Lịch sử Tiên Phước
Tiên Phước có lịch sử hình thành gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Quảng Nam. Trong thời Bắc thuộc (202 - 714) nhà Tần đặt là Tượng Quận. Từ Tây, Hán đến Tề, Lương, Trần thì Tiên Phước thuộc đạo Trà Nô, huyện Lư Dung, quận Nhật Nam. Nhà Tùy đổi tên Lư Dung thành huyện Tân Dung, thuộc quận Nông Châu, sau là quận Hải Âm, Nhà Đường đổi lại thành quận Sơn Châu. Hơn 13 thế kỷ Tiên Phước thuộc hạt Amaravati, Châu Ô Lý của Vương quốc Lâm Ấp (Chiêm Thành) của dân tộc Chăm, nơi cư trú của thị tộc Narikêlavamca hay là dòng cây Dừa. Năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân đem dâng phần đất Châu Ô, Châu Lý cho vua Trần là Trần Anh Tông (1293 – 1314), nhà Trần đổi 2 Châu thành Thuận Châu và Hóa Châu (Vùng đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam) nhập vào lãnh thổ Đại Việt.
Năm 1403 - Ba năm sau khi lên ngôi, Hồ Quí Ly cử đại binh vào đánh Chiêm Thành, vua Chiêm Thành là Đà Bích Thuận thua trận đã dâng đất Chiêm Động, Cổ Lũy cho nhà Hồ, nhà Hồ đổi tên thành 4 Châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và Tiên Phước là một trong 3 huyện của Chu Hoa (Vạn An, Cu Hy, Lê Đê) lúc bấy giờ thuộc Thăng Hoa lộ, An Phủ sứ, sau đổi thành Thăng Hoa phủ (1404) rồi hóa Châu Trấn (1428).
Năm 1471, để bình định vùng đất phía Nam, dẹp nạn cát cứ, xâm lấn thường xuyên xảy ra ở biên giới Chiêm Thành - Đại Việt, Vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức năm thứ 2) đã chỉ huy đại binh tấn công Kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành bắt sống vua Chiêm là Trà Toản, mở rộng bờ cỏi nước Đại Việt, ổn định vùng đất phía Nam và lập đạo Thừa Tuyên Quảng Nam (đạo thứ 13 của nước Đại Việt) cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân đến núi Thạch Bi (ranh giới giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), gồm 3 phủ, 9 huyện. Trong đó, phủ Thăng Hoa có 3 huyện là Lê Giang, Hà Đông và Hy Giang. Kế đó là huyện Hà Đông của phủ Thăng Bình thuộc Nam Ngãi tổng trấn (1814), rồi thuộc tỉnh Quảng Nam (1906).
Sau cuộc chính biến Duy Tân (1908), đặc biệt sau vụ tấn công Phủ đường Tam Kỳ 1916 do Trần Huỳnh – người làng Tân Tây, Tiên Thọ làm Tổng lãnh binh, thực dân Pháp đã thực hiện việc chia để trị. Tháng 11 năm Bính Thìn 1916 (tức tháng 12 Dương lịch) nhà Nguyễn thời Khải Định đã chính thức trích một số Tổng ở hai Phủ Thăng Bình và Tam Kỳ thành lập huyện Tiên Phước. Bấy giờ Tiên Phước có 4 tổng, 86 xã tổng Đông Việt (19 xã), tổng Tiên Giang (26 xã), tổng Vinh Quí (20 xã), tổng Phước Giang (26 xã).
Sau cách mạng tháng Tám 1945, thực hiện chủ trương của Chính phủ, ta tiến hành liên hợp xã lần thứ nhất, giảm cấp chính quyền Tổng và sát nhập từ 86 xã còn lại 51 xã. Cuối năm 1947, ta tiến hành liên hiệp xã lần thứ hai, cả huyện còn lại 14 xã, cụ thể:
Tiên Thọ : Bình Giang, Đồng Nga, Phú An (trước là 1 thôn của làng Xuân Trung huyện Tam Kỳ), Phước Lâm, Tả Lâm, Tân Đông, Tân Tây, Tân Thượng, Vĩnh Thượng, Thanh Lâm (trước thuộc Tam Kỳ)
Tiên An : An Xá, Bàn An, Đông Thượng
Tiên Cảnh : Trung Bình, Thuỵ Lộc, Thạnh Bình, An Sơn, Đại Trung, Tiên Lộc
Tiên Châu : Thanh Bôi, Tiên Hội, Hội Lâm, Đông Bình
Tiên Hồ : Cẩm An, Mã Phan, Tây Lộc, Tiên An, Tú Thành, Cẩm Long, Đại Đồng, Đại Quí, Thọ Đức.
Tiên Hiệp : Hướng Lâm, Tú Hương, Trà Khương
Tiên Kỳ : Bình An, Hữu Lâm, Phước An, Sơn Yên, Tú Sơn.
Tiên Lập : Xuân Giang, Thạnh Phước, Tiên Phước, Tiên Giang, Tân Thanh, Quế Phương (trước đó thuộc Tam Kỳ)
Tiên Lãnh : Vĩnh Thế, Tứ Vĩnh, Kim Tân, Phước Vinh, Hoà Phong.
Tiên Mỹ : Trà Lai, Mỹ Thượng (Tiên Phú Đông, Tiên Phú Tây)
Tiên Ngọc : Dương Đông, Hoa Tân
Tiên Phong : Địch Tây, Địch An, Tài Đa, Tiên Hòa.
Tiên Quang : Vĩnh Tây, Trung Tân, Cẩm Y, Đại Tráng, Tài Thành, Tứ An, Tiên Cẩm, Tiên Phô, Tiên Tráng.
Tiên Sơn : Cẩm Đông, Cẩm Tây, Hoà Lộc, Phú Lâm, Phú Trường, Tứ Lâm, Trung Lâm, Vinh Đông.
Bản đồ Tiên Phước thời chiến tranh
Đến cuối năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi Tiên Hồ thành Phước Long, sau đó tách giao về Tam Kỳ đổi tên thành Kỳ Phước. Đồng thời đổi tên huyện Tiên Phước thành quận Tiên Phước. Đồng thời đổi tên các xã lấy chữ Phước làm từ đầu của tên gọi Tiên Kỳ thành Phước Kỳ, Tiên Thọ thành Phước Thọ... Riêng Tiên Hiệp được đổi tên thành Phước Lâm, Tiên Châu thành Phước Hoà, Tiên Lãnh và Tiên Ngọc gộp chung thành Phước Châu, Tiên Lập được chia thành hai xã Phước Lộc và Phước Hiệp
Năm 1962, chính quyền Việt Nam cộng hòa cắt các xã Phước Lâm, Dương Yên, Phương Đông, Trà My, Phước Châu, Phước An thành lập quận Hậu Đức, đóng Quận lị tại Trà My, năm 1964 đưa Quận lị về đóng tại Phước Lâm. Đối với cách mạng, các xã này vẫn thuộc huyện Tiên Phước.
Tháng 7 năm 1969 quyết định cắt 3 xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà của Tiên Phước, các xã Bình Lâm, Thăng Phước của huyện Thăng Bình và các xã Sơn Tân, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn An, Sơn Hoà của huyện Quế Sơn để thành lập một huyện mới, lấy tên là huyện Quế Tiên cho phù hợp với yêu cầu chỉ đạo trong tình hình chiến tranh.
Giải phóng Tiên Phước 10/03/1975
Sau ngày giải phóng 1975, các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà được trả về Tiên Phước. Từ năm 1978 lần lượt tách 3 xã Tiên Dương, Tiên Hương, Tiên Trà của Tiên Phước giao về huyện Trà My. Đến năm 1979 tiếp tục tách Tiên Quang thành 2 xã Tiên Cẩm và Tiên Hà.
Như vậy, đến năm 1980, cơ cấu tổ chức hành chính của huyện đã được xác lập gồm 14 xã và 01 thị trấn, cụ thể : Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Thọ, Tiên Lộc, Tiên Lập, Tiên An, Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp, Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà và thị trấn Tiên Kỳ. Cơ cấu hành chính này được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Tiên Phước tự hào là mảnh đất đã sinh ra các bậc đại khoa, một Tiến sỹ, ba phó bảng và các nhà yêu nước kiệt hiệt khác. Trong con số không nhiều ấy, Tiến sỹ Huỳnh Thúc Kháng và Phó bảng Phan Châu Trinh đã trở thành những nhân vật lịch sử nổi tiếng với lòng yêu nước thương dân, hai ông không ra làm quan như các nhà Khoa bảng khác mà cả cuộc đời của mình chỉ mưu cầu độc lập, dân quyền cho dân tộc Việt Nam.
Tiên Phước là địa bàn đóng quân của Nghĩa hội Quảng Nam Cần Vương kháng Pháp, là trung tâm của làn sóng Duy Tân hồi đấu thế kỷ XX. Các địa danh Dốc Miếu, Nà Lầu, Gò Nha, Dương Đế, Bàu Ông Trấn, Phú Lâm gắn với tên tuổi các nhà yêu nước Lê Vĩnh Huy, Lê Cơ, Trần Huỳnh... là niềm tự hào trong lòng dân Tiên Phước. Tiên Phước còn là một trong những điểm khởi đầu phong trào chống sưu thuế của nhân dân Trung Kỳ trong năm 1908; là nơi có sự tham gia tích cực và điểm nổi dậy duy nhất của cuộc vận động khởi nghĩa do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo vào năm 1916.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Tiên Phước là hậu phương vững chắc của Cách mạng, các cơ quan của Khu uỷ, Tỉnh uỷ, Tỉnh đội...đã chọn Tiên Phước làm nơi đứng chân để chỉ đạo phong trào. Trong 21 năm chống Mỹ cứu nước, nhân dân Tiên Phước lại ghi tiếp những trang sử chói ngời chiến công. Tiên Phước, “Vùng đất thánh” của Cách mạng khu V đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu toàn tỉnh đồng khởi “diệt ác”, “phá kèm”. Thắng lợi của chiến dịch “Vượt sông Tranh giải phóng Lãnh - Ngọc”, “Vượt sông Tiên giải phóng Sơn- Cẩm- Hà” quân và dân Tiên Phước đã biến 6 xã miền núi phía Tây của tỉnh trở thành vùng căn cứ vững chắc của cách mạng, tạo những điều kiện thuận lợi để cách mạng Quảng Nam và khu V tiến công xuống đồng bằng. Để rồi, mùa xuân năm 1975, Tiên Phước vinh dự được chọn làm nơi nổ phát súng đầu tiên mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Quảng Nam.
Tiên Phước sau giải phóng đang từng ngày đổi thay
Hoà cùng công cuộc đổi mới đất nước, toàn thể nhân dân huyện nhà phát huy truyền thống yêu nước, tập trung trí tuệ, sức lực, khai thác tối đa các nguồn nội lực, tranh thủ đầu tư hỗ trợ giúp đỡ của tỉnh, trung ương, tập trung khai thác tối đa các tiềm năng thế mạnh của một huyện trung du miền núi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong xu thế phát triển hội nhập hôm nay, với vị trí là một huyện nằm giữa trục giao thông đường Nam Quảng Nam, là huyện vùng ven tỉnh lỵ Quảng Nam, gần đặc Khu kinh tế mở Chu Lai, tiềm năng đất đai dồi dào, phong phú thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, nhiều loại đặc sản quí nổi tiếng cả nước, là mảnh đất có truyền thống hiếu học, người Tiên Phước cần cù, sáng tạo, nhanh nhạy tiếp cận cái mới, thiên nhiên ban tặng cho Tiên Phước rất nhiều danh thắng nổi tiếng, lịch sử phát triển và đấu tranh cách mạng đã để lại cho vùng đất Tiên Phước giàu truyền thống yêu nước, cách mạng nhiều di tích văn hoá, lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh.... Đây là nguồn lực vô cùng quí báu để Tiên Phước hội nhập phát triển nhanh hơn trong tương lai.
Đường trung tâm Tiên Phước hôm nay
Với những gì đã đạt được, vào ngày 10 tháng 03 năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Tiên Phước (10/03/1975 -10/03/2015). Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký và trao tặng huân chương Lao động hạng nhất cho nhân dân Tiên Phước. Đây là một phần thưởng xứng đáng của nhà nước cho những nỗ lực không ngừng nghĩ của quân và dân Tiên Phước trong sự nghiệp đổi mới quê hương.
Vào tối 15.06.2016, huyện Tiên Phước đã long trọng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập huyện Tiên Phước (1916 -2016), đây là cột mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển Tiên Phước. Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang đã tặng cho cán bộ và nhân dân Tiên Phước bức trướng mang dòng chữ “Phát huy truyền thống anh hùng, quyết tâm xây dựng Tiên Phước giàu đẹp, văn minh”. Thừa ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã trao tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho nhân dân huyện Tiên Phước.
Video Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập huyện Tiên Phước (1916 -2016)
Tính cách con người Tiên Phước