www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ươm mầm xanh cho rừng

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn Tiên Phước phát triển nghề ươm keo lai giống, không chỉ cải thiện kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn mà còn phủ xanh đồi trọc.

Giải quyết việc làm

Dọc theo tuyến quốc lộ 40B từ thị trấn Tiên Kỳ qua các xã Tiên Cảnh, Tiên Hiệp là nơi tập trung nhiều vườn ươm lớn của huyện Tiên Phước. Tại vườn ươm Đèo Liêu (thôn 2, xã Tiên Hiệp) với diện tích hơn 1ha, chủ vườn ươm này gieo trồng nhiều loại cây như: sao đen, xà cừ, dó trầm, quế…, đặc biệt chủ lực là cây keo. Trong đó, cây keo được lai trồng với nhiều chủng loại như keo tai tượng, keo giâm hom, keo tai tượng Úc. Chị Nguyễn Thị Tiên, chủ vườn ươm ở đây cho biết: “Hiện nay, keo tai tượng giá 450 đồng/cây, keo lai F1: 800 đồng/cây,  keo lai F4: 600 đồng/cây, keo tai tượng Úc 800 đồng/ cây. Trong đó, giống keo tai tượng Úc được dự án WB3 hỗ trợ từ năm ngoái, dù mới trồng thử nghiệm nhưng được nhiều người tìm mua. Trung bình mỗi năm tôi xuất bán hơn một triệu cây keo giống”.

Ươm keo giống mang lại nguồn thu và giải quyết lao động cho nhiều người dân trên địa bàn Tiên Phước.
Ươm keo giống mang lại nguồn thu và giải quyết lao động cho nhiều người dân trên địa bàn Tiên Phước.

Năm 2011, được sự hỗ trợ của dự án phát triển nông nghiệp WB3 do các Chính phủ Việt Nam, Phần Lan, Hà Lan và Ngân hàng Thế giới (World Bank), vợ chồng chị Tiên đã mạnh dạn đầu tư và thuê đất lập vườn ươm. Hiện, tại khu vườn ươm có khoảng 10 lao động làm việc, vì vườn ươm hoạt động quanh năm nên người lao động có công việc và thu nhập ổn định. Chị Hồ Thị Hương (thôn 2, Tiên Lộc) là nhân công đã làm việc gần 2 năm tại vườm ươm Đèo Liêu chia sẻ: “Trung bình ngày công dao động 140 - 150 nghìn đồng, riêng lúc làm bầu đất thì thu nhập cao hơn khoảng 200 nghìn đồng/ngày. Mỗi tháng chúng tôi thu nhập 3 - 6 triệu đồng. So với làm lúa và cây hoa màu khác thì ươm keo lai khỏe và thu nhập ổn định hơn”.

Không chỉ riêng gia đình chị Tiên mà rất nhiều hộ khác ở xã Tiên Cảnh, thị trấn Tiên Kỳ cũng có nguồn thu lớn nhờ nghề ươm giống keo lai. Thu nhập bình quân mỗi chủ vườn ươm xấp xỉ 50 triệu đồng/ năm. Nhiều vườn ươm lớn thu nhập hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Trung bình mỗi vườn ươm giải quyết 5 - 10 lao động thường xuyên. Lương hàng tháng chủ vườn trả cho người lao động khoảng 3 - 5 triệu đồng, tùy theo mức độ, khối lượng công việc. Chị Nguyễn Thị Thục (thôn An Trung, thị trấn Tiên Kỳ), chủ vườn ươm thôn 7B, Tiên Cảnh cho biết: “Ngay từ sau tết âm lịch, tôi bắt đầu thuê nhân công làm đất, cho đất vào bì, làm luống và tiến hành giâm hom. Khoảng hơn 3 tháng sau đã có cây giống để bán. Nhờ ươm trồng liên tục nên người lao động có việc làm quanh năm. Hiện, vườn ươm tôi có hai lao động làm việc thường xuyên. Tiền lương trả cho mỗi lao động khoảng gần 4 triệu đồng/tháng”.  

Hỗ trợ nông dân

Theo thống kê, trung bình mỗi năm các vườn ươm trên địa bàn huyện cung cấp khoảng hơn 1,5 triệu cây keo giống và người dân mua từ các địa phương khác khoảng hơn 1 triệu cây để trồng rừng. Hiện có khoảng 20 nghìn héc ta đất rừng đã được người dân trồng keo lai, ước tính mỗi năm thu về hơn 207 tỷ đồng, chiếm 29% tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp.

Trong 10 năm (2005 - 2015), dự án WB3 đã hỗ trợ hơn 70 tỷ đồng cho 10 xã: Tiên Ngọc, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Châu, Tiên Thọ, Tiên Cảnh, Tiên An, Tiên Phong, Tiên Mỹ và Tiên Hiệp. Dự án này đã góp phần rất lớn vào thực hiện chủ trương giao đất giao rừng cho hộ gia đình; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được kiến thức kỹ thuật trồng rừng, lựa chọn cây giống chất lượng; đầu tư một số tuyến đường lâm sinh tạo thuận lợi cho giao thông đi lại, vận chuyển khai thác rừng trồng; đẩy nhanh tiến độ phủ xanh đồi núi trọc. Từ nguồn hỗ trợ của dự án, nhân dân đã tham gia trồng được hơn 6.700ha rừng, giải quyết việc làm cho gần 3.000 hộ. Nhiều gia đình đã tậu được nhà cửa, mua xe tải, ô tô cho gia đình, đặc biệt nuôi dạy và cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Hiện tại, trên  địa  bàn có 7 vườn ươm keo giống với quy mô lớn, mỗi năm xuất bán hơn 1,5 triệu cây giống và vườn ươm nhỏ lẻ tại các hộ xuất bán khoảng vài chục nghìn cây. Năm 2015, huyện đã hỗ trợ 44 nghìn cây keo tai tượng Úc để bà con trên địa bàn trồng rừng. Ngoài ra, dự án WB3 còn cho bà con nông dân vay 15 - 20 triệu đồng/ha để trồng keo, với tổng kinh phí vốn vay hơn 70 tỷ đồng. Ông Huỳnh Đức Thương - Phó phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Vừa qua, tỉnh cũng đã có chủ trương để phát triển cây keo, đặc biệt vấn đề cấp chứng chỉ rừng cho nhân dân, trên cơ sở đó huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ khoảng 140 nghìn cây keo tai tượng Úc để bà con tăng gia trồng rừng. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã chỉ đạo cho phòng Nông nghiệp phối hợp với Chi cục kiểm lâm tỉnh và Tổ chức WB làm thí điểm, cấp chứng chỉ rừng cho một số hộ nông dân ở xã Tiên Lãnh. Mô hình ươm keo giống đã giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo”.

                                     Nguyễn Hưng - Nguyên Bình, Báo Quảng Nam