www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Y tế Tiên Phước: Đối mặt nhiều khó khăn

 Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ thiếu khiến ngành y tế huyện Tiên Phước gặp nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân.

         Thiếu và yếu 

      Khu Cấp cứu và Phòng khám của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tiên Phước được xây dựng từ năm 1977, đến nay chưa một lần nâng cấp sửa chữa nên xuống cấp nghiêm trọng, không đủ điều kiện triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh và cấp cứu ban đầu. Các khu Kỹ thuật, Hành chính, Khoa ngoại, Sản, Nội nhi được nâng cấp, xây mới từ năm 1997 đến năm 2009 nên có phần khang trang hơn.

       Bác sĩ Nguyễn Văn Hường, Giám đốc TTYT huyện Tiên Phước, cho biết: “Không chỉ TTYT huyện, cả 13 trạm y tế xã trên địa bàn huyện cũng được xây dựng từ rất lâu, từ năm 1987, mới nhất cũng năm 2000, cơ sở rất chật chội, không đủ điều kiện khám chữa bệnh ban đầu. Chỉ có 2 trạm y tế mới được xây dựng là xã Tiên Phong, xã Tiên Thọ nhưng chưa được đầu tư trang thiết bị theo chuẩn”. Ngay cả tuyến huyện, trang thiết bị khám chữa bệnh cũng chưa đầu tư được máy nội soi, TTYT huyện Tiên Phước chỉ có thể tiến hành phẫu thuật loại 3, không thể phẫu thuật kín được.

 

Khu khám bệnh của TTYT huyện Tiên Phước được xây dựng từ năm 1977, đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: D.L
Khu khám bệnh của TTYT huyện Tiên Phước được xây dựng từ năm 1977, đã xuống cấp nghiêm trọng.

 

         Đội ngũ bác sĩ tuyến xã vào năm 2005 có 10 người, nhưng đến nay chỉ còn 3 bác sĩ ở 3 xã Tiên Hiệp, Tiên Thọ, Tiên Hà. Ở tuyến huyện, từ 22 bác sĩ thì nay chỉ còn 17 bác sĩ. Bác sĩ Hường cho biết: “Một số bác sĩ sau khi học nâng cao trình độ đã ra đi, chỉ vì ở tuyến huyện bác sĩ có trình độ không thể phát huy được chuyên môn, năng lực. Khi xin đi không được, họ sẵn sàng bỏ đi, dù có bị hình thức kỷ luật nào. Chỉ còn bác sĩ có gia đình, vợ con ổn định ở huyện mới bám trụ. Thật ra chỗ nào tốt hơn thì họ tới, đó là lẽ tất nhiên của nghề nghiệp. Bởi bám trụ càng lâu ở tuyến huyện thì tay nghề không được phát huy, có giỏi cũng “luộc”, trừ bệnh viện nào được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt để bác sĩ phát huy chuyên môn”. Với số bác sĩ hiện có, huyện Tiên Phước, chỉ đạt tỷ lệ 2,9 bác sĩ/ 1 vạn dân, trong khi bình quân chung của toàn tỉnh đã là 5,6 bác sĩ/ 1 vạn dân. Theo tính toán của bác sĩ Hường, Tiên Phước cần thêm 25 bác sĩ mới đạt được tỷ lệ 5 bác sĩ/ 1 vạn dân theo số dân hiện nay.

          Bỏ tuyến

        Số lượng người dân đăng ký khám chữa bệnh tại cơ sở cũng không nhiều, phần lớn khám theo bảo hiểm y tế. “Nhưng ngay cả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người dân cũng làm đủ mọi cách để xin chuyển viện lên tuyến trên. Như phẫu thuật loại 3 là phẫu thuật hở người dân cũng không muốn ở lại, chỉ muốn chuyển lên tuyến trên để mổ nội soi” - bác sĩ Hường tâm sự. Với những kỹ thuật có thể đáp ứng được, người dân vẫn vượt tuyến.

       Khi TTYT huyện Tiên Phước không có máy móc để phẫu thuật loại 2, chỉ có thể phẫu thuật loại 3 thì chi phí được chi trả từ Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đủ bù chi. Bác sĩ Hường phân tích, với bệnh viện tuyến huyện, một năm phải thực hiện khoảng 1.200 ca phẫu thuật (trong đó phẫu thuật loại 2 phải được 300 ca) thì mới đủ bù chi phí. Nhưng người dân bỏ đi nhiều, chỉ còn 5 - 10 ca loại 2 chấp nhận ở lại phẫu thuật hở. Ví như một ca phẫu thuật loại 3 được chi trả 80 nghìn đồng, chi cho tiền công, thuốc, găng tay, kim, chỉ thì đã hơn 100 nghìn đồng. Hay một bệnh nhân bị bệnh mãn tính, chữa rồi đau lại, lên xuống bệnh viện huyện nhiều lần, người bệnh không hiểu nên bảo tuyến huyện không chữa được, phải chuyển họ đi lên tuyến trên. TTYT Tiên Phước không chuyển thì bệnh nhân gay gắt, đành phải cho chuyển viện.

        Đứng trước những khó khăn này, TTYT Tiên Phước chọn cách nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tá trở lên, bằng cách cho đi học từ năm 2010 đến nay được 6 người bằng kinh phí của TTYT. Ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho biết: “Xác định được ngành y tế của huyện còn nhiều khó khăn nên huyện đang xây dựng đề án riêng, hỗ trợ đào tạo bác sĩ chuyên tu, dù nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng huyện cũng cố gắng giữ chân bác sĩ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân”.

         Đối với đề án Thu hút nhân lực ngành y của tỉnh, cả bác sĩ Hường và lãnh đạo huyện Tiên Phước đều cho rằng chỉ có thể áp dụng với đồng bằng, khó có thể thu hút về Tiên Phước. Cần có thêm cơ chế ràng buộc, thu hút về Quảng Nam nhưng phải chịu sự phân công đến những huyện thiếu nhân lực. Hơn nữa, đề án chỉ đãi ngộ sinh viên ngành y mới ra trường chứ không nói đến việc đãi ngộ những người học chuyên tu lên bác sĩ về lại phục vụ cho địa phương.

                                                                                    Diễm Lệ - Báo Quảng Nam