Vắng cha, con là trụ cột
Hai cậu học trò miền trung du cùng có điểm chung là thiếu vắng hơi ấm, tình thương người cha trong căn nhà nhỏ của mình nhưng bạn nào cũng nỗ lực, vượt khó vươn lên trong học tập.
Huỳnh Xuân Tình và Lê Vũ Quang Huy đều là học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, Quảng Nam, rất quyết tâm bước vào giảng đường đại học để thoát khỏi khó nghèo.
Đường đến trường trĩu nặng nỗi lo
Huỳnh Xuân Tình (19 tuổi) lên chuyến xe đò từ Quảng Nam ra Đà Nẵng kiếm việc làm, người mẹ ở lại một mình trong căn nhà tình thương. Cậu trò nghèo mang theo nỗi lo trĩu nặng. Biết tin đậu ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, Tình vui lắm nhưng vui một lo mười. Lo không có tiền học và sợ phải để mẹ bơ vơ ở nhà khi ốm đau. Dường như mẹ Tình chưa hình dung được nỗi buồn trong lòng cậu. "Mẹ chỉ bảo đi rồi nhớ mà về nhổ đậu" - Tình kể.
Tình ra đời đã không biết mặt cha, hai mẹ con nương tựa nhau mà sống. Những người trong xóm bảo mẹ Tình bị... thần kinh. Nhưng Tình không chịu: "Mẹ chỉ khờ thôi, mẹ thương em lắm. Em không muốn ai nói vậy tội mẹ". Tình bảo mẹ khù khờ nên làm việc cũng khó hơn. Mẹ đi chặt củi, rựa chặt vào tay mất máu quá nhiều. Mẹ hay bị ngất xỉu. Có lần đi cắt cỏ thuê, mẹ ngửi phải thuốc chuột mà không hay biết, thế là nằm viện hơn một tuần.
Những năm đi học cấp III, nhà cách trường hơn 20 cây số. Hằng ngày các bạn cùng trang lứa được bố mẹ đưa đi, có bạn đi xe máy, xe đạp điện, còn Tình đạp chiếc xe đạp cũ do một người tốt bụng cho từ năm lớp 8.
Đến năm lớp 12, Tình thuê trọ ở gần trường để học. Hôm không có ai thuê, Tình men các con suối trong rừng tìm hái măng về luộc bán. Mỗi ký măng luộc bán được 8.000 đồng, Tình đưa mẹ mua thức ăn.
Từ khi ra Đà Nẵng, Tình phụ quán từ 4h chiều đến tận khuya. Có hôm về đến nhà mỏi đừ, đặt lưng xuống phòng trọ đã 2h sáng.
Khi Tình nhập học, một nhóm thiện nguyện trong vùng ủng hộ hơn 2 triệu đồng, vẫn thiếu tiền học phí, Tình chạy sang nhà thầy giáo cấp II xin mượn 2 triệu, hàng xóm giúp thêm mỗi người một ít.
Tình bảo rằng số tiền hơn 6 triệu đồng học phí đầu năm bạn đã lo đủ, giờ thì cố gắng làm để trả nợ rồi kiếm tiền học các kỳ tới.
Học để được đi khắp mọi miền đất nước
Mấy ngày nay cái quán nước nhỏ bên quốc lộ 40B của gia đình cậu học trò Lê Vũ Quang Huy (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) như chộn rộn hẳn bởi tin cậu bé hay phụ mẹ bán nước mía đã đậu vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Có lẽ bà Vũ Thị Diện (44 tuổi), mẹ Huy, là người vui nhất. "Mình cực khổ mấy cũng kệ, miễn con cái học tốt là được" - bà Diện quệt mồ hôi sau khi hì hục ép nước mía bán cho khách qua đường.
Cái quán nước ấy là nguồn sống duy nhất của gia đình, nuôi anh em Huy ăn học từ khi ba Huy qua đời. Cậu học trò quê miền trung du ấy đã phải gánh chịu nỗi đau mất cha khi vừa bước vào năm lớp 12, năm học cuối cấp thời học sinh. Người cha tần tảo sớm hôm chạy chiếc xe máy cũ chở khách kiếm sống qua ngày bất ngờ bị tai nạn, bỏ lại người mẹ già, người vợ hiền và ba đứa con nhỏ dại đang tuổi ăn tuổi học. "Lúc đó mình hụt hẫng lắm, mất đi một chỗ dựa của cuộc đời" - Huy buồn bã.
Thấy ba mẹ lam lũ, cực khổ, Huy luôn nỗ lực học tập để có tương lai tươi sáng. Mười hai năm Huy đều là học sinh khá, giỏi. Điểm tổng kết năm lớp 12 Huy dẫn đầu lớp với 8,5. Cậu còn là lớp phó học tập chăm chỉ, gương mẫu, hay giúp đỡ bạn bè trong học tập.
Huy còn giành huy chương đồng môn sử kỳ thi Olympic tỉnh, giải ba môn sử kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, giải nhất tháng và đứng thứ ba quý game show Học trò xứ Quảng. Cậu còn giành giải nhất tuần và nhì tháng chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2017...
Huy kể từ nhỏ đã thích học những môn xã hội, thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử, địa lý trong và ngoài nước. "Bởi vậy mình chọn ngành Đông phương học để sau này ra trường được làm hướng dẫn viên du lịch, được đi nhiều vùng miền đất nước" - mắt Huy sáng lên khi nói về dự định tương lai.
Bà Diện lục trong túi ra một xấp tiền lẻ đếm đi đếm lại, nhìn con xếp áo quần chuẩn bị vào Sài Gòn nhập học, mắt bà đỏ hoe. Gia đình Huy thuộc diện hộ nghèo.
"Ngày nào bán nước cũng chỉ đủ mua thức ăn cho cả nhà chứ chẳng dư được đồng nào. Tui đi vay mượn hàng xóm để có đủ tiền đóng học phí cho nó" - bà Diện thổ lộ.
Lê Trung - Báo Tuổi Trẻ