Trăn trở trước những vấn đề cử tri quan tâm
Sáng ngày 3/10/2023, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, gồm các ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội và bà Đặng Thị Bảo Trinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn có cuộc tiếp xúc cử tri các xã Tiên Phong, Tiên Châu, Tiên Mỹ và thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước).
Thay mặt các ĐBQH tỉnh, ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội thông tin đến cử tri huyện Tiên Phước tình hình kinh tế của đất nước, của tỉnh 9 tháng đầu năm 2023 và dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Những trăn trở...
Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Tiên Phước phản ánh bức xúc việc thiếu thuốc khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế; bày tỏ băn khoăn về chương trình cải cách giáo dục và đề xuất cần thống nhất việc lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho toàn quốc, chứ không để mỗi địa phương tự lựa chọn đầu sách như hiện nay.
Cử tri Tiên Phước cũng đề nghị ĐBQH tỉnh đề xuất các cấp quan tâm có chế độ hỗ trợ cho lực lượng thanh niên xung phong tham gia xây dựng hồ Phú Ninh; hạ mức tuổi được hưởng hỗ trợ người cao tuổi từ 80 xuống 75 tuổi; tiếp tục quan tâm đến tổ chức bộ máy và ngân sách hoạt động của chính quyền cấp xã; vấn đề an toàn thực phẩm, việc giải quyết chế độ chính sách cho người có công cách mạng.
Liên quan đến những vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, cử tri Võ Thị Hoa - thị trấn Tiên Kỳ cho biết, năm 2011, UBND huyện vận động người dân hiến đất, thu hồi đất làm bờ kè sông Tiên và tái định cư. Gia đình bà đã hiến và được thu hồi 2.700m2, đã làm bờ kè 1.900m2, còn 800m2 là khu tái định cư. Nguyện vọng được bố trí đất tái định cư của gia đình từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết. Bà mong muốn ĐBQH tỉnh đôn đốc chính quyền địa phương giải quyết nguyện vọng này.
Lãnh đạo các sở TN-MT, LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước đã trao đổi, giải đáp với các nội dung được cử tri địa phương phản ánh, kiến nghị.
Trao đổi với cử tri huyện Tiên Phước, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri ở các vùng trên địa bàn tỉnh để lắng nghe ý kiến, cùng trao đổi, ghi nhận để đề đạt đến diễn đàn Quốc hội. Có nhiều nội dung mang tính chung nhất của tỉnh, được cử tri quan tâm và Đoàn ĐBQH tỉnh đang rất trăn trở.
Như cử tri phản ánh, trên lĩnh vực y tế, bức xúc nhất là nhiều bệnh viện, trung tâm y tế công so với bệnh viện tư nhân “cách nhau” hoàn toàn. Bệnh viên tư nhân hoạt động bình thường, thuốc men mua sắm thuận lợi. Trong khi đó, tuyến bệnh viện công, trung tâm y tế công thì gặp nhiều khó khăn, do từ đầu năm đến nay thiếu thuốc, vật tư y tế mua sắm chậm chạp.
“Đây là vấn đề lớn mà ĐBQH tỉnh rất trăn trở, sẽ nghiên cứu báo cáo với Quốc hội, Chính phủ tại kỳ họp sắp tới. Cũng nhằm khắc phục từ năm sau trở đi, không có lặp lại, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh của nhân dân” - ông Dũng phát biểu.
Một vấn đề trăn trở nữa, theo ĐBQH Lê Văn Dũng, hiện nay ngư dân dọc ven biển vay vốn đóng “tàu 67” nhưng làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, tàu nằm bờ, nợ đến hạn phải trả thì ngân hàng ráo riết thu nợ, siết nợ, phát mãi tài sản thì ngư dân trắng tay. Hay vấn đề sách giáo khoa như cử tri phản ánh… Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận kiến nghị cử tri để chuyển tải đến diễn đàn Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương.
Tập trung giải quyết các vướng mắc
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng khẳng định, dù tình hình còn gặp nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, điều hành của chính quyền và sự vào cuộc của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quảng Nam đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 trong hai năm 2020 - 2021, bước sang năm 2022 và 2023 từng bước phục hồi.
Có những ngành phục hồi nhanh đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh, trong đó, phục hồi nhanh là du lịch, dịch vụ - thương mại; từ đầu năm đến nay, du lịch đã đón được hơn 6 triệu lượt khách. Quảng Nam cũng đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ đột phá, đó là xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả tốt. Đặc biệt là đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, với nhiều tuyến đường, cây cầu được khởi công xây dựng, khánh thành tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Văn Dũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung, nền kinh tế Quảng Nam hội nhập sâu rộng nên chịu ảnh hưởng nặng nề của kinh tế thế giới và trong nước tác động; cho nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh không được như mong đợi, 9 tháng vẫn tăng trưởng âm, thu ngân sách chậm hơn so với năm 2022. Vì vậy, toàn tỉnh phải quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này từ nay đến cuối năm cho tốt hơn.
Liên quan ý kiến cử tri trên lĩnh vực đất đai, đại biểu Lê Văn Dũng cho rằng đây đang là vấn đề bức xúc, trăn trở bởi nhiều văn bản quy định còn chồng chéo. Trong quá trình triển khai thực hiện rất khó gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân, nhất là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho dân.
“Tôi lên xã Tiên An còn hơn 100 hộ tái định cư đã quá 10 năm định cư nơi ở mới nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hay ở khu vực bờ kè sông Tiên có 138 hộ cũng trong tình trạng này. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, giao UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra, tiếp tục có biện pháp xử lý vấn đề này” - ĐBQH Lê Văn Dũng cho biết.
Hiện nay, việc cấp GCNQSDĐ cho dân, nhất là đất khi điều chỉnh lại mà diện tích tăng thì việc cấp giấy còn vướng mắc nhiều, chưa rõ trách nhiệm giữa các ngành liên quan, đổ trách nhiệm cho nhau.
“Đoàn ĐBQH tỉnh đã giám sát vấn đề này. Tôi lắng nghe ý kiến các ngành, UBND huyện Tiên Phước báo cáo và yêu cầu phải tập trung triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật với những nội dung mình đã báo cáo với cử tri tại cuộc tiếp xúc này. Thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó cần tập trung giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân” - ĐBQH Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Về ý kiến cử tri cho rằng có người tham gia hai cuộc kháng chiến vẫn không làm được chế độ chính sách, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng nói, người tham gia kháng chiến mà đã nhận biết được là có công, song chưa quyết định được việc có thực hiện được chế độ chính sách hay không. Bởi vì muốn thực hiện được chế độ chính sách thì phải thiết lập đầy đủ hồ sơ theo quy định. Chính vì vậy, từ thôn cho đến huyện phải phối hợp thực hiện.
Cụ thể, ở thôn phát hiện người tham gia kháng chiến chưa được hưởng chế độ thì Ban nhân dân thôn kiểm tra, thiết lập hồ sơ, rồi xã, huyện hướng dẫn hoàn thành thủ tục hồ sơ. Ai đủ điều kiện thì phải đề nghị để được hưởng chế độ chính sách.
Đảng và Nhà nước luôn ghi công, nhớ ơn những người tham gia kháng chiến để có nền hòa bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc hôm nay. Trường hợp chưa được hưởng chế độ là do hồ sơ chưa được làm đầy đủ, cần quan tâm hoàn thiện hồ sơ để được giải quyết chế độ theo đúng quy định.
Nguyên Đoan - Báo Quảng Nam