www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Vang vọng chiến tích hào hùng

Hôm nay 23.9.2022, huyện Tiên Phước tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà (25.9.1962 - 25.9.2022).

 

Ông Lưu Văn Chính kể cho lớp trẻ nghe về chiến dịch Vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà vào năm 1962. Ảnh: D.L
Ông Lưu Văn Chính kể cho lớp trẻ nghe về chiến dịch Vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà vào năm 1962. Ảnh: D.L 

Ngày ấy, các đơn vị bộ đội chủ lực của Quân khu 5 phối hợp với Tỉnh đội Quảng Nam và các đội công tác của huyện Tiên Phước mở chiến dịch làm nên chiến thắng vang dội, tạo điều kiện để tiến hành xây dựng căn cứ địa cách mạng của tỉnh Quảng Nam, làm bàn đạp tiến xuống đồng bằng và bảo vệ vùng hậu cứ rộng lớn phía tây của tỉnh, bổ sung nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông Lưu Văn Chính - nguyên Đội trưởng Đội công tác huyện Tiên Phước tâm sự, chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà để lại trong ông những hồi ức không thể nào quên. 

Ngay sau chiến thắng của chiến dịch vượt sông Tranh, giải phóng 2 xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc, Khu ủy 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam tiếp tục chủ trương mở chiến dịch vượt sông Tiên, phá vỡ tuyến phòng thủ giải phóng 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà (nay là các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà, huyện Tiên Phước) để mở rộng vùng căn cứ cách mạng.

Ông Chính hồi tưởng: “Thực hiện chủ trương của Khu ủy và của Tỉnh ủy, từ cuối tháng 8 đầu tháng 9.1962, các đơn vị tập trung của lực lượng vũ trang tỉnh tiến hành huấn luyện bổ sung, tăng gia sản xuất, chuẩn bị chiến trường. Tiểu đoàn 70 của tỉnh là lực lượng chính tham gia chiến dịch. 

Các đội công tác và nhân dân Tiên Phước tập trung xây dựng lực lượng, tăng thêm quân số. Tỉnh cũng tăng cường cho huyện Tiên Phước nhiều cán bộ, chiến sĩ bổ sung cho các đội công tác làm nòng cốt phát động nhân dân đứng dậy phối hợp với lực lượng vũ trang giành quyền làm chủ. 

Qua thời gian chuẩn bị hậu cần và học tập chỉnh huấn xây dựng quyết tâm cho cán bộ và lực lượng vũ trang với khẩu hiệu “Vượt sông Tiên chỉ tiến không lùi”, ngày 25.9.1962, Đại đội 3, Tiểu đoàn 70 phối hợp với các đội công tác huyện Tiên Phước quyết định vượt sông, tiếp cận mục tiêu.

Các mũi tấn công đồng thời thọc sâu nổ súng tiến công đánh chiếm các cơ quan hội đồng xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà. Chiến thắng tiếp theo là trận đánh tao ngộ tại Dốc Xoài (thôn 4, Tiên Sơn). Các đơn vị phát triển đánh chiếm từng khu vực, truy quét địch, bảo vệ tài sản của nhân dân.

Các đơn vị chiếm lĩnh và chốt giữ những vị trí quan trọng, phát động quần chúng phá ấp, truy quét ác ôn, kêu gọi binh lính địch ra hàng. Các chiến sĩ xuống từng gia đình tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách của Đảng; tổ chức mít tinh phát động quần chúng, thành lập chính quyền cách mạng, ổn định đời sống nhân dân...

Chiến dịch này không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là một đợt hoạt động mà mở thế tiến công. Lần đầu tiên ta chọc thủng hệ thống phòng thủ của địch, phá thế giằng co ở vùng giáp ranh, mở ra một địa bàn rộng lớn; giải quyết được khó khăn về nguồn nhân lực, vật lực phục vụ cho cách mạng, bước đầu rút kinh nghiệm phát động quần chúng giải phóng đồng bằng. Từ đây, lực lượng của ta tiến xuống Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình tạo thế thuận lợi làm chủ để phát triển, mở rộng vùng giải phóng và vùng làm chủ.

Giải phóng Sơn - Cẩm - Hà đã tạo niềm tin phấn khởi, động viên được tinh thần cách mạng cho nhân dân, rút ra nhiều kinh nghiệm trong phát động phong trào quần chúng, vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân với phương châm “Hai chân ba mũi giáp công”. Từ đó, phong trào phá ấp chiến lược, phá thế kèm kẹp của địch, giải phóng và làm chủ nông thôn, đồng bằng diễn ra trên khắp chiến trường Quảng Nam.

Diễm Lệ - Báo Quảng Nam