www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Xưởng may gia công của chị Hằng

Xưởng may gia công của chị Hồ Thị Thúy Hằng (SN 1989, thôn 2, xã Tiên Thọ, Tiên Phước) không chỉ giúp cải thiện kinh tế gia đình mà còn giải quyết được việc làm cho nhiều chị em địa phương.

Sau khoảng thời gian làm việc, học nghề tại các xưởng may gia đình ở Sài Gòn, năm 2018 chị Hằng quay về quê hương Tiên Phước để lập nghiệp. Với tay nghề cứng, chị xin vào làm việc tại công ty may trên địa bàn. Tuy nhiên, chị luôn trăn trở làm sao có thể dung hòa giữa công việc và thời gian chăm lo gia đình.

Chị Hồ Thị Thúy Hằng chủ xưởng may gia công đầu tiên tại thôn 2, xã Tiên Thọ - Ảnh: THÁI CƯỜNG
Chị Hồ Thị Thúy Hằng - chủ xưởng may gia công đầu tiên tại thôn 2, xã Tiên Thọ. Ảnh: THÁI CƯỜNG

“Khi làm việc ở công ty may, tôi không có thời gian chăm sóc con cái nên quyết định nghỉ việc. Học hỏi được kinh nghiệm quản lý ở xưởng may tại gia trong Sài Gòn, tôi mạnh dạn mở xưởng may gia công tại gia đình” - chị Hằng tâm sự.

Ban đầu, chị Hằng liên hệ các công ty may trong Sài Gòn để nhận hàng cắt sẵn về may gia công, hoàn thiện sản phẩm. Dần dà, sản phẩm của chị tạo được uy tín, rất nhiều cơ sở đến đặt hàng với số lượng lớn. Qua đó giúp gia đình cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhận thấy nhiều chị em trong xã có gia cảnh giống mình nên chị Hằng tạo điều kiện, sắm sửa thêm trang thiết bị để chị em đến xưởng làm việc kiếm thêm thu nhập. Theo chị, so với làm việc tại các công ty, doanh nghiệp thì làm việc tại xưởng may của chị mọi người không cảm thấy bị áp lực về thời gian và năng suất lao động.

“Tại xưởng may của tôi, người lao động làm theo nhu cầu, thu nhập tính theo sản phẩm. Vì thế, chị em bận con nhỏ có thể sắp xếp thời gian hợp lý để bảo đảm mức thu nhập trên dưới 4 triệu đồng mỗi tháng, vừa chăm sóc tốt cho gia đình” - chị Hằng nói.

Chị Hồ Thị Thúy Hằng (trái) hướng dẫn, giúp đỡ những bạn trẻ trong học nghề và tạo việc làm - Ảnh: THÁI CƯỜNG
Chị Hằng hướng dẫn bạn trẻ học nghề may. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Ngoài tạo điều kiện làm việc, chị Hằng còn coi chị em như người thân, luôn động viên, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Với những lao động trẻ, chị tận tình hướng dẫn không chỉ trong công việc mà còn góp ý trong lối sống. Nhiều công nhân có con nhỏ, chị tạo điều kiện mang con đến xưởng để vừa làm vừa trông con khi con không đến trường.

Hiện tại chị Hằng trang bị thêm cho xưởng 6 máy may tự động và mở rộng xưởng, mỗi tháng có thể nhận gia công hơn 1.000 sản phẩm các loại. Thu nhập một năm gần 300 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương.

Bí thư Đoàn xã Tiên Thọ - chị Lê Thị Thương cho biết, tại xưởng may gia công của chị Hằng, chị em ăn lương theo năng suất lao động, ai làm nhiều hưởng nhiều, vì vậy chị em rất chịu khó học hỏi, hăng hái làm việc. Do không bị gò bó bởi các quy định như ở công ty nên chị em chủ động được thời gian để lo việc nhà, việc đồng áng.

“Thời gian đến, Đoàn xã sẽ khảo sát nhu cầu học nghề may của đoàn viên thanh niên, liên hệ chị Hằng để đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn xã. Đồng thời hỗ trợ chị vay vốn mở rộng quy mô xưởng” - chị Thương nói.

                                                   Thái Cường - Báo Quảng Nam