www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Vợ chồng kỹ sư trẻ và mô hình nông nghiệp sạch

Với niềm đam mê và những dự định khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sạch, hơn 2 năm quyết định lập nghiệp tại huyện Lâm Hà, anh Bùi Ngọc Châu, cùng người vợ - bạn đồng hành của mình đã bắt tay sản xuất nông nghiệp sạch theo Mô hình Vườn - ao - chuồng - ruộng - rừng. Những kết quả đạt được ban đầu là hiệu quả kinh tế, niềm tin của người tiêu dùng đang tiếp thêm động lực và sự tự tin để đôi vợ chồng nông dân trẻ này hiện thực hóa những ước mơ và dự định của mình trên mảnh đất Lâm Hà.

 

 Vợ chồng anh Bùi Ngọc Châu quyết định khởi nghiệp bằng nông nghiệp sạch với những bước đi bài bản và chắc chắn
 
 
Sinh ra và trưởng thành trên quê hương Tiên Phước, Quảng Nam - nơi mà mô hình kinh tế Vườn - ao - chuồng - ruộng - rừng đang mang lại những bước đi bền vững cho người nông dân, dù là một thanh niên tốt nghiệp Đại học Ngành Công nghệ thông tin, song anh Bùi Ngọc Châu vẫn luôn ấp ủ những dự định khởi nghiệp từ mô hình kinh tế này. Và ngay khi bén duyên tại mảnh đất Đà Lạt, chàng thanh niên đã mạnh dạn thuê đất đầu tư trồng rau theo những kế hoạch, dự định mình đã đặt ra. 5 năm trải qua nhiều khó khăn, thách thức, từng thất bại, song anh cũng đã gặt hái những thành công đủ để kiên trì theo đuổi dự định của mình. Và mảnh đất Hoài Đức (Lâm Hà) đã trở thành nơi vợ chồng nông dân trẻ này quyết định dừng chân, khởi nghiệp và tiếp tục hiện thực hóa ước mơ, dự định của mình. 
 
Trên mảnh vườn 2,7 ha, hai vợ chồng kỹ sư ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ thực phẩm đã thiết kế theo từng khuông, từng mảnh trồng xen canh 40 loại rau, cùng với đầu tư một chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín hoàn toàn với phương châm “đất sạch, rau sạch”, “đất khỏe, rau khỏe”. Điều đặc biệt là trong suốt quy trình sản xuất của mình, anh không sử dụng thuốc trừ sâu, không thuốc diệt mầm diệt cỏ, không sử dụng giống biến đổi gen, không sử dụng phân bón hóa học. Để đảm bảo quy chuẩn này, anh đã thiết lập riêng cho mình một nhà máy tự sản xuất phân bón hữu cơ. Chia sẻ thêm về mô hình kinh tế của mình, anh Bùi Ngọc Châu cho biết: “Trong mô hình này, vườn vẫn giữ vai trò chủ đạo, khi vườn đã phát triển tốt sẽ giúp cho ao, chuồng cùng phát triển; còn ruộng cung cấp cám gạo, gạo lên men, rơm, trấu sẽ giúp bổ sung chất khoáng cho đất mà không phải sử dụng các sản phẩm hóa học; còn rừng là ấp ủ của chúng tôi nhằm góp phần phủ xanh đất trống. Năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị 100 cây dỗi rừng để trồng xung quanh khu vườn”.
 
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến khu vực sinh sống, sản xuất của gia đình anh Bùi Ngọc Châu đó là một không gian hết sức trong lành, thanh mát hòa vào thiên nhiên, được bao quanh bởi những luống hoa, vườn rau, thảo dược xanh tốt. Hiện nay, mỗi ngày, hộ nông dân này thu hoạch từ 300-500 kg các loại rau như cà tím, đậu bắp, súp lơ xanh, cải cầu vồng, củ cải đỏ, xà lách… Toàn bộ các sản phẩm thu hoạch đều được tiêu thụ trong ngày qua kênh bán hàng online. Theo anh chị chia sẻ, khách hàng tiêu thụ sản phẩm đều là những người ở các thành phố đã quen với sử dụng các sản phẩm sạch của nông dân Đà Lạt. Cùng với việc gây dựng cơ nghiệp, anh Bùi Ngọc Châu cũng mong muốn chia sẻ cách làm đến với nông dân địa phương để góp phần sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng thu nhập, giảm chi phí. “Chúng tôi rất mong muốn bằng cách làm của mình sẽ giúp người nông dân địa phương thấy được hiệu quả kinh tế, tính bền vững và góp phần bảo vệ môi trường với phương pháp sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên theo triết lý của Mô hình Vườn-ao-chuồng-ruộng-rừng đó là “bán mà không mua”, để giúp người nông dân cải tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và có cuộc sống tốt đẹp hơn”, anh Bùi Ngọc Châu bày tỏ.
 
Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân địa phương đã đến tìm hiểu, học tập phương pháp sản xuất của anh Bùi Ngọc Châu. Một số hộ đã bắt đầu thử nghiệm trên diện tích canh tác cà phê và dâu tằm. Chủ tịch UBND xã Hoài Đức Nguyễn Bách Tùng cho hay, tuy mới phát triển được gần 2 năm, cũng là mô hình mới tại địa phương, song có thể thấy, phương pháp sản xuất này đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét cho hộ gia đình anh Châu, bởi để đảm bảo quy trình sản xuất, gia đình anh còn duy trì thường xuyên 5 công lao động. Phương pháp sản xuất này mang đến một không gian sống xanh, thân thiện với môi trường. Đặc biệt là được kế thừa trên phương pháp canh tác nông nghiệp truyền thống của người nông dân Việt Nam, nên không mất nhiều thời gian, chi phí để đầu tư, mà có thể tận dụng tất cả những phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất. 

Thanh Trà - Báo Lâm Đồng