www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Xác xơ "miệt vườn" Tiên Phước

 Những năm qua huyện Tiên Phước đã đầu tư tạo dựng được rất nhiều khu vườn kinh tế cao, chủ lực là các loại cây như quế, lòn bon, hồ tiêu, măng cụt, dó bầu… Nhưng nay, nhiều vườn đã tan hoang do bão.

        Có tận mắt chứng kiến cảnh đổ nát trong khu vườn hơn 8.000m2 của gia đình ông Nguyễn Viết (thôn Thanh Tân, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước) mới cảm nhận được mức độ tàn phá của bão. Điều mà chính ông Viết không ngờ tới đó là những cây quế 30 - 40 năm tuổi của ông đã sống chung với bão lũ nhiều năm qua nay lại bị gió quật đổ ngã chỏng chơ.

       Khoảng 25 cây quế được liệt vào hàng “cổ thụ”, là tài sản vô giá của khu vườn nay coi như “mất trắng” theo bão. Tuy chưa vào mùa thu hoạch quế, nhưng cả nhà ông từ người già đến trẻ nhỏ chỉ còn biết thu hoạch sớm nguồn thu từ cây quế theo kiểu vớt vát, nhặt nhạnh được đồng nào hay đồng ấy. Ông Viết cho biết, bình thường mỗi kẹp quế tươi giá 35 nghìn đồng/kg nay quế dập vụn chỉ còn phân nửa, nhưng phải là quế khô. Đó là chưa nói số quế cây trốc gốc coi như sau vụ thu hoạch vớt vát thì chỉ làm củi.

 

                 Vườn quế hơn 30 năm tuổi của ông Nguyễn Viết bị ngã đổ chỏng chơ

 

        Khu vườn hơn 5 sào của bà Nguyễn Thị Hạnh cạnh nhà ông Viết cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Lòn bon, hồ tiêu, dó bầu hơn 3 năm tuổi đang phát triển rất tốt nay ngã đổ gần như hoàn toàn, những cây chưa ngã đổ cũng xơ xác trông rất thê thảm. Trao đổi với chúng tôi, ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Tiên Phước đã có hàng trăm vườn kinh tế cao thuộc các xã Tiên Châu, Tiên Cẩm, Tiên Cảnh, thị trấn Tiên Kỳ bị hư hại từ 70 - 100%. Quế ngã đổ hư hại trên 13ha, tiêu gần 2,5ha, lòn bon trên 113ha, măng cụt 13ha, thanh trà gần 10ha, dó bầu 33ha, cau 16 ha… Cũng theo ông Minh, chính quyền đang động viên nhân dân khắc phục hậu quả, dẫu thiệt hại đến mấy Tiên Phước cũng phải lại đầu tư giúp dân phục dựng lại những khu vườn, trước mắt là hỗ trợ nguồn giống cây đặc sản cho dân. Bởi cây ăn quả, kinh tế vườn ở Tiên Phước là con đường nhanh nhất, hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo ở địa phương. 

       Nhìn những khu vườn trù phú với những loại cây trái đặc sản được gầy dựng hàng chục năm ở Tiên Phước nay tan hoang sau bão mới thấu hiểu nỗi xót xa của người làm vườn nơi đây. Biết đến bao giờ những khu vườn ở Tiên Phước mới trở lại như xưa.

                                                                                        Võ Văn Trường - Báo Quảng Nam

Thèm khát một lần được ăn cơm dưới ánh điện