Vui mùa quế tiên…
Cuối tuần. Về quê, tôi đi dạo quanh làng Tích Phước. Cây quế không còn nhiều trong vườn tược của bà con nông dân. Anh Công cho tôi hay, cách đây gần hai mươi năm, được huyện khuyến khích cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế hơn, dân làng Tích Phước cũng như xã Tiên Lộc nói riêng, cả huyện Tiên Phước nói chung, phá bỏ cây quế gần hết.
Rồi anh bảo với tôi: “Cây quế không còn “lên ngôi” như một thời đã qua nhưng nó đem lại cho bà con nông dân nguồn thu nhập đủ trang trải chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày. Mùa quế tiên này, lá quế, vỏ quế, cành nhánh quế… đều có người đến tận nhà tìm mua”.
Qua tìm hiểu, tôi được biết ở làng Tích Phước và nhiều thôn xóm khác của xã Tiên Lộc, không ít bà con nông dân vẫn còn chừa lại những cây quế trồng nơi góc sân hoặc mé vườn khi cải tạo vườn tạp. Họ để lại những cây quế ấy vừa lấy bóng mát che chắn cho các loại cây trồng khác vào mùa nắng hạn, vừa giữ làm “kỷ niệm” về một một thời vàng son của loại cây trồng từng được coi là “ngọc quế”.
Gần hai chục năm trôi qua, dù không được chăm sóc nhưng những cây quế còn sót lại vẫn lên xanh, cành nhánh sum sê. Và giá cả các sản phẩm từ cây quế vào mùa quế tiên hay mùa quế hậu vẫn luôn trồi sụt thất thường. Theo lời Cả Phước, người dân ở thôn 3 xã Tiên Lộc, mùa quế tiên bắt đầu từ tháng chạp năm trước đến cuối tháng hai năm sau; còn mùa quế hậu kéo dài từ tháng 7 đến đầu tháng 9 âm lịch. “Mấy năm trước các sản phẩm từ cây quế giá cả thấp, lại ít có ai mua. Giêng hai năm nay, các mặt hàng quế được nhiều người tìm mua, giá cả cũng nhỉnh hơn đôi chút” - mẹ tôi nói.
Quế vỏ đập vụn được người mua ưa chuộng. Ảnh: N.Đ.AN |
Với cây nĩa làm bằng sắt, anh Công vừa lột vỏ mấy cây quế bị phung (bị tua mực) giúp mẹ tôi, vừa cho hay, quế thanh bây giờ không được ưa chuộng nên việc lột vỏ quế không cần thợ lành nghề vì chẳng tuân theo thước tấc quy định. Vỏ quế lột dài ngắn chi cũng chung một giá: 40 - 45 nghìn đồng/kg. Quế đập: 30 - 35 nghìn đồng/kg. Quế chà và lá quế khô: 5 nghìn đồng/kg. “Cứ chiều tà là những người buôn quế ở thôn Phái Nam, thị trấn Tiên Kỳ, sang làng Tích Phước mua gom các sản phẩm từ cây quế. Có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, không lo sợ ế” - mẹ tôi bảo. Rồi mẹ tôi cho biết, nhà nào có độ mươi lăm cây quế trong vườn, tỉa cành nhánh và quét hốt lá quế khô bán cũng có đồng ra đồng vào. Ở quê, với số tiền ấy cũng đủ trang trải chi tiêu hàng ngày. Theo chị N. chuyên mua bán các sản phẩm từ cây quế ở thôn Phái Nam, thị trấn Tiên Kỳ, quế chà và lá quế khô người ta mua làm nguyên liệu sản xuất hương thơm, còn quế đập, quế vỏ các đại lý mua làm gì không rõ…
Mùa quế tiên có giá nhỉnh hơn so với mọi năm khiến không ít hộ dân còn chừa quế lại trong vườn ở các xóm thôn Tiên Phước khấp khởi mừng vui.
N.Đ.An - Báo Quảng Nam