Về quê lập nghiệp
Sau nhiều năm tha hương, anh Phạm Văn Quang (SN 1990, thôn 6, xã Tiên Lãnh, Tiên Phước) quay về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Năm 2014, trở về quê hương, anh Quang bắt đầu lập nghiệp với mô hình nuôi bò cỏ thả rông. Với 6 con bò ban đầu của gia đình, anh vay 125 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua thêm bò để tạo đàn.
Anh Quang cho biết, gia đình có diện tích đất rừng chừng 7ha, nằm cạnh dòng suối rất thích hợp với việc chăn nuôi, trồng trọt. Bản thân đã nghiên cứu nhiều loại vật nuôi và nhận thấy giống bò cỏ có khả năng thích ứng được các điều kiện tự nhiên ở đây hơn các giống bò lai khác, vì thế anh mạnh dạn đầu tư.
Anh Phạm Văn Quang cho đàn bò ăn muối trắng để tạo thuộc tính bầy đàn cho bò. Ảnh: THÁI CƯỜNG |
Thế nhưng, vì chưa nắm được kỹ thuật nuôi bò, mùa mưa năm 2015 đàn bò của anh bị bệnh và chết, thiệt hại hàng chục triệu đồng. “Thời điểm đó, gia đình vay mượn rất nhiều để phát triển đàn bò nên tôi cũng định bán bò để trả nợ. Nhưng rồi bấm bụng, tiếp tục vay mượn để trả các khoản nợ và duy trì đàn bò” - anh Quang kể.
Để thuận lợi cho việc chăn nuôi, anh Quang cải tạo lại diện tích đất rừng, rào thép gai toàn bộ diện tích và xây dựng các lán trại để bò trú mưa, tránh rét vào mùa đông. Quan trọng hơn, là việc chia các khu đất ra thành các bãi cỏ để đàn bò có thể ăn luân phiên hằng tuần, đáp ứng nhu cầu thức ăn cho bò.
Hiện mỗi tháng anh chỉ bỏ ra tầm 5 triệu đồng để chăm sóc đàn bò. Từ 12 con bò ban đầu, hiện đàn bò của anh đã lên đến 41 con, trong đó có 17 con bò cái. Năm 2014 đến nay, anh xuất bán hơn 5 lứa bò; chỉ tính riêng 2018 anh xuất bán 30 con bò thịt, thu lời hơn 200 triệu đồng và trả hết khoản vay Ngân hàng Chính sách. Anh còn kết hợp trồng các loại cây như keo lá tràm, thanh trà, cau và chanh giấy. Tổng thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi bò cỏ thả rông của anh Quang mang lại kinh tế ổn định. Ảnh: THÁI CƯỜNG |
“Muốn đàn bò sinh trưởng tốt thì cũng cần phải thay đổi bò đực giống qua 2 lứa bò con, phải tạo thuộc tính bầy đàn cho bò. Trung bình tầm 3 ngày tôi vào thăm đàn bò một lần, mỗi lần vào tôi sử dụng muối trắng cho bò ăn. Làm như vậy để dễ tập hợp đàn và kiểm soát được số lượng bò đang nuôi” - anh Quang chia sẻ.
Từng suy nghĩ rằng đi làm ăn xa ở các thành phố lớn thì mới thoát được cảnh nghèo khổ ở quê, bây giờ anh Quang nhận ra, dù ở bất kỳ đâu, chỉ cần có phương pháp và ý chí thì việc lập nghiệp sẽ thành công. “Tôi đang kết nối, trao đổi với các anh em thanh niên trong xã đi làm ăn xa về việc về quê lập nghiệp. Và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện về cây, con giống cho thanh niên có nhu cầu lập nghiệp như tôi” - anh Quang nói.
Bí thư Đoàn xã Tiên Lãnh - anh Lê Văn Liệu cho hay, những năm gần đây, phần lớn thanh niên trong xã chọn hướng đi làm ăn xa. Điều này ảnh hưởng đến việc đoàn kết thanh niên ở địa phương, hơn hết là việc phát triển kinh tế xã nhà.
“Mô hình chăn nuôi bò và trồng rừng, cây trái của anh Quang là một trong những mô hình làm kinh tế của thanh niên có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao. Đoàn xã chọn đây là mô hình điểm để khuyến khích các thanh niên trong xã bám quê lập nghiệp” - anh Liệu nói.
Thái Cường - Báo Quảng Nam