www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Về nguồn ăn trái ớt kim

Trong bài thơ Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có câu thơ “ … Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau/ Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi/ Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi/ Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau…“. Câu thơ thật ý nghĩa mà mỗi khi nhấm nháp hương vị trái ớt cay thơm quê nhà, trong bữa ăn hàng ngày tôi vẫn thường hay nghĩ ngợi nhiều điều.

Biết cách chọn trái ớt ngon để ăn, biết cách chế biến và để dành ớt bốn mùa, biết tạo thành đặc sản ớt bán trên thị trường được nhiều người ưa chuộng với giá gấp mười lần so với ớt thường đó là những kinh nghiệm của người dân quê tôi. Ớt gì mà ngon vậy? Đó chính là trái ớt kim ở Tiên Phước của xứ Quảng. Trong mỗi bữa ăn, ớt kim hầu như lúc nào cũng là món gia vị khoái khẩu của nhiều người. Trái ớt tươi mới hái; thẩu ớt muối cay cay, mằn mặn; chai ớt bột ngày mưa, lạnh; ớt kim luôn làm cho người ăn hít hà tạo khoái khẩu cho bữa ăn. Ngày nào cũng ăn ớt, mà sao càng ăn càng thích.

Đã bao năm rồi, hình ảnh cây ớt nhỏ nhắn, đầy trái xanh, trái chín nho nhỏ, xinh xinh mọc nơi đầu hè, trước nhà, bìa vườn, trên rẫy, trên đồi… đã đi vào tiềm thức con người cùng với hương vị nồng thơm, quyến rũ; để rồi trở thành nỗi nhớ niềm thương khắc khoải khi đã xa quê. Trái ớt kim mọc tự nhiên, nhỏ nhắn, mỗi trái vừa miệng khi ăn, cay vừa, thơm nhẹ mà không nóng môi, nóng lưỡi. Chỉ chừng đó thôi đã làm cho giá ớt kim tươi trên thị trường có lúc lên đến 200.000đ/ kg.

 

 

Ớt kim còn gọi là ớt rừng vốn chỉ mọc tự nhiên và có những tên gọi khác nhau. Ở một số làng bản bà con còn gọi tên là ớt chim do ớt này khi chín chim rất thích ăn; phân chim thải ra có hạt ớt, gặp chỗ đất thích hợp, ớt lại mọc rải rác trên các gò đồi hoặc các khu rừng non. Cây ớt mọc hoang thường cho trái ngon hơn ớt trồng. Ở Tiên Phước, vườn rừng rộng lớn, ớt kim mọc rải rác trong vườn và cho nhiều trái. Đây là giống ớt rất giỏi chịu hạn, còn vào mùa mưa, khi thời tiết lạnh giá mới rụng lá trơ cành, tháng chạp bắt đầu ra lộc trở lại và đơm hoa, kết trái.

Người dân ở miền xuôi lên Tiên Phước mua ớt gọi tên là ớt kim vì trái ớt nhỏ nhất trong các loài ớt. Ớt kim là loài ớt gắn bó với văn hóa ẩm thực của người dân miền núi. Muối ớt để chấm với các món thịt, cá nướng thường giã muối sống cùng ớt kim còn xanh. Những người thích ăn cay hái thêm một nắm ớt kim để trên mâm, mỗi lần muốn thưởng thức cắn mỗi trái một miếng thật ngon lành. Ăn món mỳ Quảng, bánh xèo cắn cả trái ớt nhỏ xíu, vừa miệng, ngon ơi là ngon!

Ngoài ớt tươi, thẩu ớt muối trong mỗi gia đình hoặc nơi quán xá cũng là món yêu thích. Ăn món lòng thả, phở bò, bún, lẩu… mà có ớt kim muối thì thú vị nào bằng. Cách làm ớt kim muối quan trọng là khâu chọn ớt và muối đúng thời điểm. Ớt kim tự nhiên (không được chăm bón bằng các loại phân hóa học) khi muối thường giòn, thơm và để được lâu. Ớt muối phải để nguyên cuốn, hái xong, rửa sạch để trong rổ cho ráo nước rồi đem muối liền cùng với muối sống nguyên hạt. Cách làm ớt bột của bà con xứ Tiên cũng khá độc đáo nhưng cũng thật đơn giản, hợp vệ sinh mà trong một lần về quê tôi học được.

 

 

Mùa nắng ớt kim hái về được phơi khô giòn rồi cho vào những vỏ chai bằng thủy tinh, khi giã ớt dùng đôi đũa vót bằng cật tre lớn nhỏ tùy theo miệng chai, nắm lá chuối khô bao quanh miệng chai, quanh đôi đũa, rồi xóc đũa liên tục. Làm như vậy ớt được giã thành bột mà hơi cay, nồng không thoát được ra ngoài làm cay mắt, cay mũi; xong chai ớt nào cuộn lá chuối khô nút kín lại để dành ăn dần hoặc đem biếu người thân.

Người mua ớt cũng có thể chọn mua từng chai ớt khô rồi tự giã theo cách trên để yên tâm đó là ớt kim 100 %. Trước đó, mỗi lần giã ớt khô tôi dùng chày và cối đá, ớt văng tung tóe, mắt mũi cay xè mà những trái ớt khô cứ bẹp dí dính sát vào lòng cối. Mùa mưa, kho dưa môn với cá đồng, trộn tô mắm xổi; hay đơn giản là chén mắm cái… có ớt kim bột gia vị, làm món ăn ngon thêm bội phần.

Trước đây, đặc sản ớt kim chỉ sử dụng trong gia đình. Những năm gần đây, ớt kim được nhiều người biết đến. Khách đến Tiên Phước được thưởng thức ớt kim làm gia vị trong bữa ăn khi về thế nào cũng tìm mua ớt tươi, ớt muối hoặc ớt bột về làm gia vị cho bữa ăn gia đình hàng ngày hoặc biếu người thân. Những cây ớt kim trên rừng, trên rẫy của bà con Tiên Phước giờ đây được nhân rộng tạo thêm nguồn thu nhập. Ở các xã Tiên  Hiệp, Tiên Sơn… người dân đã làm nhiều sản phẩm từ ớt muối, ớt khô, ớt bột để bán trên thị trường và được khách hàng ưa chuộng nhờ vậy thương hiệu ớt kim xứ Tiên ngày càng vang xa.

                                    Trần Hữu Phước - Tạp Chí Văn Hóa Quảng Nam