Văn hóa đá và kiến trúc xanh
Với đặc trưng của vùng quê mà kiến trúc đá đã tác tạo và trở thành nét văn hóa độc đáo nên Tiên Phước đã có những bước đi riêng, phù hợp để đưa những tiêu chí xây dựng nông thôn mới thô cứng trở nên sống động hài hòa với không gian văn hóa vùng trung du. Không gian đó vừa đủ cho sự bền vững, chắc chắn vừa thân thiện với môi trường tự nhiên - một không gian kiến trúc xanh đúng nghĩa.
Đá và văn hóa đá
Đến nay chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu chuyên đề về đá và văn hóa đá ở Tiên Phước. Tuy nhiên qua đánh giá sơ bộ về địa tầng các nhà địa chất đã xác định và phân chia trong phạm vi huyện Tiên Phước tồn tại các loại trầm tích biến chất thuộc hệ tầng Khâm Đức. Hệ tầng này được xếp loại cổ nhất ở khu vực miền Trung và có đặc điểm là cấu tạo dạng lớp song song nhau, dễ tách thành những phiến mỏng và thường rắn chắc hơn đá trầm tích.
Trên thực địa, Tiên Phước là địa chỉ của những địa danh đá. Các tên gọi như sông Đá Giăng, bãi đá Lò Thung, núi đá đen, núi đá ràng, động đá Hang Dơi, hệ thống thác đá như thác Ồ Ồ Vực Vin, thác Ồ Ồ Đá Bàng - Ổ gièo, thác đá Đèo Liêu, thác đá Cẩm Lãnh, thác đá Xai Mưa… Đặc biệt làng cổ Lộc Yên ôm lấy bìa sông Đá Giăng là địa chỉ của miền văn hóa đá. Đá ở đây chủ yếu là đá phiến được khai thác trong quá trình khai hóa đất và dưới lòng sông Đá Giăng. Đá khai thác ở sông có đặc điểm là phiến mềm dễ tách mỏng, bằng phẳng theo ý của người khai thác nhưng khi đắp bờ thì cứng cáp vững chãi và liên kết rất tốt.
Ngõ đá Tiên Phước. |
Có thể nói Tiên Phước là vùng trung du còn nhiều làng quê chứa đựng hồn cốt của không gian văn hóa làng, mà trong đó làng cổ Lộc Yên là điểm nhấn khá tiêu biểu cho cả Quảng Nam. Ở đây đá chính là bản sắc riêng có. Trong điều kiện còn nhiều hạn chế về địa hình, thổ nhưỡng của một vùng đất bán sơn địa vừa được khai phá, những cư dân đầu tiên đến vùng Tiên Phước đã biết tận dụng những nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà để tạo nên không gian sinh hoạt cho gia đình và cộng đồng.
Và cho đến nay ý tưởng của các bậc tiền nhân vẫn được những người dân ở đây phát huy một cách triệt để. Đá len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống người dân, đá xây nhà, xây mộ, xây bờ ngõ, xếp lối đi, đá xây giếng nước, xây chuồng cho gia súc, xây thành bờ ngăn, bờ rào, giới hạn cho khu vườn thuộc sở hữu của gia đình mình, ngăn nước, giữ nước tạo lối đi, tạo cổng ngõ… Kỹ thuật xếp đá tự nhiên không phải gia công phức tạp (cắt, chẻ,…) được xếp thành bờ không quá cao (từ 1m đến 1,2m) theo kiểu đế lớn chóp nhỏ dần, viên lớn ở dưới, viên nhỏ ở trên gài đan xen không cần xi măng nhưng vẫn kết dính vững chãi.
Theo thời gian, cây cỏ có thể dễ dàng mọc xen vào các khe đá, bề mặt tạo nên thảm thực vật phủ kín đã làm xanh hóa và mềm đi sự khô cứng, nóng bức của đá; tạo ra nét cổ kính trầm mặc của không gian văn hóa làng. Phải nói rằng, đá ở các làng quê Tiên Phước được hiện diện như một ưu thế riêng có.
Trong xây dựng nông thôn mới
Trong khi rất nhiều làng quê đang tự “làm mới” mình theo hướng hiện đại thì ở huyện trung du Tiên Phước, một số thôn xóm vẫn giữ được bản sắc truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh những ngôi nhà rường cổ, những con ngõ, bờ vườn, mộ cổ… được xây bằng đá ngót nghét hàng trăm năm tuổi, người dân các làng quê ở Tiên Phước biết kế thừa di sản quý báu, tận dụng những nguyên liệu sẵn có để thiết kế không gian sống, sinh hoạt, lao động của gia đình, cộng đồng mình. Vừa hạn chế được sự khô cứng của bê tông, cốt thép vừa giữ gìn và phát huy được không gian văn hóa truyền thống vốn có từ bao đời.
Tiên Phước đã đề ra hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân cải tạo, phát triển kinh tế vườn, đặc biệt với các hộ dân ở vùng trọng điểm cần được bảo tồn như làng Lộc Yên, Thanh Khê, Hội An, Phú Lâm. Những bờ đá được xây mới, ngõ nhà được tái tạo đá làm lối đi, xây ao cá, trồng cây xanh, tạo cổng ngõ, chỉnh trang nhà vườn theo hướng phục cổ nhưng vẫn đảm bảo xanh - sạch - đẹp… tất cả đều có cơ chế hỗ trợ đặc biệt, khuyến khích động viên và chung tay cùng người dân bảo tồn, gìn giữ và phát huy không gian văn hóa làng.
Nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt, câu lạc bộ “nhà sạch vườn đẹp” được hình thành ở nhiều xã đã hỗ trợ các hộ dân trong việc cải tạo không gian vườn nhà, cổng ngõ… Hầu hết hộ gia đình thực hiện việc cải tạo không gian vườn nhà theo hướng “phục cổ”. Bờ vườn, lối ngõ đều được xây dựng bằng vật liệu đá, cây xanh, dây leo xanh; đường làng và cả nhà văn hóa thôn cũng tạo không gian kiến trúc xanh như xây bờ đá, trồng chè tàu, trồng cau bao quanh khuôn viên, tạo một không gian đẹp hài ḥòa với văn hóa làng quê…
“Kiến trúc xanh”, hay nói cách khác là “kiến trúc bền vững” thường đề cập việc kiến tạo các công trình kiến trúc bằng cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong suốt “đời sống” của công trình; hàm chứa các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa nhân văn của cộng đồng, đảm bảo mối quan hệ sinh thái hài hòa giữa con người - kiến trúc - thiên nhiên.
Dù chưa biết đến khái niệm “kiến trúc xanh” nhưng những ngôi nhà rường cổ và không gian sống được thiết kế xây dựng từ nguyên liệu tại chỗ, cỏ cây với gam màu chủ đạo của đá là di sản văn hóa quý báu ở Tiên Phước. Trải qua hàng trăm năm, nhưng ý tưởng của cha ông không những không lạc hậu mà càng có ý nghĩa khoa học trong một nền kiến trúc hiện đại mà nhân loại đang hướng tới: kiến trúc xanh. Điều đó một lần nữa khẳng định tính hiện đại của các giá trị văn hóa truyền thống cần được phát huy.
Tùy theo bản sắc, đặc điểm riêng có của từng vùng miền để xây dựng những làng quê Việt hài hòa về cảnh quan thiên nhiên, tránh những rập khuôn, máy móc và quan trọng hơn là hạn chế đến mức thấp nhất sự biến dạng không gian làng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Kim Thiện - Báo Quảng Nam