Viếng mộ cụ bà Huỳnh Thúc Kháng
Ngày đầu thu, tôi có dịp về Tiên Phước thăm Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, viếng mộ cụ bà thân sinh và mộ vợ cụ Huỳnh. Lòng tôi bỗng chùng xuống khi đứng trước hai ngôi mộ đơn sơ nằm giữa vườn chè.
Từ Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (ở thôn 1, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), theo con đường rẽ về xã Tiên An chưa đầy 500m, Huỳnh Toàn đưa tôi đến viếng mộ cụ bà Huỳnh Thúc Kháng. Lòng tôi bỗng nao nao, chùng xuống khi đứng trước nơi yên nghỉ vĩnh hằng của cụ bà Nguyễn Thị Tình (thân mẫu cụ Huỳnh Thúc Kháng), em ruột của Tế tửu quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu, cụ bà quê ở thôn Hội An xã Tiên Châu huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam.
Mộ cụ bà lặng lẽ nằm bên ngôi mộ người con dâu hiếu thảo Nguyễn Thị Sắt - phu nhân của quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người chị cả của Hội Mẹ chiến sĩ Quảng Nam. Không gian trầm mặc choàng lên 2 ngôi mộ nằm giữa vườn chè ấm áp trong ánh nắng thu.
Mộ cụ bà thân sinh (bên trái) và mộ vợ cụ Huỳnh.
Năm 1895, cô thôn nữ Nguyễn Thị Sắt về làm dâu nhà cụ ông Huỳnh Tấn Hữu và cụ bà Nguyễn Thị Tình - song thân của nho sinh Huỳnh Hanh (Huỳnh Thúc Kháng). Bà sinh năm 1881, trong một gia đình nho giáo vọng tộc, tại làng Đại Đồng, huyện Tiên Phước. Sau 8 năm về làm dâu, bà Nguyễn Thị Sắt hạ sinh con gái đầu lòng, ông bà đặt tên là Huỳnh Thị Xuân Lan, thường gọi là cô Yển. Năm 1908, bà sinh người con gái thứ hai, đặt tên là Huỳnh Thị Thu Cúc, thường gọi là cô Kình.
Sau vụ kháng thuế ở Quảng Nam nổ ra vào năm 1908, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Năm 1909, bồi hồi cám cảnh, nhớ về người vợ hiền nơi quê nhà Thạnh Bình (Tiên Cảnh) đang phụng dưỡng cha mẹ già, chăm lo việc đồng áng, nuôi dạy con trẻ thơ dại, tảo tần nơi làng nguồn heo hút, cụ Huỳnh tự cho mình là người chồng khùng:
Vô duyên giá tác cuồng sanh phụ,
Tân khổ lao đao độc tự liên.
Dịch thơ:
Rủi ro khéo gặp chồng khùng,
Nhọc nhằn nhiều nỗi đau lòng đắng cay.
Và cụ làm những câu thơ cám cảnh về gia đình, vợ con, tự sự nỗi u hoài (dịch thơ từ chữ Hán):
Vội vàng rẽ bước ra đi
Đứa vừa sáu tuổi, đứa thì mới sanh
Nhớ cha trông ngất trời xanh
Dạy nuôi nhờ có mẹ lành gắng công
Bằng nay Quốc ngữ học thông
Tiếng nhà may nối Tiên đồng khúc xưa.
Cụ còn có những dòng tự sự khác nữa: “Đứa con gái đầu mới sáu tuổi, đứa sau, tôi bị bắt tháng hai, mà nó tháng bảy mới sinh (1908), kế tháng tám, tôi bị đày ra Côn Lôn”.
Bà Huỳnh Thị Xuân Lan lập gia đình với ông Lê Bá Khải, có người con trai tên là Lê Thứu. Năm 1954, ông Thứu tập kết ra Bắc, sau đó nhận nhiệm vụ tại Sở Ngoại thương TP. Hải Phòng. Bà Huỳnh Thị Thu Cúc kết duyên với ông Lê Nhiếp, người huyện Quế Sơn. Ông Nhiếp là một trong những trợ bút đắc lực của cụ Huỳnh trong thời gian ông làm báo Tiếng Dân ở Huế. |
Sau 13 năm bị giam cầm nơi Côn Đảo (1908 - 1921), cụ Huỳnh trở về sống bên cha mẹ, vợ con, bốc thuốc chữa bệnh cho dân làng. Cụ bà chăm chuyên việc đồng áng. Một hôm, bà Nguyễn Thị Sắt tâm tình cùng chồng về việc cưới vợ lẽ cho ông để mong có con trai nối dõi tông đường. Ông nhất nhất không chịu, đọc ngay hai câu thơ:
Không trai thì gái cũng tròn
Chị em Trinh nữ mãi còn tiếng thơm(*).
Sau nhiều lần bà Sắt đem chuyện “cưới thêm bà hai” thuyết phục ông, phân giải chân tình, cùng với ý kiến của hai đấng sinh thành và họ hàng thân tộc, ông thuận lòng. Thế là bà cưới vợ cho chồng. Trong niên phổ (tự truyện), cụ Huỳnh viết: “Năm nay (1924), nội tử cưới thứ thất cho tôi, Hồ Thị Chuông người trong làng”. Sau gần 10 năm chung sống với nhau, bà Chuông vẫn chưa thể sinh cho cụ Huỳnh mụn con. Năm 1933, bà Chuông ra Huế thăm cụ Huỳnh nhưng không gặp, bà mất ở đây. Bây giờ mồ mả vẫn còn xiêu lạc vì biến cố chiến tranh.
Năm 1947, cụ bà Huỳnh Thúc Kháng được đề cử làm Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ Quảng Nam, cơ quan đóng tại huyện Tiên Phước. Ngày 7-6-1953, nhằm ngày 26-6 âm lịch, bà qua đời tại quê nhà, hưởng thọ 72 tuổi. Thấm nhuần và ảnh hưởng sâu sắc đạo đức cách mạng của chồng, suốt 7 năm quán xuyến công tác Hội Mẹ chiến sĩ tỉnh, bà luôn ân cần thăm hỏi, động viên chị em hội viên trong mọi hoạt động; vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, đoàn kết một lòng, biểu dương ý chí chống thực dân Pháp xâm lược. Bà đã để lại biết bao tình cảm sâu nặng trong lòng hội viên và nhân dân Quảng Nam.
Thương tiếc người mẹ - người chị luôn nêu đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, trong tang lễ bà, Hội Mẹ chiến sĩ Quảng Nam đã kính viếng câu đối tưởng niệm:
- Ngoài 70 tuổi nối gót theo ông, phú nhà cửa cho họ đương, khuất bóng hơi hương còn phưởng phất.
- Trong một tỉnh mất bà chị cả, hội chị em hàng binh sĩ, chia buồn giọt lệ những tuôn rơi (**).
Cụ bà Huỳnh Thúc Kháng, một mẫu người tập trung các đức tính cao quý của người phụ nữ hiền hậu, đảm đang, làm tỏ rạng thiên chức của người phụ nữ Việt Nam mãi mãi là hình ảnh đẹp trên quê hương Tiên Phước nói riêng, Quảng Nam và của đất nước nói chung.
Nắng thu vẫn miên man trên ngôi mộ đơn sơ. Tôi chạnh nhớ thuở bé thơ, lon ton chạy theo dòng người tiễn đưa linh cữu cụ bà. Cùng với ý niệm của lòng, kính cẩn đốt nén nhang thơm thắp lên hai ngôi mộ đơn sơ... Ý nghĩa thiêng liêng tỏa ngát hương trầm cội nguồn truyền thống.
Võ Khoa Châu - Hội viên Hội VHNT Khánh Hòa
(*), (**) Theo tư liệu của ông Huỳnh Toản (cháu gọi cụ Huỳnh Thúc Kháng bằng ông nội chú).