Trang trại của chàng trai 9X ở Tiên Hà
Sau khi tu nghiệp ở Israel trở về, anh Phạm Hồng Tuấn Anh (SN 1995, xã Tiên Hà, Tiên Phước) từ bỏ công việc có mức lương ổn định, đổ công sức và tiền của đầu tư mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi trên đất của gia đình.
Năm 2017, Tuấn Anh tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Huế, ngành Khoa học cây trồng. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh tiếp tục đi tu nghiệp tại Israel ngành trồng trọt với chương trình vừa học vừa làm thực tế. Năm 2019, Tuấn Anh về nước và phụ trách kỹ thuật cho một công ty ở Đắk Nông chuyên trồng bơ và sầu riêng.
Sau một năm nơi đất khách quê người, Tuấn Anh nhận thấy công việc trên không làm anh hài lòng với bao dự định đang ấp ủ nên quyết định từ bỏ và trở về quê xây dựng mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm theo hướng hữu cơ. Trang trại dựng lên trên mảnh đất 4ha ở Tiên Hà (Tiên Phước) mang tên Nông trại Hai Sơn.
Được gia đình động viên và hỗ trợ vốn cộng với số tiền tích lũy, Tuấn Anh đã đầu tư, lắp đặt hệ thống nước tưới, cải tạo mảnh đất 4ha trước đây hoang hóa để trồng hàng ngàn gốc chuối, mít thái, măng cụt, cau và nhân giống chanh bản địa. Vốn ban đầu anh bỏ ra hơn 800 triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn đào ao thả nuôi ốc bươu đen, cá cảnh và tận dụng phế phẩm sinh học để làm thức ăn tự nhiên, hạn chế xả thải ra môi trường, con vật nuôi nhanh lớn. Anh còn nuôi hàng trăm con gà thả vườn để lấy phân bón, nuôi ong để tự thụ phấn cho cây trồng…
Tuấn Anh đã ứng dụng kiến thức học được trong nước và kinh nghiệm những năm làm việc ở nước ngoài vào nông nghiệp để tổ chức sản xuất theo quy trình VietGap, kết hợp tận dụng phân gà, cỏ mục và xác cá tự nhiên ủ thành phân để bón cây. Anh thường xuyên theo dõi chu kỳ phát triển và thời điểm ra hoa của từng loại cây để bón phân, tưới nước cho hợp lý.
“Tôi muốn lan tỏa kinh nghiệm của mình về trồng vườn là phương pháp... quản lý cây cỏ. Thông thường, nông dân sẽ loại bỏ hết cỏ trên mặt đất vì lo ngại nó tranh dinh dưỡng của cây trồng, tuy nhiên đây lại là "bí quyết" giúp cây phát triển tốt hơn.
Tôi giữ lại cỏ vì khi bón phân cho cây, lượng phân dư thừa sẽ gây thoái hóa đất, cỏ mọc tự nhiên sẽ hấp thụ lượng phân này. Khi cỏ kết thúc vòng đời thì sẽ phân hủy tạo ra các chất hữu cơ, đây là loại phân bón tự nhiên rất tốt giúp cây trồng tiếp tục hấp thụ. Chưa kể cạnh đó cỏ cũng giúp điều hòa nhiệt độ của đất trồng” - Tuấn Anh bộc bạch.
Sau hai năm trồng trọt, tỉ mẩn chăm sóc, nay khu vườn của Tuấn Anh bắt đầu đơm hoa kết quả. Đàn gia cầm, cá ốc sinh sôi lên tới hàng ngàn con. Anh nhẩm tính, với giá chanh 20 nghìn đồng/kg, mít thái 50.000 đồng/kg, gà 130.000 đồng/kg, hằng năm sẽ đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng sau khi trừ đi các khoản chi phí.
Ở địa phương, Tuấn Anh không chỉ là thanh niên làm vườn giỏi mà còn tích cực tư vấn, giúp bà con nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ lúc mới ươm mầm cho đến khi ra hoa kết quả. Ngoài ra, anh còn nhận thi công công trình lắp đặt hệ thống nước tưới bán tự động cho nhiều nhà vườn ở các huyện Núi Thành, Phú Ninh… đem lại cho anh nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Phạm Hồng Sơn - ba của Tuấn Anh cho hay, khi vào đại học ông đã định hướng cho con trai theo ngành trồng trọt vì gia đình đã tạo dựng sẵn nền tảng, sau khi học hỏi kinh nghiệm, cọ xát bên ngoài thì có thể về bắt tay vào công việc ngay.
"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân để cùng nhau phát triển. Tôi luôn động viên và tin tưởng con trai với sự nghiệp đã chọn. Hi vọng tương lai mô hình này sẽ đem lại hiệu quả hơn nữa” - ông Sơn nhận định.
Ng.Quỳnh - Ph.Hải, Báo Quảng Nam