Hiệu quả kinh tế cao
Ông Nguyễn Đức Hùng ở thôn Trà Lai (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) cho biết, gia đình có 14 sào đất vườn, trong đó bố trí 6 sào trồng 50 cây măng cụt. Hiện nay, vườn măng cụt có đủ loại tuổi nhưng nhiều nhất là từ 15 - 70 năm tuổi, đã có 30 cây cho quả. Bình quân hằng năm thu hoạch khoảng 1,3 tấn quả, bán sỉ tại vườn có thể thu về từ 90 - 120 triệu đồng.
“Thời điểm này, tôi tập trung cải tạo đất, đặt mua cây giống chất lượng để tiếp tục mở rộng diện tích chuyên canh măng cụt nhằm tăng thêm nguồn thu nhập” – ông Hùng nói.
Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho hay, những năm qua người dân trên địa bàn huyện đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng cây măng cụt theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Tính đến thời điểm này Tiên Phước có 275ha măng cụt (mật độ trồng bình quân 5 cây/sào, quy ra 100 cây/ha), trong đó chủ yếu nằm ở các xã Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Lộc, Tiên Phong, Tiên Thọ...
Trong tổng số 275ha măng cụt hiện có trên toàn huyện thì khoảng 50ha đã cho quả. Bình quân mỗi vụ, 1 cây dưới 15 năm tuổi thu được 30kg quả, 1 cây từ hơn 15 - 25 năm tuổi đạt năng suất 50kg quả, 1 cây trên 30 năm tuổi cho 100kg quả. Tính trung bình, mỗi mùa 1ha măng cụt cho sản lượng 5 - 10 tấn. Những năm qua, có nhiều vụ giá bán măng cụt khá cao, khoảng 90 - 100 nghìn đồng/kg nên nhiều người dân có nguồn thu khấm khá.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, thời gian qua nông dân ở các địa phương thuộc khu vực trung du và miền núi thấp của tỉnh đầu tư xây dựng khá nhiều mô hình chuyên canh cây măng cụt. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000ha măng cụt, trong đó hơn 60% diện tích đã cho quả và hầu hết mô hình đều mang lại giá trị kinh tế cao.
Hỗ trợ mở rộng diện tích
Theo ông Mai Minh Nguyệt, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Tiên Phước rất phù hợp với măng cụt nên hầu hết vườn cây đều phát triển tốt và cho năng suất khá. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn nên giá bán sản phẩm trên thị trường luôn ổn định ở mức cao. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng loại cây ăn quả đặc sản này theo hướng hàng hóa tập trung.
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), trong 2 năm 2020 - 2021 huyện Tiên Phước đặt mua 10.000 cây măng cụt giống cấp phát cho nông dân ở nhiều địa phương trồng mới 100ha.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025 Tiên Phước sẽ tiếp tục trồng mới 1.000ha măng cụt. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng có cơ chế tiếp sức cho người dân theo Đề án 03 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025.
Theo đó, sẽ hỗ trợ nhà nông về cây giống, đóng giếng bơm nước tưới tại vườn. Đồng thời huyện tiến hành đầu tư một số trạm bơm dọc sông Tiên, đặc biệt là sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ xây dựng 2 đập chứa nước lớn gồm Mò Ó và Suối Thỏ khoảng 300 tỷ đồng nhằm chủ động cung ứng nguồn nước tưới cho sản xuất nông – lâm nghiệp, trong đó có mô hình trồng măng cụt chuyên canh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, trong phát triển mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại ở khu vực trung du và miền núi thấp thời gian tới, tỉnh xác định măng cụt là cây chủ lực. Trong 5 năm nữa Quảng Nam phấn đấu mở rộng diện tích trồng măng cụt lên khoảng 20.000ha (tập trung chủ yếu tại các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc, Bắc Trà My...) và trở thành một trong những địa phương trọng điểm về cây măng cụt của cả nước.
Để tạo điều kiện cho nông dân phát triển mạnh mô hình chuyên canh măng cụt, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế hỗ trợ thông thoáng, nhất là về cải tạo vườn tạp, mua cây giống. Đặc biệt, thời gian tới sẽ ưu tiên nguồn lực tài chính hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo phục vụ nước tưới cho kinh tế vườn; đồng thời quan tâm xây dựng hạ tầng giao thông để giúp người dân thuận lợi trong quá trình vận chuyển cây giống, vật tư phân bón và sản phẩm sau thu hoạch...
Cần tính toán cẩn trọng
Ông Lê Muộn - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, hiện nay măng cụt có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ khá thuận lợi nên việc tỉnh xác định chọn cây ăn quả này làm hướng chủ lực trong phát triển mô hình kinh tế vườn là khả thi. Tuy nhiên, mở rộng diện tích cần lưu ý hai việc, đó là chọn tiểu vùng khí hậu và đất canh tác phù hợp. Bởi, măng cụt không phải là loại cây rất dễ trồng như chanh, ổi... mà rải từ vùng biển lên trung du, miền núi. Về đất trồng măng cụt, cần chọn những khu vực có độ phì khá, đặc biệt là thoát nước tốt để tránh xảy ra tình trạng vườn cây bị úng thủy dẫn đến hư thối.
“Thực tế những năm qua cho thấy, trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng trồng măng cụt mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó trọng điểm là Tiên Phước. Theo bình độ tương tự như Tiên Phước, có thể chọn Hiệp Đức, Nông Sơn và một số địa phương ở phía tây Duy Xuyên, Đại Lộc... để phát triển mô hình chuyên canh măng cụt” - ông Muộn nói.
Đáng lưu ý, măng cụt thuộc nhóm cây lâu năm, từ khi trồng đến lúc cho lứa quả đầu tiên khoảng 8 – 9 năm. Vì vậy, trong quá trình phát triển mô hình chuyên canh măng cụt, các ngành, các cấp cần quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng thêm một số loại cây ăn quả ngắn ngày như đu đủ, chuối, cam, ổi... trong những khu vườn để tạo nguồn thu nhập, từ đó nông dân mới có điều kiện đầu tư chăm sóc vườn măng cụt theo phương thức thâm canh. Nếu không, các hộ dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ rất dễ bỏ bê vườn măng cụt vì không có khả năng chăm bón.
Ông Lê Muộn cũng cho rằng, hiện nay diện tích trồng cây măng cụt trên địa bàn cả nước không nhiều nên mỗi vụ sản lượng quả thu hoạch được không lớn và chủ yếu là tiêu thụ nội địa chứ chưa xuất khẩu bao nhiêu. Hơn nữa, mùa vụ măng cụt ở Quảng Nam lệch hẳn với các tỉnh thành thuộc khu vực miền Nam nên chuyện đầu ra của sản phẩm không phải là vấn đề đáng lo.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay, tỉnh đang tính toán mời các chuyên gia về cây ăn trái đến tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây măng cụt cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp các cấp cũng như nông dân các địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm măng cụt nhằm tạo “chỗ đứng” vững chắc trên thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.
“Việc quan trọng nhất là phải nỗ lực mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư để liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và những hộ nông dân sản xuất măng cụt theo chuỗi nhằm tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm” - ông Bửu nói thêm.
Nguyễn Sự - Báo Quảng Nam