www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Văn hóa đá

Đá không chỉ là phương tiện thông thường dùng trong xây dựng, tạo hình mà còn là một loại hình văn hóa tồn tại trên 500 năm ở Tiên Phước - Quảng Nam. Từ TP Tam Kỳ - tỉnh lỵ Quảng Nam - có con đường ĐT 616 đi về hướng Tây lên các huyện miền núi. Huyện đầu tiên mà du khách đến là Tiên Phước. ĐT 616 nguyên là con đường của Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu - cố vấn chính trị của Ngô Đình Diệm, mở ra để vận chuyển quế Trà My đưa về Đà Nẵng xuất khẩu. ĐT 616 nay đã được mở rộng, tráng nhựa hoàn chỉnh, trở thành một trong những con đường nối đồng bằng với vùng nguồn tỉnh Quảng Nam.

 Nhìn đâu cũng thấy đá

Đi trên đường ĐT 616 khoảng 27 km, ta đến huyện Tiên Phước. Tuy cách Tam Kỳ không xa nhưng ngày trước, Tiên Phước được coi là một vùng nước độc. Đất Tiên Phước là đất núi đồi, cây trồng chủ yếu là mít. Giao thông cách trở, người Tiên Phước xưa chỉ mong có được con cá biển để ăn nhưng cá trở thành một thứ thực phẩm quý hiếm. Ca dao Quảng Nam có câu: Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

 

Đá bàng thôn Thanh Khê B xã Tiên Châu


Bởi được coi là vùng nước độc nên thực dân Pháp đã chọn Tiên Phước lập ra nhà lao Tiên Hội khét tiếng tàn nhẫn để giam giữ, đày ải những người cộng sản và người yêu nước. Hiện nay, Tiên Phước còn là huyện nghèo của tỉnh Quảng 
Nam. Thế nhưng, trong sinh hoạt văn hóa, đất Tiên Phước không nghèo chút nào.


Tiên Phước là nơi sản sinh hai nhân vật kiệt xuất của Quảng 
Nam, hai vị tiến sĩ của triều Nguyễn. Họ khẳng khái không chịu làm quan mà chọn con đường yêu nước, chống Pháp. Đó là tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng và tiến sĩ Phan Châu Trinh. Tuy vậy, cái độc đáo của Tiên Phước là nơi đây vẫn duy trì được một dạng văn hóa dân gian trên 500 năm qua: Văn hóa đá.



     Đường đá, ngõ đá, “sân khấu nhân dân” ở Tiên Phước - Quảng Nam


Từ khi vua Lê Thánh Tông tuần du phương 
Nam, kêu gọi nhân dân về Nam khẩn hoang lập làng thì những cư dân Thanh - Nghệ đã lên nguồn Tiên Phước khai phá. Tiên Phước vốn là vùng rừng núi, có nhiều gỗ quý. Cư dân đến đây muốn làm những căn nhà đẹp để đời. Những người giàu có cho khai thác gỗ tốt, mời thợ có tay nghề cao, chạm trổ đẹp đến dựng nhà. Tiên Cảnh là một làng cổ có những ngôi nhà đẹp như thế.


Có ngôi nhà đẹp rồi, người ta nghĩ đến việc bố trí những sân vườn có không gian đẹp. Tiên Phước là vùng rừng núi, nhìn đâu cũng thấy đá. Người ta cho dọn vườn để lấy đá ra. Đá Tiên Phước là đặc sản, không viên nào giống viên nào, mỗi viên có một hình dạng khác nhau. Người ta lấy đá chất lên làm thành lũy xung quanh khuôn viên để phân biệt nhà này với nhà khác, phân biệt vườn và núi.


“Sân khấu nhân dân”


Với sự khéo tay, người ta chọn những viên đá tự nhiên phẳng phiu, chất lên để làm cổng ngõ vào nhà. Đá này được gọi là đá thẻ, gần giống như viên gạch thẻ do con người làm ra. Ở mỗi bên cổng ngõ, người xưa chất hai hàng đá cao khoảng 1,5 m, giữa chừa một khe trống khoảng 0,4 m. 

Người ta đổ đất vào khe trống ấy khiến hai hàng đá được chất lên trở thành một bức thành dày. Rồi người ta đem cây chè tàu, một loại cây hoang có lá nhỏ tròn và hình dáng đẹp, trồng vào lớp đất đổ giữa hai hàng đá. Cây chè tàu lớn lên, rễ ăn vào trong các kẽ đá. Đất càng ngày càng nén chặt khiến bức tường thành chất bằng đá tự nhiên ngày càng bền vững.


Khách xa tới thăm một ngôi nhà ở Tiên Phước, đi qua cổng ngõ hai bên trái phải được chất bằng đá cứ ngỡ chè tàu mọc trên đá. Để làm cho lối đi vào nhà đẹp hơn, người Tiên Phước thường xuyên tỉa tót hai hàng chè tàu, tạo dáng cho chúng ngay hàng thẳng lối. Cảm giác đầu tiên của khách trước khi vào nhà là cảm nhận được một không gian xanh: Chè tàu xanh, đá trăm năm lên rêu xanh, cây trái trong vườn xanh.

 

Ngõ đá và cỏ đá ở Tiên Phước


Nhà của người dân Tiên Phước thường nằm trên đồi, mặt xây về hướng Đông, Nam hay Đông Nam để tránh cái nắng gay gắt của mùa hè khi ngọn gió Nam Lào thổi xuống và cái lạnh se sắt của mùa đông khi gió mùa Đông Bắc tràn về. 


Có những căn nhà cao hơn mặt đường khoảng chục mét. Làm sao để làm đường đi lên? Người Tiên Phước dùng đá lót đường, tạo những bậc thang như thang lầu. Trong trường hợp này, người ta tận dụng hình thù của viên đá, tránh bớt những kẽ hở để bước chân đi - vốn chưa có giày dép - an toàn. Ở những chỗ kẽ hở giữa hai viên đá hơi rộng, người ta dùng vôi trộn với a dao (chất nhựa dẻo từ da trâu khô nấu ra) hay mật rỉ đường làm chất kết dính trét vào.


Những đêm trăng sáng, trai gái trong làng gặp nhau ở các ngõ đá đẹp, chia nhau ngồi hai bên, hát hò khoan đối đáp. Ngõ đá, đường đá trở thành “sân khấu nhân dân”, giúp các chàng trai, cô gái thể hiện tài năng ứng tác câu hát và biểu diễn. 

Nhiều mối tình hình thành và nhiều lứa đôi ăn đời ở kiếp với nhau từ các cuộc hát đối đáp này. Ca dao Tiên Phước có câu: Có duyên lấy được chồng nguồn/ Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui.


Sống nhờ đá, chết cũng nhờ đá


Trong thiên nhiên, đá tự nó tạo ra những kỳ quan thú vị, hấp dẫn du khách đến xem. Tiên Phước có hai dòng sông là sông Tiên và sông Giăng, nước trong vắt như ngọc, chảy qua những ghềnh đá rất nên thơ. 

Thắng cảnh Lò Thung ở hai xã Tiên Lộc và Tiên Cảnh có những hàng đá xếp lên tự nhiên, bao quanh dòng nước biếc. Đá trở thành nguồn cảm hứng trong thi ca người Tiên Phước. Thơ của Huỳnh Thúc Kháng có câu: Một cái Lò Thung, một Sơn Ve/Ai xây ai đắp khéo nên kìa/Ngàn năm còn mãi kỳ quan ấy/Đổ xòe nước bạc, đá so le.


Tại Lò Thung ngày nay còn hiện diện một dấu chân lớn tự nhiên in trên đá. Nước chảy bao nhiêu năm qua phiến đá này vẫn không làm phai mờ được dấu chân. Ông Dương Văn Xuân, Phó Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, ngày đi kháng chiến qua đây, đã từng viết: Gập ghềnh đá trải sông Giăng/Tìm trong cô quạnh ánh trăng cuối mùa/Lò Thung vọng tiếng đò xưa/Bàn chân cổ tích nước chưa xóa mờ.

 

Bãi đá Lò Thung xã Tiên Cảnh


Người sống nhờ đá, người qua đời cũng nhờ đến đá. Khi công nghiệp xi măng chưa có, dân Tiên Phước an táng người qua đời trong mộ đá. Mộ đá xếp theo hình vuông, chữ nhật, hay ô-van, bên ngoài có thành lũy bằng đá bao bọc. Những ngôi mộ cổ này còn lại khá nhiều ở Tiên Cảnh và Tiên Lãnh. Nếu những ngôi mộ được vun bằng cát ở các vùng duyên hải dễ bị cát xâm thực, làm mất đi thì mộ đá ở Tiên Phước bền vững đời đời.


Đá còn là phương tiện tự vệ để giữ mạng sống. Cách đây trên 50 năm, cọp còn ở Tiên Phước khá nhiều. Những đêm tối trời, chúng thường xuống làng bắt heo, bò. Theo các cụ cao tuổi, ở làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, quê hương của cụ Huỳnh Thúc Kháng, cọp vào đẻ trong rẫy của người dân là chuyện thường. 

Để chống cọp, không cho chúng dễ dàng xâm hại sinh mạng người làm rẫy và giữ rẫy, người ta chất đá lên cao vài mét làm thành ngăn cản. Người Tiên Phước còn làm lưới vây cọp, mỗi lần vây bắt có hàng trăm đàn ông tham gia...

 

Ngõ đá chất chồng lên nhau rất đẹp


Lên nguồn Tiên Phước vào mùa xuân, ta nhìn thấy được trời xanh, nước xanh và đá bạc. Hồn ta nhập vào hồn đá, lắng nghe tiếng đá gọi về. Sông Tiên xanh chảy ngược hướng thông thường của các dòng sông Quảng Nam, đổ về miền Tây hợp lưu với sông Thu. 

Con người Tiên Phước lãng mạn vô bờ, tâm hồn xanh như dòng chảy sông Tiên nhưng cũng quật cường cứng rắn vô bờ như đá núi tồn tại hàng vạn năm giữa núi rừng Tiên Phước.

 

Dấu vết 500 năm

Đá còn là phương tiện bảo vệ mùa màng, sản vật trồng tỉa được. Heo rừng ở Tiên Phước ngày xưa rất nhiều, thường vào rẫy ăn khoai, sắn, bắp, đậu phộng của dân. Hàng rào đá xung quanh rẫy chống cọp cũng đồng thời dùng để chống heo rừng. 

Sáng tạo thêm một bước, người dân dùng đá để bẫy bắt heo rừng, gọi là hầm heo. Để làm hầm heo, thoạt tiên, nhiều người cùng nhau khuân đá chất thành hai bức thành cao khoảng 1 m, làm một con đường cho heo rừng chạy. 

Con đường mở đầu có thể rộng cả vài chục mét rồi hẹp dần còn vài mét và kéo dài cả cây số; cuối đường đào một cái hầm rộng, sâu chừng 3-4 m. 

Người ta lấy đá lót từ đường xuống hầm với độ dốc khoảng 45 độ, làm sao cho heo rừng chạy xuống được nhưng quay ngược lên không được.

Heo rừng thường về ban đêm. Người dân đốt đuốc, đánh phèng la, đuổi chúng chạy vào đường giữa hai vách đá. Heo cứ thế mà chạy và cuối cùng rớt xuống hầm.


Tại Gò Vàng (Tiên Sơn) và Đồng Trại (Tiên Cảnh) ngày xưa có hai hầm heo lớn. Ngày 2-12-1955, Quốc Dân Đảng đã bắt 400 người cộng sản và bị tình nghi là cộng sản đến hai hầm này giết tập thể. 

Chúng trói nạn nhân, xâu thành một chuỗi, đẩy người đầu xuống hầm cho những người sau té xuống theo. Rồi chúng lấp đá lên, chôn sống cả 400 người. 55 năm qua, vào ngày này, huyện Tiên Phước vẫn tổ chức lễ tưởng niệm những người đã hy sinh.


Vùng ba xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà có nhiều hầm heo. Những hầm heo ấy nay đã trở thành dấu vết văn hóa sống của cả 500 năm. 

Vũ Đức Sao Biển - Báo Người Lao Động