Về lại quê nhà...
Địa hình, địa vật thay đổi, sơ đồ chôn cất bị thất lạc, vì thế, sau 50 năm gia đình mới tìm được hài cốt liệt sĩ Ngô Văn Đắc và quy tập đưa về an táng tại nghĩa trang xã Tiên Phong.
Liệt sĩ Ngô Văn Đắc sinh năm 1949 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn 7, xã Tiên Phong (Tiên Phước). Năm 17 tuổi, anh đã tham gia kháng chiến, được tổ chức phân công về nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 72 thuộc Tỉnh đội Quảng Nam. Qua một thời gian chiến đấu, anh được Ban chỉ huy Tiểu đoàn tin tưởng giao làm xạ thủ trung liên. Đầu năm 1969, trong một trận đánh không cân sức giữa ta và địch, anh Ngô Văn Đắc cùng đồng đội dũng cảm loại khỏi vòng chiến đấu nhiều sinh lực địch ở đồi Cây Sanh, xã Kỳ Long (Bắc Tam Kỳ), nay là xã Tam Dân (Phú Ninh). Và trong trận đánh này, anh Đắc bị thương mắt trái.
Được đồng đội đưa về Bệnh xá E20 điều trị, hơn một tháng nằm viện, sức khỏe anh dần bình phục bệnh xá cho về thăm nhà trước khi ra miền Bắc an dưỡng và học tập. Thượng tá Vũ Huy Bình - nguyên Trợ lý dân quân tự vệ Ban chỉ huy Quân sự TP.Tam Kỳ nhớ: “Tôi vẫn còn nhớ như in, lúc đó khoảng đầu tháng 3.1969. Anh Đắc về thăm nhà và nói với cha tôi rằng, em được tổ chức cho đi điều dưỡng và học tập ở miền Bắc. Thời gian lên đường dự kiến là vào đầu tháng 4 năm nay (1969). Trước khi đi em tranh thủ về thăm anh cùng gia đình. Từ đó anh đi biền biệt, gia đình nhận được giấy báo tử nhưng không biết thi thể của anh chôn cất ở đâu?”.
Lực lượng dân quân cùng đồng đội và người thân khai quật tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Ngô Văn Đắc. Ảnh: N.Đ.N |
Đầu năm 1969, cuộc chiến trở nên ác liệt. Trại an dưỡng của Ban thương binh tỉnh Quảng Nam đặt tại thôn 4 xã Dương Yên (Tiên Phước) nay là thôn Dương Phú, xã Trà Dương (Bắc Trà My) thường hay bị địch đánh phá. Để kịp thời phát hiện địch đi càn, bảo toàn tính mạng cho các thương bệnh binh, lãnh đạo trại an dưỡng phải phân công những người thương binh đã bình phục sức khỏe trực cảnh giới. Năm giờ sáng ngày 14.4.1969, trời vẫn còn đầy sương, Ngô Văn Đắc nhận lệnh mang khẩu CKC lên một ngọn đồi cao nhất cách trại an dưỡng khoảng 200m để trực cảnh giới. Vừa đến nơi, địch phát hiện bắn tỉa, anh Đắc trúng đạn hy sinh. Ông Huỳnh Ngọc Bích - nguyên Trại trưởng trại an dưỡng của Ban thương binh tỉnh Quảng Nam kể: cuộc chiến ác liệt, thương bệnh binh ngày càng đông nhưng lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu hầu như không được biên chế nên phải phân công những người đã khỏe sau thời gian điều trị để trực cảnh giới. Anh Ngô Văn Đắc là một trong những người được phân công trực như vậy.
Ông Huỳnh Ngọc Bích cho biết thêm về buổi sáng hôm ấy. Nghe tiếng súng nổ biết địch càn, chúng tôi kịp thời sơ tán hơn 100 thương, bệnh binh vào sâu trong rừng an toàn. Sau khi địch rút quân, chúng tôi đi tìm và phát hiện anh Ngô Văn Đắc đã hy sinh. Sợ địch cài lựu đạn dưới thi thể của anh Đắc, anh em lấy một sợi dây mây dài cột hai chân và kéo một đoạn khoảng hơn 2m. Biết chắc là không có lựu đạn, anh em mới đưa thi thể anh Đắc về mai táng. Năm 1995, đồng đội đi tìm nhưng đến nơi thấy có dấu đào cứ tưởng là hài cốt của anh Đắc đã được quy tập về nghĩa trang. Nào ngờ thân nhân vẫn chưa tìm thấy nên đầu tháng 4 năm nay, gia đình và đồng đội cất công đi tìm. Tại đây được một người dân địa phương quản lý khu vườn này cho hay, từ năm 1975 đến nay không thấy ai đến đây tìm kiếm quy tập. Được sự giúp đỡ của các ngành chức năng huyện Bắc Trà My và xã Trà Dương, đồng đội đã tiến hành khai quật và đã tìm thấy hài cốt của liệt sĩ. Anh Đắc hy sinh là một sự mất mát lớn nhưng nếu không có sự hy sinh cao cả ấy thì hơn 100 thương bệnh binh đang điều trị tại trại an dưỡng lúc bấy giờ không biết ra sao?
Hài cốt liệt sĩ Ngô Văn Đắc đã được gia đình và đồng đội đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà nhân dịp cả nước hướng đến kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh liệt sĩ.
Nguyễn Điện Ngọc - Báo Quảng Nam