"Sống khỏe" nhờ nghề làm hương
Với lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến Phong (thôn 2, xã Tiên Phong, Tiên Phước) đã đầu tư sản xuất hương quế, hương trầm đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho xã viên, góp phần giải quyết lao động tại địa phương.
Ông Thái Viết Cường, Phó Giám đốc HTX Tân Tiến Phong cho biết, năm 2010, khi Dự án FAO tổ chức tập huấn về nghề làm hương cho phụ nữ trên địa bàn xã Tiên Phong và bà Huỳnh Thị Hiền (vợ ông Cường) cũng đăng ký tham gia theo học. Kết thúc khóa học, dự án hỗ trợ cho Hội LHPN xã 2 máy làm hương.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt không hiệu quả, Hội LHPN nữ xã chuyển giao lại cho vợ chồng ông Cường một máy làm hương, từ đó gia đình chuyển sang nghề làm hương. Lúc đầu, gặp không ít khó khăn do sản xuất thủ công nên năng suất thấp, lại không đẹp nên rất khó tiêu thụ. Năm 2015, vợ chồng ông Cường mua dây chuyền sản xuất tự động với nguyên liệu pha trộn vỏ quế và dác trầm làm hương. Nhờ vậy, sản phẩm hương làm ra tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, được khách hàng ưa chuộng.
Cơ sở sản xuất hương của hợp tác xã Tân Tiến Phong thôn 2, xã Tiên Phong (Tiên Phước). |
Năm 2017, vợ chồng ông Cường liên kết với 6 hộ trong thôn thành lập HTX Tân Tiến Phong do anh Bùi Đình Tiến làm giám đốc. Để có nơi làm việc, nơi sản xuất, HTX thuê 900m2 đất xây nhà xưởng và mua thêm máy móc làm hương. Hiện cơ sở có 5 máy làm hương quế, hương trầm và 6 khuôn in hương nụ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với mức lương gần 5 triệu đồng/người. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất khoảng 5 tạ hương quế, 1 tạ hương trầm với các sản phẩm chính như hương nụ, hương vòng, hương cây. Vào dịp cuối năm, HTX sản xuất khoảng 3 tấn hương quế và 1 tấn hương trầm thành phẩm, giải quyết việc làm cho hơn 15 lao động. Trung bình mỗi năm doanh thu gần 1 tỷ đồng, lợi nhuận chiếm 30%.
Anh Bùi Đình Tiến nói: “Để đáp ứng được yêu cầu trên, ngoài chất lượng nguồn nguyên liệu, khâu phối trộn nguyên liệu cũng quan trọng, chỉ cần sai lệch một chút về tỷ lệ phối trộn là hương làm ra không đạt yêu cầu”. HTX Tân Tiến Phong có lợi thế là sử dụng nguyên liệu vỏ quế và dác trầm tại huyện Tiên Phước nên có mùi thơm đặc biệt, ít cơ sở làm hương nào trong và ngoài tỉnh có được, khi thắp hương tỏa ra mùi thơm dễ chịu giúp cho tinh thần thư giãn, giảm bớt căng thẳng mệt mỏi.
Nhờ có chất lượng tốt, hình thức đẹp, hương thơm và đặc biệt cháy rất đều nên sản phẩm của HTX Tân Tiến Phong được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện HTX có 60 cơ sở phân phối hương quế, hương trầm ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Ông Võ Xuân Anh - Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết, nghề làm hương tuy chưa mang lại cuộc sống giàu sang cho người dân địa phương, nhưng nó giúp nhiều hộ dân trên địa bàn có việc làm và thu nhập ổn định. Không chỉ giải quyết việc làm, nghề làm hương còn là nét đẹp văn hóa, trong tương lai không xa khi huyện phát triển du lịch đây sẽ là điểm thu hút khách thập phương đến tham quan. Được biết, mới đây, từ nguồn kinh phí khuyến công, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tiên Phước đến nghiệm thu bàn giao 4 máy làm hương cho HTX Tân Tiến Phong với tổng kinh phí 95 triệu đồng. Trong đó, huyện hỗ trợ 47 triệu đồng, số tiền còn lại HTX tự bỏ ra mua máy.
Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam