www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Người có công bức xúc về việc giải quyết chế độ CĐDC

Sáng ngày 9.9.2016, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đã có buổi giám sát về tình hình thực hiện chế độ chính sách đối với người có công (NCC) cách mạng trên địa bàn xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước). Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh.

 Tại buổi giám sát, NCC trên địa bàn xã Tiên Thọ đã được lấy ý kiến về việc thực hiện chế độ chính sách đối với NCC thông qua hình thức ghi phiếu khảo sát và phát biểu ý kiến trực tiếp. NCC đã phản ánh đến đoàn giám sát nhiều ý kiến về việc xác nhận chất độc da cam gặp quá nhiều khó khăn trong việc làm hồ sơ, giám định bệnh tật; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho NCC theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ chậm; chế độ hỗ trợ còn thấp đối với các nhóm đối tượng NCC đang hưởng chế độ như thanh niên xung phong, bệnh binh, chế độ dành cho đối tượng NCC so với một số nhóm đối tượng khác còn thấp hơn, không đảm bảo công bằng; điều kiện phục vụ của bưu điện cho NCC đến nhận chế độ còn thiếu thốn, chật chội… Xã Tiên Thọ nằm trong địa bàn bị rải chất độc hóa học, nhưng việc giám định cho đối tượng quá khó khăn nên NCC rất bức xúc.

Người có công thực hiện khảo sát bằng hình thức ghi phiếu khảo sát.
NCC thực hiện khảo sát bằng hình thức ghi phiếu khảo sát. 

Trả lời những vấn đề mà NCC đặt ra, ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chế độ, chính sách cho NCC. Hiện nay không chỉ riêng ở Tiên Thọ mà trong toàn tỉnh đều bức xúc về việc giám định chất độc da cam, vì điều kiện, yêu cầu loại bệnh tật ngày càng khắt khe, nhất là đối với loại bệnh thần kinh ngoại biên rất khó xác nhận. Trong số hơn 1.500 người mà ngành LĐ-TB&XH giới thiệu giám định chất độc da cam vào năm 2015 thì có đến 80% là bệnh thần kinh ngoại biên, nhưng qua giám định không có một trường hợp nào được công nhận là đối tượng bị nhiễm chất độc da cam.

Theo ông Sáu, từ tháng 8.2016 trở đi, việc giám định đối với bệnh thần kinh ngoại biên để công nhận là đối tượng bị nhiễm chất độc da cam sẽ càng khó khăn hơn khi Bộ Y tế yêu cầu phải là đối tượng bị bệnh thần kinh ngoại biên đã được điều trị trước năm 1975. Ông Sáu chia sẻ với bức xúc của NCC về vấn đề này, ngành LĐ-TB&XH chỉ là một thành viên trong Hội đồng giám định chính sách, việc giám định được hay không là của ngành Y tế, vì thế ngành LĐ-TB&XH sẽ có báo cáo tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của NCC để báo cáo đến cấp có thẩm quyền cao hơn có hướng tháo gỡ cho đối tượng.

Nhiều ý kiến của người có công bức xúc về việc giải quyết chế độ chất độc da cam. Ảnh: D.L
Nhiều ý kiến của NCC bức xúc về việc giải quyết chế độ chất độc da cam. 

Đối với những kiến nghị của NCC, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh sẽ tổng hợp ngay sau đợt giám sát, có báo cáo trong cuộc họp sắp tới của HĐND tỉnh, chuyển giải quyết đối với những trường hợp nằm trong thẩm quyền giải quyết của tỉnh, và báo cáo kiến nghị gửi đến cấp Trung ương đối với những chính sách ở tầm vĩ mô hơn.

                                                          Diễm Lệ - Báo Quảng Nam