Ốc đá xào sả ớt
Ở quê tôi, ốc đá xào sả ớt là món ăn chơi dễ chế biến nhất trong các món ăn chơi nơi thôn dã. Và ít ai ngờ rằng, món ăn chơi này, bây giờ lại gắn liền với địa danh quê tôi.
Bởi nhắc đến món ốc đá xào sả ớt, thiên hạ lại nhắc đến Tiên Phước - nơi có “món quê” đã trở thành “thương hiệu”, cho dù vùng trung du miền núi xứ Quảng, ở đâu có sông suối là ở đó có… ốc đá! Phải chăng, người dân quê tôi thích ăn ốc đá xào sả ớt hơn các nơi khác và họ đã vô tình tạo ra món ăn chơi khoái khẩu đối với mọi người, nhất là cánh mày râu?
Sau Tết Nguyên tiêu là thời điểm khởi đầu mùa bắt ốc đá kéo dài đến tận cuối thu. Chịu khó thò tay mò mẩm trong các hốc đá ở các sông suối, chỗ có nước chảy liu riu chừng một buổi, mỗi người bắt được cả chục cân ốc đá. Con to cỡ ngón trỏ. Con nhỏ bằng ngón út. Thoạt nhìn chúng có vỏ màu đen tuyền nhưng ngó kỹ lại có màu đen vàng. Ốc đá ăn rêu mọc trên đá. Thường ốc đá bắt về không chế biến ngay mà đem đổ vào xô chậu ngâm nước một hai ngày để ốc bài tiết hết cặn bã. Nếu muốn đốt cháy giai đoạn này, chỉ cần giã ít trái ớt chỉ thiên cho vào xô chậu ngâm ốc vài tiếng đồng hồ là có ngay nguyên liệu để làm món ốc đá xào sả ớt. Công việc đầu tiên là dùng thớt gỗ và dao tông kiên nhẫn chặt trôn từng con ốc. Chặt trôn cạn quá, khó hút. Còn chặt trôn sâu quá là tự tước đi cái thú cầm con ốc đá xào sả ớt đưa lên miệng… hút chụt chụt! Vì thế, muốn chặt trôn ốc chính xác nên ước lượng bằng mắt phân chia thân con ốc ra làm bốn phần và chặt ¼ là được.
Ốc đá xào sả ớt. |
Lấy nước rửa ốc đá đã chặt trôn qua vài ba bận cho sạch rồi vớt ra rổ rá để ráo. Lúc này, bắc chảo lên bếp đổ dầu phụng vào phi nén củ đã giã dập, khi mùi dầu nén thơm phức dậy lên, cho lửa nhỏ ngọn bớt và đổ ốc đá vào xào. Được trộn đều trên chảo, ốc đá thấm ướt dầu phụng thì đậy nắp vung lại, vài ba phút sau mở nắp vung ra đảo xới ốc, xong, đậy nắp vung lại. Làm như thế chừng năm, bảy lần, ốc vừa thấm dầu phụng vừa chín dần mới nêm muối hầm, nước mắm, mì chính… và dùng đũa trộn đều rồi đậy nắp vung “um” thêm một tí. Khi ốc chín, tỏa mùi thơm, mở nắp vung bốc một vài con hút thử, thấy “vừa miệng” thì thôi. Nếu hơi nhạt, cho thêm ít muối hầm. Nếu hơi mặn, cho thêm tí nước lã. Ốc đá xào đảm bảo “vừa miệng”, bấy giờ mới cho sả ớt, lá rau ranh đã chuẩn bị sẵn vào đảo xới đều rồi nhấc chảo khỏi bếp. Món ăn chơi dân dã đã chế biến xong, dùng vá múc ra đĩa cho mọi người thưởng thức.
Sực nức mùi thơm và bốc khói bởi nóng sốt, đĩa ốc đá xào sả ớt luôn có sức hấp dẫn thực khách. Món ăn chơi dân dã này, ngay trẻ con cũng rất thích, dù cay. Chúng vừa hít hà vừa hút ốc chùn chụt. Còn người lớn, đặc biệt là cánh mày râu, sau một ngày lao động vất vả, lúc chiều tà, ba bốn người ngồi quanh chiếc bàn con có đĩa ốc đá xào sả ớt và chai rượu gạo để cùng nhau “giải mỏi” thì tuyệt! Họ cho biết, ốc đá sinh sống ở các sông suối Tiên Phước là nhất. Mảnh đất hình lưỡi búa có ba con sông lớn chảy qua. Đó là sông Tiên bắt nguồn từ Tam Lãnh - Phú Ninh với dòng chảy ngược từ đông sang tây len qua các xã Tiên Lập, Tiên Thọ, Tiên Lộc, Tiên Châu, Tiên Hà và thị trấn Tiên Kỳ. Cùng xuất phát từ Bắc Trà My, sông Tranh đổ xuống Tiên Lãnh và quành sang Hiệp Đức, còn sông Trạm xuôi về Tiên Cảnh nhập với sông Tiên, tạo nên thắng cảnh đẹp ở khu vực ngã ba sông: Thác Lò Thung. Hòa cùng ba con sông lớn có những phụ lưu là những suối khe. Do địa hình địa thế, sông suối ở Tiên Phước qua mùa mưa lũ, dòng chảy lững lờ, rong rêu có nhiều dưỡng chất nên ốc đá ngon hơn nơi khác.
Thú thật, tôi thấy cái lý của người dân quê tôi cũng… có lý nhưng không rõ là đúng hay sai? Tôi chỉ biết rằng, món ốc đá xào sả ớt ở quê tôi luôn là món khoái khẩu đối với mọi người. Cầm con ốc to như ngón trỏ đưa lên miệng hút chụt chụt mấy cái, ruột ốc bằng đầu đũa tụt ra nằm gọn trên đầu lưỡi. Rồi khi nhai, ruột ốc vừa dai vừa ngọt lại vừa béo hòa quyện với mùi sả ớt thơm nồng xông lên, lan tỏa cả vòm họng khiến ta cảm thấy khoan khoái vô cùng. Món ốc đá xào sả ớt, cánh mày râu dùng để “tống hạ” sau khi tợp một ngụm rượu quê, có thể nói, tuyệt vời trên cả tuyệt vời!
N.Đ.An, Báo Quảng Nam