www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Xây dựng cộng đồng an toàn

 Lần đầu tiên, người dân ở miền quê Tiên Cảnh (Tiên Phước) được làm quen với khái niệm “cộng đồng an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích”. Tưởng xa lạ, nhưng đó là những vấn đề gặp phải hằng ngày, quen thuộc với từng người, từng nhà.

            Lễ phát động “Xây dựng cộng đồng an toàn” chào đón sự có mặt khá đông của người dân và học sinh xã Tiên Cảnh. Ban đầu, nhiều người đến vì tò mò, muốn tìm hiểu việc xây dựng cộng đồng an toàn là như thế nào. Người dân được xem những đoạn phim ngắn, giải thích một cách rất dễ hiểu bằng hành động cụ thể về một ngôi nhà không an toàn và an toàn là như thế nào. Khi xem xong đoạn phim, anh Đoàn Văn Mỹ (thôn 7B, xã Tiên Cảnh) nói như tự nhắc mình: “Những việc như vậy mình cũng sai miết, ở nhà mình hay để phích nước dưới đất, dao kéo đôi hồi làm xong tiện tay vứt lung tung, ao cá thì không rào lại, vỏ thuốc trừ sâu có lúc vứt đại ngoài vườn. Xem phim này tôi mới biết đó là những việc làm không nên, vì gây nguy hiểm cho trẻ con. Từ nay tôi sẽ cẩn thận hơn, không để đồ đạc lung tung nữa”. 

 

Người dân xã Tiên Cảnh hiểu hơn về vấn đề an toàn cho con trẻ khi tham gia Chương trình “Xây dựng cộng đồng an toàn"

 

         Không chỉ xem phim về vấn đề an toàn, người dân Tiên Cảnh còn được tham gia vào một trò chơi kiến thức có thưởng với những câu hỏi liên quan thiết thực đến đời sống hằng ngày của họ. Những hình thức tuyên truyền gần gũi đã giúp người dân và học sinh dễ dàng tiếp nhận thông tin, hiểu mục đích của chương trình muốn mang lại cho xã hội. Những thông tin mà người dân được cung cấp trong buổi lễ phát động còn giúp họ hiểu thế nào là một ngôi nhà an toàn, một mái trường an toàn và cộng đồng an toàn.

       Từ đó, họ cần phải thực hiện những việc làm cần thiết để phòng chống tai nạn thương tích như hệ thống điện phải an toàn, tránh xa tầm với của trẻ, tủ thuốc gia đình phải đặt trên cao, ghi nhãn rõ ràng, thuốc bảo vệ thực vật dùng xong phải được bỏ vỏ đúng nơi quy định, dụng cụ lao động phải để ở nơi trẻ không lấy được, ao hồ phải có rào cản, giếng nước phải được che chắn... Bà Đồng Thị Ngọ (thôn 1, xã Tiên Cảnh) nói: “Bình thường thì tôi cũng biết để nước sôi trên cao cho mấy đứa nhỏ không lấy được, nhưng mấy thứ khác như dụng cụ lao động, vỏ thuốc, thuốc uống... tôi cũng hay đụng đâu để đó. Chừ có mấy cô chú ở chương trình về hướng dẫn tôi mới biết việc đó là không nên”.

 

                                   Trẻ em là đối tượng dễ gặp phải tai nạn thương tích nhất.


          Xây dựng cộng đồng an toàn là một trong những mục tiêu được hướng đến trong hợp phần y tế của Chương trình phát triển vùng huyện Tiên Phước do tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ. Xã Tiên Cảnh được chọn làm điểm xây dựng mô hình để sau đó sẽ nhân rộng ra 9 xã khác của huyện. Trong vòng 3 năm (2012 - 2015), chương trình hướng đến đích xây dựng xã Tiên Cảnh thành cộng đồng an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam. Ông Hoàng Khánh - Trưởng Chương trình phát triển vùng huyện Tiên Phước cho biết: “Chương trình sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, học sinh về vấn đề an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Mục tiêu hướng đến của chương trình là xây dựng ý thức, hành vi an toàn chứ không chỉ có cơ sở vật chất. Chương trình xây dựng mô hình điểm cho nhân dân học hỏi và tự xây dựng cho mình một ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn.

        Với trẻ em, có nhiều nguyên nhân gây tai nạn thương tích, trong đó chủ yếu do đuối nước và tai nạn giao thông. Vì vậy, chương trình sẽ cố gắng tạo ra môi trường an toàn cho trẻ cả ở nhà và ở trường, trẻ được giáo dục, phát triển kỹ năng ứng phó với tai nạn thương tích”. Tại xã Tiên Cảnh, các hội, đoàn thể, ngành đều có trách nhiệm trong việc xây dựng cộng đồng an toàn.

         Như Hội Nông dân tuyên truyền cho hội viên phòng tránh tai nạn lao động, biết cách sử dụng hóa chất nông nghiệp an toàn; thanh niên phải tuân thủ những quy định của pháp luật về an toàn giao thông; học sinh và thầy cô cùng xây dựng mái trường an toàn... Bên cạnh đó, những điểm có nguy cơ gây tai nạn thương tích như đường sá hư hỏng, công trình đang thi công, sân chơi, trụ điện, ao hồ, sông suối được chú trọng cải tạo. Xây dựng cộng đồng an toàn chính là từ ý thức của mỗi người, vì vậy toàn xã hội cùng chung tay sẽ giúp cho cộng đồng an toàn hơn, trẻ em được bảo vệ phát triển khỏe mạnh, toàn diện hơn, xây dựng tương lai tươi sáng hơn.

                                            Diễm Lệ - Báo Quảng Nam