Về xứ Tiên và... hẹn!
Bao nhiêu lần lên, khi đi thì hăm hở nhưng về cứ ỉu xìu, cô bạn trên ấy điện hỏi anh viết gì cho xứ Tiên rồi? Nhiều lần đành cười rồi… hẹn, bởi chẳng viết được gì.
Cái xứ gì quá lạ, đẹp như tranh vẽ là thế, người hồn hậu, thân tình là thế, như cô em răng khểnh cứ hay nói hay cười hay hát vừa gọi điện kia (và còn bao nhiêu cô gái đẹp nữa, trong bạt ngàn gái đẹp xứ này) vậy mà chẳng viết được gì.
Xa xôi như nhà văn H.T.T xứ Nẫu chỉ một lần tạt qua đây còn để lại một cái truyện ngắn vô cùng nên thơ kia mà. Bí, nên đổ thừa. Chỉ tại cái ông… N.T.M, đất này ông nhà văn ấy cày nát nước rồi, còn chi để viết đâu(?). Rồi bao nhiêu người tài hoa nghe danh đất này đã đến và để lại nhiều tác phẩm thiệt hay. Tôi, vốn dễ ngợp trước cái Đẹp, trước xứ Tiên, đẹp như thế này càng ngại ngần, sợ viết ra những con chữ không tương xứng với đất và người. Nên cứ… hẹn!
Vẻ đẹp hoang sơ của một ngõ đá làng Lộc Yên. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
1. Đường lên Tiên Phước có lẽ đẹp nhất là hướng từ Sơn - Cẩm - Hà qua. Từ chợ Việt An, rẽ về hướng nam, rẽ trái, rồi cứ thế rẽ phải miết như lời hướng dẫn của một người dân ven đường là vô xứ Tiên. Con đường ngoằn ngoèo và lắm dốc. Và cây cối, bạt ngàn. Khi đường chưa mở rộng, cung đường này những tàn cây hai bên đường chụm vào nhau làm thành khoảng không gian mát rượi, đi trên đường mà cứ như đang đi giữa vườn cây rợp mát. Khoảng đồi dốc từ Bình Lãnh qua Tiên Sơn khá xa, đủ để tạo nên cảm giác thú vị, là lạ, ít gặp. Phía ta luy dương, ngước mắt lên là đồi núi lô nhô, bạt ngàn cây lá; phía ta luy âm nhìn xuống là hố, là suối, là những mảnh ruộng bậc thang nho nhỏ, nối nhau. Anh bạn nhà thơ đi cùng bảo rằng có khác chi ruộng bậc thang Tây Bắc, vào mùa lúa chín có lẽ dư sức làm mê mẩn người nhìn!
Chúng tôi ghé lại một khu đất ven đường. Nơi đây là nền của trường học Phú Lâm ngày nào. Bia di tích ghi: “Đây là ngôi trường dạy quốc ngữ đầu tiên của phong trào Duy tân do Lê Cơ sáng lập năm 1904. Trường có học sinh nữ, và giáo viên nữ tham gia và dạy các môn: lịch sử, địa lý, hát, vẽ, toán đố, quân sự học đường, về sau có một số thanh niên học chữ Pháp, chữ Nhật. Trong 4 năm (1904 - 1908) trường đã dạy cho hơn 650 người dân… trong làng đọc thông, viết thạo chữ quốc ngữ. Năm 1908, Lê Cơ tham gia phong trào chống sưu thuế ở Quảng Nam, ông bị giặc bắt và kết án tù khổ sai, trường Phú Lâm đóng cửa…”. Đã hơn trăm năm rồi, vẫn thấy vô cùng ngưỡng mộ các chí sĩ yêu nước, thương dân một thời. Những “người xưa” ấy đã làm cho vùng đất bán sơn địa vốn bám vào rừng vào núi để nương nhờ cái ăn cái mặc này gắn bó và lưu dấu vào lịch sử.
Chạy một quãng bắt gặp cái râm mát ở Tiên Châu. Lần nào qua đây chúng tôi cũng đều dừng lại, nghỉ một chút để cảm nhận hết cái dịu mát của đất trời. Tiên Châu có khá nhiều vườn lòn bon. Lần đi thực tế ba năm trước cùng anh em viết văn đã được Kim Thiện dẫn vào một vườn lớn nhứt vùng. Hóa ra lòn bon ở vườn đã được khách đặt mua từ trước và hết từ lâu với giá đắt hơn giá dưới chợ nhiều. Tiếc rằng sau vụ ấy, các năm sau sản lượng lòn bon có sụt đi nhiều. Và, về chơi mùa lòn bon là cái hẹn năm nào cũng được nhắc đến, nhưng đi lên đúng mùa lại là chuyện khác, thường là sớm hoặc trễ hơn. Không đơn giản như lời đã hứa với Kim Thiện mấy năm trước. Một lời hứa, chao ơi, sao mà khó thế!
2. Làng cổ Lộc Yên với những ngõ đá, những vườn cây râm mát, những con đường quê xinh xắn uốn lượn… từ lâu đã tạo nên thương hiệu cho vùng đất trung du này. Trở lại Lộc Yên lần này, đường sá đã khang trang khác xa lần đi thực tế của anh em viết văn mấy năm trước. Hồi ấy, đường vào làng theo ngõ đường chính và phía Lò Thung đều đang sửa chữa, đất đá ngổn ngang, đường sá lầy lội, đi lại rất khó. Đã thấy sự cố gắng rất lớn của Tiên Phước trong việc tạo dựng nét mới cho một vùng quê xinh đẹp và yên bình.
Lòn bon Tiên Phước được bày bán ở các chợ quê.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Xóm Bàu - Thạnh Bình là một gương mặt mới mỹ miều của Tiên Cảnh bên cạnh Lộc Yên. Những bậc đá xếp san sát, chồng lên nhau, những ngõ đá đẹp đến mê hoặc, những con đường lát đá trải khắp các lối đi. Như thấy một vùng quê khác, khác với Lộc Yên đã dần quen thuộc trong tầm mắt, trong suy nghĩ của nhiều người khi nhắc tới Tiên Phước. Té ra đã có sự chăm sóc, “phục dựng” một góc quê đẹp đến nao lòng này. Ngồi ở sân vườn nhà khá đẹp của anh Đào Minh Chỉnh, nguyên trưởng phòng văn hóa huyện vừa nghỉ hưu, mới rõ thêm nhiều điều. Câu lạc bộ “Nhà sạch, ngõ đẹp” với 21 thành viên đã chung tay “làm đẹp” khu xóm Bàu này. Hơn 500 khối đá trong vườn và cả từ các con suối đã được chuyển về “phục dựng” và làm mới các ngõ đá, các rào đá. Đã có sự cộng hưởng đáng kể khi ngày càng nhiều đoàn khách tới tham quan Xóm Bàu - Thạnh Bình.
3. Tuy vậy, vẫn có điều gì đó vương vướng mỗi lần tới Tiên Phước. Vẫn có cảm giác tiêng tiếc khi thấy người ta chỉ trồng toàn keo lá tràm theo kiểu “ăn xổi” trên các ngọn đồi mà không phải là thông như đã thấy ở một cụm đồi gần Tiên Châu? Và sau những cố gắng không mệt mỏi của địa phương, các đoàn khách cứ vội đến vội đi. Có vẻ như người dân “chưa thu được lợi lộc gì” về kinh tế ngoài những lời khen cho các nhà đẹp, ngõ đẹp ở làng cổ. Giá như ngày càng có nhiều khách lưu lại các homestay và cùng trải nghiệm không khí êm đềm, yên ả ở vùng quê như đang lưu lại ở nhiều homestay khác ở Hội An hay Cù Lao Chàm! Có như vậy mới thật sự hài hòa và bền vững.
Lê Trâm - Báo Quảng Nam