất hữu cơ trong tương lai và đang đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản. Làm từ ít đến nhiều, đi vào chiều sâu, tìm “giấy thông hành” cho nông sản đi ra thị trường bằng các chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Tất nhiên, những chương trình này được gắn với OCOP, phát triển theo định hướng kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái trong tương lai” - ông Thuần nói.

Những nỗ lực đã và đang tạo ra nhiều dấu ấn chuyển mình cho vùng trung du Tiên Phước. Quê kiểng tự gìn giữ và nâng tầm vẻ đẹp của mình, tạo nên một tiềm năng riêng để tin vào kỳ vọng phát triển du lịch. Doanh nghiệp cũng tìm thấy cơ hội đầu tư, bắt đầu đặt vấn đề bằng các dự án sản xuất tập trung hay kết nối du lịch, chung tay với nông dân. Hạ tầng đổi mới, giao thông gắn với bố trí sắp xếp các vùng sản xuất cũng được củng cố. 

“Chặng đường sắp tới gắn với mục tiêu xây dựng huyện Tiên Phước trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025, nhiều hoạch định đã được đặt ra sau đại hội Đảng bộ huyện. Quy hoạch rõ ràng, bài bản hơn, phát triển gắn với du lịch sinh thái làng quê, tập trung cho những điểm du lịch tại Nghị quyết số 47 của HĐND tỉnh như làng du lịch cộng đồng Lộc Yên, khu sinh thái Hố Quờn, làng sinh thái Thanh Khê, thác Ồ Ồ… Huyện cũng quyết tâm giữ gìn, bảo tồn để Lộc Yên trở thành điển hình văn hóa làng của vùng quê Quảng Nam” - ông Mai Minh Nguyệt – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước nhấn mạnh.

Một “miền thơm” của cây trái đồng nội, của làng quê với những ngõ đá, vườn nhà đang được ủ ươm, từ giữa lòng trung du Tiên Phước!

Thành Công - Báo Quảng Nam