Trái cây bản địa lên ngôi
Tại Quảng Nam, nhiều nhà vườn chú trọng đầu tư khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, cây trồng. Đây là yếu tố cơ bản để tránh việc bị thương lái ép giá, góp phần làm chủ mùa vụ.
Ông Nguyên Khoa (thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) đã nghiên cứu và sản xuất ra nhiều loại trái cây trái vụ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. “Mùa sầu riêng năm ngoái, gia đình tôi thu được hơn 40 triệu đồng. Điều đáng nói là chúng tôi không phải thu hoạch rồi mang ra chợ bán mà người dân trong vùng đã tìm đến mua. Điều đó cho thấy người tiêu dùng ngày càng thông minh trong việc giữ gìn sức khỏe gia đình”. Hiện nay, ngoài sầu riêng, nông dân Nguyên Khoa còn trồng một số loại trái cây như cam, măng cụt, thanh trà… để đáp ứng phần nào nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn huyện Tiên Phước và các vùng phụ cận.
![]() |
Người tiêu dùng có xu hướng quay về với trái cây nộ |
Ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Phước cho biết, huyện đang chú trọng phát triển diện tích trồng cây ăn trái bản địa lẫn trái cây giống miền Nam. Theo đó, HĐND huyện Tiên Phước đã ra Nghị quyết 18 nhằm tạo ra cơ chế khuyến khích nông dân phát triển cây ăn trái, tùy theo loại cây có mức hỗ trợ dao động 10.000 - 15.000 đồng/cây… Hiện nay, nhiều nông dân xã Tiên Sơn đã trồng, thu hoạch khá thành công loại cây ăn trái giống miền Nam như sầu riêng, măng cụt.
Nắm bắt xu thế tiêu dùng chung, các nhà phân phối cũng chủ động phối hợp với người trồng, liên kết tạo đầu ra bền vững. Chị Hoàng Hạnh - chủ cửa hàng rau sạch Đà Lạt G.A.P (184 Hoàng Diệu, TP.Đà Nẵng) thường xuyên nhờ bạn bè, người thân tìm nơi sản xuất trái cây sạch bản địa đem về phục vụ khách hàng. Theo đó, chị Hạnh sẵn sàng trả tiền cho người trồng cao hơn giá thị trường để được đảm bảo nguồn hàng chất lượng, ổn định và lâu dài. Theo đó, chị Hạnh và bạn bè đã kết nối với nông dân ở làng cây trái Đại Bình (huyện Nông Sơn), huyện Tiên Phước cùng các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng... để tìm trái cây sạch phục vụ người tiêu dùng.