Vườn quê Tiên Phước
Tiên Phước là vùng trung du nhấp nhô gò đồi, có truyền thống làm vườn, phát triển kinh tế vườn. Báo Quảng Nam giới thiệu một số vườn quê với các loại cây trái đặc sản của Tiên Phước.
Vườn tiêu trăm choái
Đó là vườn tiêu của ông Nguyễn Xuân Hồng ở tại thôn 2, xã Tiên Phong. Hơn 100 choái tiêu được trồng ngay hàng, thẳng lối, choái tiêu nào cũng xây tán lá đều từ gốc đến ngọn cao hơn 4m, được trồng theo tầng bậc ngăn cách bằng những bờ đá được chất công phu tạo nên một không gian vườn sum sê, tươi mát. Chủ nhân khu vườn năm nay 36 tuổi chia sẻ, để có được khu vườn như ngày hôm nay là cả một quá trình lao động vất vả.
Bởi thời điểm ông bắt tay xây dựng khu vườn là năm 2000. Lúc đó, hạt tiêu khô chỉ có giá 30 nghìn đồng/kg nên việc thuyết phục gia đình chặt bỏ các loại cây tạp, hiệu quả kinh tế thấp, để trồng tiêu rất khó khăn. Đã vậy, giao thông còn cách trở việc vận chuyển đá để chất bờ kè, cây choái, phải sử dụng đôi vai. Cây tiêu Tiên Phước vốn khó tính, dễ bị sâu bệnh nên việc xây dựng khu vườn càng thêm vất vả nhưng với niềm tin vào loại cây trồng đặc sản này, ông quyết tâm vượt qua mọi trở ngại để thực hiện ý tưởng phục hồi giống tiêu Tiên Phước.
Khu vườn trái cây của gia đình ông Nguyễn Đình Sưu thu hút người đến tham quan mỗi khi ghé thăm làng cổ Lộc Yên. |
Hiện khu vườn đã cho sản lượng hơn 100kg hạt tiêu khô mỗi năm, đem về nguồn thu hơn 50 - 60 triệu đồng, đó là chưa kể nguồn thu từ việc nhân giống tiêu cung cấp cho các hộ trồng tiêu trên địa bàn. Theo bà Lê Thị Sáu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, với nhiều cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, đặc biệt là dự án “Phát triển cây tiêu Tiên Phước, giai đoạn 2014 - 2018” được UBND tỉnh phê duyệt và hỗ trợ mỗi năm 1 tỷ đồng đã tạo động lực mạnh mẽ để nông dân đầu tư phát triển loại cây trồng đặc sản này. Toàn huyện có hơn 85ha tiêu, tương ứng với hơn 85.000 choái. Trong đó có gần 200 mô hình trồng tiêu hơn 100 choái, 3 mô hình trồng hơn 500 choái và diện tích cây tiêu đang tiếp tục được mở rộng thêm”.
Vườn lòn bon trăm cây
Được mệnh danh là “thủ phủ” của cây lòn bon, xã Tiên Châu có rất nhiều hộ sở hữu vườn lon bon hàng trăm cây, cho sản lượng 3 - 5 tấn quả mỗi năm và đem lại nguồn thu gần 100 triệu đồng như vườn bà Phan Thị Hoa, Phan Thị Vinh, ông Nguyễn Thế Kỳ, Nguyễn Đình Trứ, Phạm Văn Tuyết… Trong đó, khu vườn lòn bon kết hợp trồng các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như tiêu, chuối, thanh trà, măng cụt với tổng diện tích hơn 1ha của ông Phạm Văn Tuyết ở thôn Hội An được xem là mô hình tiêu biểu đạt các tiêu chí “xanh - sạch - đẹp - hiệu quả”. Ngoài 50 tuổi, ông Tuyết có thâm niên hơn 20 năm làm vườn. Đam mê với nghề làm vườn truyền thống đã giúp ông xây dựng khu vườn trở thành một bức tranh quê sống động. Dọc theo tuyến đường bê tông bằng phẳng trước nhà, ông dành hai khu riêng biệt để trồng 150 choái tiêu Tiên Phước và hơn 100 bụi chuối lùn. Trong khu vườn còn có các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó có hơn 100 cây lòn bon được trồng phía trước nhà và xung quanh khu vườn. Khu đất giữa vườn trồng hàng chục cây thanh trà, măng cụt, sầu riêng…
Khám phá làng trái cây Lộc Yên xã Tiên Cảnh.
Với việc bố trí cây trồng hợp lý, chăm sóc, bón phân, tưới nước bài bản, các loại cây trồng trong vườn nhà ông Tuyết đều phát triển xanh tốt. Ông Tuyết chia sẻ: “Để phát triển kinh tế vườn hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu, giá cả thị trường không ổn định như hiện nay, tôi chọn hình thức đa canh, đa cây, theo kiểu mùa nào, thức ấy để lỡ có mất mùa loại cây này còn có loại cây khác bù lại và hết mùa vụ của loại cây này lại đến mùa vụ của loại cây khác tạo nguồn thu nhập thường xuyên. Đặc biệt là người làm vườn phải có đam mê, phải chịu khó quan sát, hiểu được cây trồng thì mới chăm sóc, xây dựng khu vườn hiệu quả.”
Vườn xanh - sạch - đẹp
Gần 70 tuổi, ông Nguyễn Đình Sưu (làng Lộc Yên, Xã Tiên Cảnh) sở hữu khu vườn được nhiều người ngưỡng mộ với nhiều loại cây ăn quả xanh tốt, sum sê quả ngọt. Từ năm 2002, vợ chồng ông đã mạnh dạn phá bỏ cây tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao như thanh trà, măng cụt, sầu riêng, lòn bon… Với diện tích gần nửa héc ta, vợ chồng ông trồng gần 50 cây thanh trà, 40 cây lòn bon, 15 cây sầu riêng, 20 cây măng cụt, cam quýt…
Ông Sưu cho biết: “Tôi đam mê nghề làm vườn từ lúc còn trẻ, nhưng trước kia mình chưa có thời gian, điều kiện để phát triển kinh tế vườn và cũng không biết trồng cây gì cho hợp lý. Khoảng 10 năm lại đây, huyện có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn cùng với đó mình cũng có thời gian đầu tư tìm tòi, học hỏi cách chăm sóc, trồng cây ăn quả. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng ở đây khá thích hợp với các loại cây ăn quả nên cây phát triển xanh tốt, cuối vụ được mùa được giá. Hiện tại, giá thanh trà dao động 25 - 30 nghìn đồng/kg, sầu riêng thường giá 30 - 35 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi năm gia đình ông Sưu thu về gần 50 triệu đồng từ việc bán hoa quả trong vườn, đủ để vợ chồng sống thong dong lúc tuổi già bóng xế.
Vườn măng cụt, sầu riêng
Ông Phạm Ngọc Lương ở thôn 9 xã Tiên Mỹ là chủ nhân khu vườn rộng 5.000m2 trồng 45 cây măng cụt, 20 cây sầu riêng, 100 cây lòn bon và gần 100 bụi chuối, thơm… Trong đó, 35 cây măng cụt đã cho quả ổn định, mỗi vụ khoảng 400kg, giá bán dao động 50 - 60 nghìn đồng/kg, thu được 20 triệu đồng. Ngoài ra, các loại cây ăn quả khác mỗi vụ cũng đem lại cho ông khoản thu nhập hơn 30 triệu đồng. Ông Lương cho biết: “So với các loại cây trồng khác, tôi thấy cây măng cụt, sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
Cây măng cụt là loại cây chịu đất có độ ẩm cao, còn sầu riêng là loại cây khó trồng, kén đất và nguồn nước, nhờ nắm rõ đặc tính nên tôi bố trí trồng hợp lý, khoảng 8 năm cây bắt đầu cho quả. Làm nông, nếu muốn thành công, người nông dân phải đảm bảo được 3 yếu tố: đất, giống và nước tưới. Nếu mình đảm bảo được 3 yếu tố này, cộng với sự chăm bón kỹ càng, nhất định cây trồng sẽ cho hiệu quả kinh tế”. Năm nay đã gần 70 tuổi, vườn cây lại rộng, nhưng mỗi ngày ông Lương vẫn tự tay chăm sóc cho từng loại cây trong vườn của mình, ông xem việc chăm sóc khu vườn là thú vui, niềm đam mê của tuổi già.
Phạm Hoàng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam